Vận dụng mô hình trải nghiệm của David Kolb trong dạy học chủ đề văn thuyết minh

GD&TĐ - Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học.

Sơ đồ Mô hình trải nghiệm (Kolb, 1984).
Sơ đồ Mô hình trải nghiệm (Kolb, 1984).

Trong định hướng đổi mới phương pháp dạy học, học sinh chính là chủ thể, chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động học tập; giáo viên chuyển mạnh dạy học thông qua sự trải nghiệm, chiêm nghiệm sâu sắc, “học thông qua hành”, học qua thực tiễn và học bằng thực tiễn. Dạy học môn Ngữ văn không nằm ngoài mục tiêu chung đó. Hoạt động trải nghiệm trong môn học Ngữ văn góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất, năng lực cốt lõi, trong đó có năng lực ngôn ngữ.

1.

Văn học có những đặc trưng riêng so với những bộ môn khác, đó là môn học công cụ, mang tính nhân văn, tính thẩm mĩ về đối tượng, nội dung và phương thức biểu hiện. Để có thể hướng dẫn học sinh khám phá, rung động với cái đẹp về nội dung và hình thức của các tác phẩm văn chương đòi hỏi phải có năng lực ngôn ngữ - đó là một trong những yêu cầu tất yếu trong đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực hiện nay.

Theo Giáo sư Lê A trong “Phương pháp dạy học tiếng Việt”, NXB Giáo dục, “cùng với lao động, ngôn ngữ góp phần hình thành và phát triển xã hội loài người, là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất và thuận lợi nhất. Ngôn ngữ còn là công cụ tổ chức quá trình tư duy, giúp cho tư duy phát triển”.

Năng lực ngôn ngữ là khả năng của con người tạo ra được những câu đúng trên cơ sở nắm vững những kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, tu từ… của ngôn ngữ đó. Năng lực ngôn ngữ của học sinh bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: Nghe, nói, đọc, viết.

Năng lực ngôn ngữ của học sinh trung học gồm ba năng lực chủ yếu sau: Năng lực làm chủ ngôn ngữ (tiếng Việt); năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) để giao tiếp; năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để tạo lập văn bản.

Đối với học sinh cấp THPT, trong chương trình môn Ngữ văn, năng lực ngôn ngữ cần đạt các mức độ như sau: Biết vận dụng kiến thức tiếng Việt và kiến thức về bối cảnh lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết học và quan niệm thẩm mĩ của các thời kì để hiểu các văn bản khó hơn; Biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản, nhất là những tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ, cách viết và kiểu văn bản;

Viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh về các đề tài gắn với đời sống và định hướng nghề nghiệp; Viết được văn bản nghị luận và văn bản thông tin có đề tài tương đối phức tạp; Bài viết thể hiện được cảm xúc, thái độ, những trải nghiệm và ý tưởng của cá nhân đối với những vấn đề đặt ra trong văn bản; Biết tranh luận về những vấn đề tồn tại các quan điểm trái ngược nhau. Nói và nghe linh hoạt; nắm được phương pháp, quy trình tiến hành một cuộc tranh luận.

Năng lực ngôn ngữ thể hiện ở hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Trước hết ở hoạt động đọc, ở cấp trung học phổ thông, học sinh có khả năng để hiểu các văn bản khó hơn; biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản; có cách nhìn, cách nghĩ về con người và cuộc sống theo cảm quan riêng; thấy được vai trò và tác dụng của việc đọc đối với bản thân.

Đối với hoạt động viết, ở cấp trung học phổ thông, học sinh viết thành thạo kiểu văn bản nghị luận và thuyết minh về các đề tài gắn với đời sống và định hướng nghề nghiệp; văn bản thuyết minh viết về những vấn đề có tính khoa học dưới hình thức một báo cáo nghiên cứu đúng quy ước; thể hiện được một cách nhìn, cách nghĩ, cách sống mang đậm cá tính; Đối với hoạt động nói và nghe, ở cấp trung học phổ thông, học sinh biết tranh luận về những vấn đề tồn tại các quan điểm trái ngược nhau; có thái độ cầu thị và văn hóa tranh luận phù hợp; nói và nghe linh hoạt; nắm được phương pháp, quy trình tiến hành một cuộc tranh luận.

Như vậy, năng lực ngôn ngữ là một năng lực tổng hợp trên cơ sở những biểu hiện của bốn yếu tố đọc, viết, nghe, nói cấu thành, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy và tác động, tạo nên tính toàn diện năng lực đặc thù của môn Ngữ văn.

Một số hình ảnh trải nghiệm của học sinh.
Một số hình ảnh trải nghiệm của học sinh.

2.

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.

Theo mô hình của David Kolb, chu trình học tập trải nghiệm gồm bốn pha: Trải nghiệm cụ thể; quan sát phản ánh; trừu tượng hóa khái niệm; thử nghiệm tích cực.

Môn Ngữ văn là bộ môn mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn. Đổi mới dạy học môn Ngữ văn góp phần tạo được hứng thú, tính tích cực cho người học thì việc dạy học Ngữ văn gắn liền với hoạt động trải nghiệm là một trong những con đường, cách thức đổi mới phương pháp giáo dục trong nhà trường góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Các hoạt động trải nghiệm có thể thực hiện dưới nhiều hình thức rất phong phú và đa dạng, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em hình thành, phát triển năng lực như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức tham quan, dã ngoại, các cuộc thi, hoạt động nhân đạo, lao động công ích...

Có thể chia hoạt động trải nghiệm thành 3 mức độ: Tham quan là loại trải nghiệm mang tính vui chơi và tùy hứng, giờ học thực tế với yêu cầu viết cảm nhận sau chuyến thực tế chính là hình thức học tập trải nghiệm trên đường chính quy hóa. Bậc cao nhất là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bậc này chính thức khẳng định vai trò của hoạt động trải nghiệm trong đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

Trong môn Ngữ văn, cơ hội phát triển năng lực không chỉ đem đến cho người học, mà ngay cả người làm thầy dạy văn chương cũng được “bứt” khỏi sách vở, để có đường dẫn sinh động nối giữa văn với đời. Đó là những hành trình hữu ích và ý nghĩa với cả người dạy và người học.

Từ mô hình học tập trải nghiệm của David Kolb, khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần thực hiện đầy đủ theo quy trình các giai đoạn sau:

Bước 1: Đề xuất một nhiệm vụ cho chủ đề.

Bước 2: Học sinh tự trải nghiệm trong thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bước 3: Học sinh làm báo cáo kết quả hoạt động theo nhiệm vụ được giao sau khi quá trình trải nghiệm kết thúc.

Bước 4: Học sinh báo cáo nhiệm vụ và quá trình trải nghiệm của mình trước tập thể.

Bước 5: Tổng kết quá trình hoạt động, học tập, thực hiện nhiệm vụ của học sinh.

Thông qua quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn sẽ triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh cũng như những phẩm chất khác theo mục tiêu giáo dục, chương trình tổng thể.

3.

Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn bản thuyết minh cung cấp tri thức khách quan về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân... của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giải thích. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, chủ đề văn thuyết minh gồm các bài: Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh; Lập dàn ý bài văn thuyết minh; Tính chuẩn xác, hấp dẫn của văn bản thuyết minh; Phương pháp thuyết minh; Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh. Khi dạy học chủ đề này theo hướng trải nghiệm, giáo viên tập trung vào các hoạt động như: Hoạt động sân khấu hóa, Hoạt động tổ chức các diễn đàn/cuộc thi/hội thi, Hoạt động tham quan tìm hiểu, Hoạt động dạy học theo dự án.

Hoạt động sân khấu hóa: Học sinh tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, các nhân vật lịch sử, các tác giả văn học thông qua các hình thức như: Đóng vai, dựng hoạt cảnh hoặc “Tập làm người dẫn chương trình truyền hình” đi thực tế tham quan các cảnh đẹp, các di tích lịch sử.

Các hoạt động có thể tổ chức trên sân khấu lớp học (phạm vi hẹp) hoặc trước trường (phạm vi rộng).

Hoạt động tổ chức các diễn đàn/cuộc thi/hội thi: Diễn đàn/cuộc thi/hội thi có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như: Thi tìm hiểu, thi vẽ tranh, thi viết, thi sáng tác bài hát, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa địa phương, thi tiểu phẩm...

Các hoạt động học tập có thể do giáo viên tổ chức hoặc học sinh tự tổ chức thành diễn đàn như thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi”, “tôi là phóng viên”...

Với hoạt động trải nghiệm di sản, di tích ở địa phương, cách thức thực hiện: Trải qua 5 bước:

Bước 1: Chuẩn bị: Trao đổi với học sinh thống nhất địa điểm, khung thời gian, nội dung cần tìm hiểu, hình thức tham quan, vật dụng mang theo…

Hình thức có thể tổ chức cả lớp hoặc phân nhóm.

Bước 2: Tiến hành tham quan tìm hiểu: Học sinh được trực tiếp tham quan địa điểm đã thống nhất, tiến hành ghi chép, trao đổi thảo luận trong quá trình tiếp xúc thực tiễn.

Bước 3: Chia sẻ: Học sinh trình bày lại kết quả mà bản thân thu nhận được từ quan sát, tìm hiểu, cảm nhận thực tiễn. Có thể tiến hành bằng nhiều hình thức như thuyết trình, viết bài, vẽ tranh, có thể quay video thuyết minh... qua đó giúp học sinh phát triển ngôn ngữ cũng như nâng cao năng lực giao tiếp.

Bước 4: Đánh giá: Giáo viên tổ chức đánh giá hoạt động trải nghiệm của học sinh, từ đó xây dựng, nâng cao ý thức, niềm tự hào về giá trị văn hóa, văn học, ý thức bảo vệ, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của quê hương.

Bước 5: Vận dụng: Vận dụng những tri thức lĩnh hội được qua các hoạt động thực tiễn vào cuộc sống với các hình thức như: Xây dựng các dự án: Quảng bá vẻ đẹp quê hương, tham gia các chương trình như “Tự hào Việt Nam”...

Nhóm hoạt động này bao gồm các hoạt động cụ thể sau:

Hoạt động tham quan tìm hiểu: Thực hiện kế hoạch hoạt động trải nghiệm của nhà trường, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu một số di tích lịch sử tại địa phương. Giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh tự tìm hiểu các di tích, các nét đẹp văn hóa, đặc sản quê hương tại nơi mình sinh sống.

Hoạt động dạy học theo dự án: Giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện theo hình thức dự án nhỏ và dự án trung bình. Sau khi các nhóm đã thống nhất kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên, giáo viên yêu cầu học sinh làm việc ở nhà, thu thập các thông tin, tư liệu, tranh ảnh minh họa hoặc đi thực tế đến các địa điểm cần thuyết minh, quay phim, chụp ảnh. Từ đó tập hợp các dữ liệu để hoàn thiện sản phẩm chuẩn bị cho tiết học sau để báo cáo kết quả bằng sản phẩm trình chiếu có thuyết trình.

Thực hiện vận dụng mô hình trải nghiệm của David Kolb trong dạy học chủ đề văn bản thuyết minh tại đơn vị cơ sở, thực tế đã mang lại hiệu quả. Đây không chỉ là những định hướng có ích đối với việc dạy học thể loại văn thuyết minh nói riêng, mà còn là định hướng hướng dẫn giáo viên, học sinh khám phá, tìm hiểu các thể loại, phân môn khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ