Tượng đài bất tử và tiếng khóc bi tráng

GD&TĐ - Văn chương bắt rễ từ cuộc đời, ẩn sau mỗi trang văn là ân tình người cầm bút. Một trăm năm mươi năm đã đi qua kể từ ngày Nguyễn Đình Chiểu viết nên trang văn thống thiết về người nông dân nghĩa sĩ trong công đồn giặc Pháp, người đọc vẫn ám ảnh khôn nguôi về tiếng khóc bi tráng cho một thời đại thương đau của dân tộc.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bức tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bức tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc.

Tượng đài bất tử về người nông dân yêu nước

Sinh thời, nhà văn Tô Hoài quan niệm: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Cuộc sống là bầu sữa ươm mầm, nuôi dưỡng văn học phát triển. Văn chương là giúp người đọc có những khám phá, trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống muôn màu. Thời đại nào, văn chương ấy.

Hơn trăm năm đã đi qua, ngày nay đọc lại Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu người đọc thấu cảm hơn về một thời đại đau thương mà vĩ đại của dân tộc. Khi đất nước trở thành thuộc địa của thực dân xâm lược, dân tộc ta bước vào một thời kì lịch sử đau thương với máu và nước mắt của bao người đã ngã xuống. Kiêu hãnh biết bao, tự hào biết bao trong bối cảnh ngoại bang giày xéo, ngọn lửa của lòng yêu nước nhân dân lại bùng lên. “Đất nghèo nuôi những anh hùng”, người nông dân nơi lũy tre làng hai sương một nắng đã thắp lên ngọn lửa yêu nước để tỏa sáng đến muôn đời.

Bài văn tế được Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của Đỗ Quang tuần phủ Gia Định để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tập kích đồn giặc Pháp đêm ngày 16/12/1861. Nghĩa quân đã giết được một tên quan hai Pháp và một số lính thuộc địa, làm chủ được đồn hai ngày rồi bị phản công và thất bại, hơn 20 nghĩa sĩ đã hi sinh. Bài văn là khúc ca bi tráng về người nông dân yêu nước thất thế mà vẫn hiên ngang, đồng thời là một tiếng khóc lớn cho một thời đại đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc xứng đáng là bài văn yêu nước xúc động lòng người, khơi dậy trong ta niềm kiêu hãnh tự hào về đất nước thân yêu.

Hai câu mở đầu của bài văn, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng nên bối cảnh thời đại, ngợi ca sự hi sinh vẻ vang của những người nông dân: “Hỡi ôi! Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ”. Hai câu văn ngắn gọn mà có sức khái quát cao. Đặt sự đối lập giữa súng giặc - lòng dân tác giả khẳng định một sự lựa chọn cao đẹp. Tổ quốc lâm nguy, súng giặc vang rền, người nông dân đã đứng lên gánh vác sứ mệnh đánh giặc cứu nước. Kết quả cuộc chiến ấy “tuy là mất” nhưng danh thơm sẽ còn lưu mãi muôn đời.

Đoạn văn tiếp theo, Nguyễn Đình Chiểu đã tập trung làm nổi bật hình ảnh người nông dân từ trong cuộc sống lao động cực khổ đến cuộc đời chiến đấu anh dũng, vẻ vang:

Nhớ linh xưa:

Cui cút làm ăn;

Riêng lo nghèo khó.

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;

Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn mong mưa;

Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọt như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Trước trận công đồn, người nghĩa sĩ yêu nước vốn quanh năm lam lũ, cực nhọc, gắn bó với công việc nhà nông, hoàn toàn xa lạ với việc binh đao. “Nhớ linh xưa cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Câu văn giản dị mà hàm chứa sắc thái biểu cảm cao. Từ “cui cút” gợi cuộc đời lầm lũi, cực nhọc, đáng thương và tội nghiệp đến vô cùng, biết bao yêu thương trong hai từ “cui cút” ấy. Thì ra, những người nông dân xưa lam lũ sau lũy tre làng, cuộc sống là những lo toan nghèo đói quanh năm. Khi giặc đến, tình cảm thái độ của họ được thể hiện cụ thể. Một thoáng hồi hộp, lo lắng đi qua, sự chờ đợi mong mỏi trong vô vọng cũng biến mất. Dường như, có một sự chuyển hóa đặc biệt, âu lo, hồi hộp hóa lòng căm thù sâu sắc và mãnh liệt tận cốt tủy tâm can. Hàng loạt từ ngữ được tác giả sử dụng để chỉ thái độ tình cảm ấy: Ghét, ăn gan, cắn cổ...

Lòng căm thù giặc sục sôi ấy gợi nhắc đến lời hịch năm nào của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thuở đánh giặc Nguyên: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Từ tấm lòng sục sôi ấy, người nông dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình với non sông đất nước, họ tự nguyện xả thân vì nghĩa lớn. “Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình... Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”. Những câu văn khắc họa sự chuyển biến từ tình cảm đến nhận thức của người nông dân, dường như có một sự chuyển hóa đến kì diệu. Người nông dân hai sương một nắng đã vươn lên thành những anh hùng dân tộc, bước vào cuộc chiến một mất một còn với bè lũ ngoại xâm. Chàng Gióng năm xưa vươn vai thành anh hùng dân tộc đánh thắng giặc Ân rồi bay về trời, người nông dân “cui cút làm ăn” xả thân vì nghĩa và tiếng thơm còn vang mãi.

Hào hùng nhất, đẹp nhất là những câu văn khắc họa hình ảnh đội quân áo vải trong trận chiến đánh Tây một mất, một còn, kiêu hãnh và tự hào:

Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;

Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh;

Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.

Chẳng khoa trương, không ước lệ tượng trưng, lời văn tả thực Nguyễn Đình Chiểu đã phác họa hình ảnh người nghĩa sĩ tả đột hữu xung trong thế đối lập giữa ta và địch, giữa vũ khí thô sơ (manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, hỏa mai bằng rơm con cúi...) với chiến công vang dội và hành động quả cảm (đốt xong nhà, chém rớt đầu...). Nhịp điệu câu văn ngắn, khỏe, nhanh kết hợp với hàng loạt động từ mạnh (đốt, chém, đâm, đạp, lướt, xô...) càng tô đậm hơn tinh thần chiến đấu quả cảm của người nông dân nghĩa sĩ. Đoạn văn làm ngời sáng vẻ đẹp của lòng dũng cảm, chí căm thù giặc sục sôi của người nông dân nghĩa sĩ, khơi dậy trong ta niềm kiêu hãnh, tự hào.

Có thể nói, với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc, người nông dân yêu nước chống giặc ngoại xâm đã được dựng một tượng đài nghệ thuật bất tử. Họ là những người anh hùng áo vải vô danh, bình dị đã góp phần tô thắm cho trang sử hào hùng dân tộc. “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí người đọc”. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong trang văn của cụ Đồ Chiểu ngày nào vẫn vang ngân trong trái tim người đọc với tấm lòng yêu nước sắc son: “Sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc, muôn kiếp nguyện trả thù kia...”.

Đông đảo người dân Bến Tre viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu.
Đông đảo người dân Bến Tre viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Tiếng khóc bi tráng

Năm xưa trong kiệt tác Truyện Kiều, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đúc kết:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Lâm Ngũ Đường nhà văn Trung Quốc cũng khẳng định “Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có lẽ được kết tinh bằng cái tài nhưng hơn hết là tấm lòng của Đồ Chiểu. Đó là những trang văn thấm đẫm tình người được cất lên từ cõi tâm trong sáng của người cầm bút. Cùng với hình tượng người nông dân nghĩa sĩ được dệt nên từ dòng nước mắt của Đồ Chiểu, có thể coi dòng nước mắt này cũng là một  hình tượng, hình tượng bao trùm toàn bộ bài văn tế, là tâm trạng nỗi lòng tác giả. Tiếng khóc ấy là tiếng khóc nhân danh cho dân tộc, đất nước. Tiếng khóc xót thương vô hạn cho những người nghĩa sĩ đã hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở. Ôi! Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phần vội bỏ. Nỗi đau lan tỏa, nỗi đau thương nơi lòng người, giăng kín đất trời: “Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”.

Nhói đau nhất, xúc động nhất có lẽ là tiếng khóc thương cho gia cảnh người nghĩa sĩ, sự mất mát lớn lao không thể nào bù đắp: “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật giờ trước ngõ”. Đây không còn là văn mà là lệ. Thương nhất là hình ảnh “mẹ già khóc trẻ”. Dường như đâu đó là nghịch lí già còn trẻ mất, người đầu bạc tiễn người đầu xanh, còn đâu hi vọng “trẻ cậy cha, già cậy con”. Hình ảnh người mẹ đặt cạnh người vợ đã diễn tả sâu sắc cảnh bi ai, mai này gánh nặng gia đình biết ai lo toan cậy nhờ. Còn gì đớn đau hơn nghịch cảnh cuộc đời, câu văn chan đầy nước mắt, nghèn nghẹn xót đau.

Tiếng khóc trong bài văn không chỉ là niềm xót thương vô hạn mà còn là tiếng khóc cảm phục và tự hào. Cảm phục về một lẽ sống đẹp, sự hi sinh cao cả  làm rạng ngời chân lí: Chết vinh còn hơn sống nhục. Đó là cái chết trả nợ non sông, cái chết lưu danh muôn thuở. “Khi bạn được sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn cười”. Chân lí giản dị mà sâu sắc ấy quả đúng với những người nông dân nghĩa sĩ  đánh giặc thuở nào. “Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra đất nước” (Thơ Nguyễn Khoa Điềm). Muôn đời sau sẽ dành tặng họ ném tâm hương kính dâng những người con đã hi sinh vì đất nước. Tiếng khóc của Đồ Chiểu cũng là tiếng khóc của cả dân tộc, tiếng khóc bi mà không lụy. Thương đau mà vẫn vút cao âm hưởng ngợi ca, yêu mến tự hào.

Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và tính hiện thực, ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại một áng văn bất hủ, vang mãi muôn đời. Bài văn là tiếng khóc bi tráng cho một thời kì lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Áng văn được kết tinh từ cái Tài và cái Tâm của Nguyễn Đình Chiểu sẽ trường tồn mãi mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. 

Hơn trăm năm đã đi qua, ngày nay đọc lại Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu người đọc thấu cảm hơn về một thời đại đau thương mà vĩ đại của dân tộc. Khi đất nước trở thành thuộc địa của thực dân xâm lược, dân tộc ta bước vào một thời kì lịch sử đau thương với máu và nước mắt của bao người đã ngã xuống. Kiêu hãnh biết bao, tự hào biết bao trong bối cảnh ngoại bang giày xéo, ngọn lửa của lòng yêu nước nhân dân lại bùng lên. “Đất nghèo nuôi những anh hùng”, người nông dân nơi lũy tre làng hai sương một nắng đã thắp lên ngọn lửa yêu nước để tỏa sáng đến muôn đời.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.