Tượng đài bất tử về người lính vô danh

Tượng đài bất tử về người lính vô danh

Đó là bức tượng đài rất đẹp được xây trong hồn thơ Quang Dũng với tất cả sự trân trọng mến yêu, thành kính và Quang Dũng đã mang tượng đài này "đặt chơi vơi giữa ngàn non, ngàn mây, ngàn cây Tây Bắc".

Bởi vậy lời thơ như vang vọng mãi tiếng gọi hoang sơ của núi rừng để mỗi khi ta nghe nhắc đến thơ Quang Dũng thì tâm hồn lại "rộn rạo, phiêu du nhịp lên trong tiếng gọi đàn thăm thẳm". Quang Dũng đã hát khúc độc hành có một không hai về đoàn binh ấy để Tây Tiến sống mãi trong lòng người đọc. Nhà thơ Giang Nam đã từng viết về Tây Tiến:

"Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông".

Quả đúng như vậy! Bài thơ ấy, người lính ấy…

Bước chân của đoàn quân Tây Tiến đi khắp nẻo đường đất nước và không ít ý kiến bàn luận về chi tiết miêu tả dáng vẻ ngoại hình của những anh vệ quốc:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Dáng vẻ người lính có nét kì dị khác thường nhưng Quang Dũng không hề cường điệu mà phản ánh đúng hiện thực. Ông lấy cái thô, cái mộc làm đòn bẩy để tôn lên cái đẹp, cái dũng khí ẩn chứa trong tâm hồn những người chiến sĩ "không mọc tóc" bởi rừng thiêng nước độc, bởi căn bệnh sốt rét rừng, bởi những trận đánh giáp lá cà, bởi sự đoàn kết đồng lòng ngay từ ngoại hình dáng vẻ. Đoàn quân ấy mang diện mạo khác thường còn bởi quân xanh màu lá xanh quân phục, xanh màu da và xanh lá ngụy trang.

Nghệ thuật đối lập giữa vẻ bề ngoài thiếu sức sống, xanh xao và bên trong là sức mạnh tinh thần vững vàng của người lính. Đây là một nét vẽ đặc sắc của cảm hứng lãng mạn về những người chiến sĩ dũng cảm kiên cường. Nét vẽ "dữ oai hùm" vốn có từ một dân tộc quật khởi, dùng gậy tầm vông chống lại sắt thép quân thù. Quang Dũng vừa kế thừa, vừa sáng tạo thơ ca cổ điển khi viết lên những vần thơ hào sảng từng có trong thơ ca truyền thống khi ngợi ca sức mạnh Việt Nam:

"Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

(Phạm Ngũ Lão)

"Sĩ tốt kén tay tì hổ

Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh"

(Nguyễn Trãi)

Chỉ với hai câu thơ, những nét vẽ đầu tiên của bức tượng đài đã chạm khắc một hình ảnh phi thường, độc đáo của những chàng trai Hà Nội hào hoa một thuở xếp bút nghiên lên đường chinh chiến. Câu thơ sau nâng câu thơ trước cùng vút bay lên để tôn thêm ánh hào quang của anh bộ đội cụ Hồ.

Đoàn binh Tây Tiến mà phần lớn các chiến sĩ là học sinh, sinh viên của 36 phố phường Hà Nội. Họ là những chàng trai "chưa trắng nợ anh hùng" với bao mộng và mơ gửi về hai phía chân trời :

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Hai câu thơ đã diễn tả rất đạt cái chí và cái tình của người lính. Giấc mơ lãng mạn đan xen hiện thực trần trụi giúp thăng bằng cảm xúc, giữ được trạng thái hài hòa của thơ, đồng thời giúp Quang Dũng gõ vào cánh cửa tâm hồn của người lính làm lộ ra một góc đa tình. Mắt trừng đã gợi tả ánh mắt giận dữ trong tư thế chiến đấu lẫm liệt vô song, trong ánh nhìn như muốn xẻ cả không gian ấy là lòng căm thù sâu sắc, chất chứa khôn nguôi niềm khao khát chiến thắng. Mắt trừng khiến hình ảnh người lính Tây Tiến trở nên phảng phất gương mặt hào kiệt của nghĩa sĩ ngày xưa:

"Giã nhà đeo bức chiến bào

Thét ra cầu vị ào ào gió thu".

(Chinh phụ ngâm)

Ánh mắt ấy gửi về biên giới nên đây là mộng lập chiến công đánh tan đồn giặc, tiêu diệt quân thù, bảo vệ biên cương để nêu cao truyền thống anh hùng. Dữ dội mà không vơi lãng mạn bởi người lính vẫn nhớ về dáng thướt tha của một bóng hồng Hà Nội. Quên sao được những tà áo trắng, những dáng kiều thơm từng hẹn từng hò. Nó giống như một dòng nước mát với những người bộ hành trên sa mạc vì nó là nguồn cổ vũ, tiếp sức cho các anh khi bước vào những cuộc chiến đấu gian nan. Chiến tranh khốc liệt nhưng không làm chai sạn trái tim người lính, đặc biệt là người lính Thủ đô. Nỗi nhớ của các anh thật khác so với những nông dân mang áo lính. Họ lại nhớ về:

"Mái lều tranh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya".

(Nhớ - Hồng Nguyên)

Hay nỗi nhớ về giếng nước gốc đa về ruộng nương và gian nhà trống trong thơ của Chính Hữu. Tất cả nỗi nhớ ấy làm đẹp hơn nỗi nhớ một thời. Theo cấu trúc câu thơ cũng có thể được hiểu người lính miền viễn xứ nhớ về Hà Nội – Thủ đô hoa lệ đẹp như một dáng kiều thơm. Và dù hiểu theo cách nào thì vẫn thể hiện con người chiến sĩ – nghệ sĩ của những chàng trai Hà Nội.

Những tâm hồn đẹp ấy của những con người tràn đầy lý tưởng ấy có khi phải nằm lại nơi chân đèo vách núi. Cái giá của độc lập tự do được đo bằng tầm vóc của khí phách dân tộc, được ghi nhận bằng xương máu của nhân dân mà trước hết là máu xương của hàng nghìn, hàng vạn người lính trên chiến trường. Lý tưởng cao đẹp "Tổ quốc hay là chết" đã được Quang Dũng thể hiện bằng những vần thơ bi tráng lay động hồn người:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc

đời xanh.

Câu thơ trên đem lại cảm giác tang thương bởi cả bảy chữ đều mang nét nghĩa tương đồng gợi cả sự xa xôi hoang lạnh. "Biên cương" gợi ra khoảng cách địa lý cuối cùng của đất nước. "Viễn xứ" là xứ xa, phương xa. "Mồ" là hình ảnh từ biệt sinh ly, phân biệt cõi sống - cõi chết, cõi âm dương. Những nét nghĩa ấy cùng hướng tới một miêu tả của thực tế là rất nhiều nhưng nấm mồ của những người chiến sĩ xa quê phải nằm lại nơi miền viễn xứ.

Trong một câu thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt thì "mồ" lại là một từ thuần Việt có giá trị biểu đạt và biểu cảm cao: Miêu tả chính xác thực tế chiến trường khi những người ngã xuống chỉ được chôn cất sơ sài vội vã. Đồng đội xót lòng để các anh ở lại trong những nấm đất hoang lạnh, đơn sơ. "Tây Tiến" là một trong số không nhiều những tác phẩm văn chương thời kháng chiến chống Pháp trực tiếp miêu tả mất mát hi sinh của người lính. Đó là thời đại:

"Thế hệ chúng con đi như gió thổi

Quân phục xanh đồng sắc với

chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai".

(Đất nước hình tia chớp – Trần Mạnh Hảo)

Nếu câu thơ Rải rác biên cương mồ viễn xứ đầy thê lương vì những nấm mồ xa quê không có một vòng hoa, một nén hương tưởng niệm thì câu thơ sau đã nâng cao tầm vóc của người lính. Nếu câu thơ trước là một bức tranh xám lạnh, ảm đạm hiu hắt thì câu thơ sau cảm hứng bi tráng khiến bài thơ không rơi vào bi lụy. Các anh ra trận vì lý tưởng đẹp. Đời xanh là tuổi thanh xuân của những người thanh niên quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. 

Đời xanh là tuổi trẻ với bao hoa mộng. Đẹp là thế hứa hẹn là thế, vẫn vui vẻ hiến dâng cho Tổ quốc, còn sự hi sinh nào cao quý hơn. Vì vậy cảm hứng bi tráng không chỉ được tạo nên bằng hàng loạt từ Hán Việt để đặt sự hi sinh của người lính Tây Tiến vào một không khí thiêng liêng trang trọng tạo nên tâm thế tôn kính ngưỡng mộ cho người đọc, mà cảm hứng bi tráng còn được sáng tỏ hơn trong tứ thơ lãng mạn, mạnh mẽ rắn rỏi như một lời tuyên thệ khiến chúng ta nhớ đến trường ca của Thanh Thảo:

"Chúng tôi đã đi không tiếc

đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi còn chi Tổ quốc?".

Những người lính Tây Tiến nói riêng, thế hệ trẻ thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói chung đều sống mãi với tuổi 20, xứng đáng với một đất nước anh hùng.

Ngay cả khi người lính Tây Tiến hi sinh, họ vẫn phảng phất vẻ tài tử của một cái đẹp đầy bi tráng:

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Ngày xưa, người tráng sĩ chọn cái chết hiên ngang nơi trận mạc với da ngựa bọc thây và gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao. Ngày sau, những người chiến sĩ miền Tây với áo bào thay chiếu để thanh thản về với đất. Vẫn biết những tử sĩ nằm xuống không có đủ manh chiếu để bọc thây nên cách nói áo bào thay chiếu như lời an ủi những người vừa ngã xuống chỉ có manh áo lính. Thêm một lần nữa cái chết được nhắc đến, có cuộc chiến nào không trả giá bằng máu và nước mắt. Vậy mà cụm từ hi sinh được thay thế bằng "anh về đất" đã bình thường hóa cái chết, làm giảm nhẹ sự mất mát thương đau.

Các anh về với cội nguồn, về với tổ tiên sau khi hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng – một sự hi sinh cao cả mà bình dị. Các anh sống, chiến đấu cho quê hương và chết vì đất nước. Anh về đất là nằm trong mẹ Tổ quốc thân yêu, hóa thân vào đất đai xứ sở. Cái chết ấy là bất tử, là cái chết của những người chưa bao giờ khuất (Nguyễn Đình Thi). Lời thơ càng tuôn trào cảm xúc từ tình đồng đội trước những người cống hiến đời xanh một cách vô danh, không cần ghi tên trên sử sách. Những người anh hùng mà không tự biết mình là anh hùng. Trước sự hi sinh thầm lặng, sông Mã – con sông chảy từ đầu bài thơ đến đây để thay mặt cho đồng đội, cho những người còn sống, cho quê hương đất nước cất lên khúc nhạc trầm hùng, khúc chiêu hồn tử sĩ. Đúng như Lê Đại Thanh đã đồng sáng tác khi viết về bài "Tây Tiến":

Sông Mã gầm lên sông Mã ơi

Người yêu sông Mã đã qua đời

Để đời nhớ mãi quân Tây Tiến

Khúc độc hành ca của một thời.

Không gian xa, thời gian xa nhưng có những giá trị mãi trường tồn. Và Tây Tiến mãi mãi là một bức tượng đài bất tử về người lính vô danh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ