Tử vong chỉ vì bỏ thi giữa kỳ: Đừng để kỳ vọng giết chết tương lai con trẻ!

GD&TĐ - Vì bỏ thi giữa học kỳ, nam sinh lớp 9 ở Hải Phòng bị bố đẻ tức giận dùng đũa chọc vào ngực dẫn đến tử vong. Thông tin này khiến nhiều cha mẹ giật mình nhìn lại việc đặt quá nhiều kì vọng, niềm tin vào con cái.

Cả giận mất khôn…

Ngày 23/3, Công an TP Hải Phòng cho biết, Công an quận Ngô Quyền đang tạm giữ Nguyễn Hùng Cường (39 tuổi) để điều tra làm rõ vụ việc.

Theo đó, vào lúc 19h40" ngày 22/3, tại số nhà 14/389 Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, anh Nguyễn Hùng Cường, trong lúc tức giận đã dùng đũa chọc vào ngực con trai là cháu  N.H.A.K. (SN 2006, là học sinh lớp 9) vì lý do cháu bỏ thi giữa kỳ. Cháu N.H.A.K. ngay sau đó đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp, Hải Phòng cấp cứu. Tuy nhiên, đến khoảng 7h20" ngày 23/3, cháu N.H.A.K. đã tử vong do vết thương quá nặng.

Vụ việc đau lòng này rất tiếc không phải là cá biệt. Đau lòng hơn, nó là hệ quả của việc cha mẹ đã đặt quá nhiều kì vọng vào con cái. Có những sự kì vọng thái quá của cha mẹ khiến nhiều đứa trẻ rơi vào trầm cảm, bế tắc thậm chí dẫn đến tự tử khi không đạt kết quả học tập như cha mẹ mong muốn.

Câu chuyện này là hồi chuông cảnh báo, sự kì vọng của cha mẹ dành cho con khủng khiếp đến mức nào mà khiến một người cha không làm chủ được bản thân đã chọc đũa vào ngực con, vô tình gây ra cái chết đau đớn cho con mình. Và thực tế còn nhiều cha mẹ chưa nhận ra việc kì vọng lớn có thể gián tiếp cướp đi những đứa trẻ mà họ hết mực thương yêu.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Con không phải là để kì vọng…

Mới đây, chị Phan Hồ Điệp (mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam) chia sẻ đoạn trích trong thư chị viết cho Đỗ Nhật Nam khi con trai 15 tuổi.

“Em đi học thì thật đáng lo ngại. Điểm số trồi sụt thất thường.

Ngày còn học tiểu học mẹ luôn phải sẵn sàng đón nhận việc em mang về nhà cuốn vở có lời phê của cô “Cô không biết cho điểm thế nào”. Lên cấp hai toàn lấy cớ lên văn phòng ngồi. Mẹ nhớ mẹ ra đề văn: Tả con vật bất kì em nhìn thấy. Mẹ hí hửng nghĩ là em hứng thú với đề văn ấy lắm vì em vốn yêu con vật. Thế nhưng khi mẹ hỏi đến bài làm thì em nói: Mẹ xem lại đề đi, làm gì có con nào có tên là “con bất kì” hả mẹ!!!

Em không phải để kì vọng…

Mẹ đưa em đi học đàn. Rồi đêm nào cũng mơ em sẽ biểu diễn trong dàn nhạc lớn. Em sẽ tạo ra những âm thanh du dương diệu kì. Ấy thế mà, em chơi đàn như người ta… cọ nồi. Lúc thích thì em tập mấy tiếng mà không thích thì em bỏ luôn chả thèm ngó ngàng đến cái đàn mạng nhện giăng đầy trên dây.

Em không phải để kì vọng…

Vậy mà mẹ vẫn thương em như thương cả bầu trời.

Từ nuôi em, mẹ học được những điều như trong Kinh Thánh: Hãy thay đổi những gì không thể chấp nhận (ví dụ thói quen xấu) nhưng hãy thanh thản, vui vẻ chấp nhận những gì không thể thay đổi (ví dụ như cá tính, kiểu tâm lý, tạng người).

Để không đặt nhiều kì vọng lên em…

Để hiểu em thuộc về đời sống của riêng em. Mẹ có thể trách mắng, đồng hành, giải thích nhưng mẹ không thể học hỏi, hạnh phúc, đớn đau, khám phá, thất bại, vấp ngã… thay cho em được”.

Trải qua một chặng đường đồng hành cùng con, chị Phan Hồ Điệp nhận ra rằng, việc quan trọng của mỗi người làm cha mẹ là nhìn nhận những điểm mạnh của con để giúp con phát huy tiềm năng, bằng những cách thức khoa học nhất chứ không phải chỉ ngồi trông đợi hoặc ép uổng con. “Không phải để kì vọng con như một “thần đồng” mà bởi đơn giản, đó cũng là cánh cửa để bạn nhìn ngắm, quan sát con mình một cách trọn vẹn nhất”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Có thể thấy trong mắt những đứa trẻ, việc tương lai thành người giàu có, thành đạt, giỏi giang, nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì, điều chúng muốn bây giờ là được vui vẻ, thoải mái, nô đùa… Do đó, cha mẹ không nên quá quan tâm đến điểm số của kỳ thi mà can thiệp vào việc lựa chọn của con, hãy để con tự quyết định thi môn gì, học trường nào... Đừng bắt con trẻ phải sống theo ước mơ của người lớn.

Hãy để trẻ tự do sáng tạo, theo đuổi mục tiêu và làm những điều mình thích thì trẻ sẽ thành công, có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Cha mẹ chỉ nên khuyến khích, tạo cho con thêm động lực học tập, không nên đề ra những mục tiêu để áp đặt lên con và bắt chúng phải thực hiện bằng được.

“Sĩ diện, thể hiện của cha mẹ đã biến mỗi kỳ kì thi lớn nhỏ của trẻ đều trở thành áp lực lớn cho cả gia đình. Thi là để các con trưởng thành, hoàn chỉnh tính cách, đạo đức, kĩ năng. Thi là để các con vượt qua khó khăn, dần hoàn thiện quan điểm và suy nghĩ, để trưởng thành hơn. Thi là cần thiết. Nhưng thi không phải là để tạo hình ảnh đẹp cho gia đình, cho người lớn. Và nếu con bạn có vì lý do nào đó mà bõ lỡ một kỳ thi hay trượt trong kì thi quan trọng cũng không có nghĩa chúng đã thành kẻ bỏ đi. Áp lực thi cử và những kỳ vọng của bố mẹ có thể giết chết con trực tiếp hay gián tiếp.” – TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ