TS Lê Thống Nhất: Sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành có 7 triệu HS đang học cũng phải thay đổi

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Thay đổi vì mục tiêu đổi mới giáo dục đã khác

Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm tới việc Hội đồng thẩm định đã loại hai bản thảo sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Nêu quan điểm về việc này, TS Lê Thống Nhất cho biết không bình luận về việc “đạt” hay “không đạt”, bởi đó là việc của Hội đồng thẩm định mà chỉ bàn về dư luận xã hội trước việc hai bản thảo sách “công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại không đạt.

“Chúng ta phải khẳng định, những cuốn sách giáo khoa hiện hành đang thực hiện không có khuyết điểm gì để phải thay đổi mà phải thay đổi vì mục tiêu đổi mới giáo dục đã khác, từ chỗ giảng dạy cung cấp kiến thức cho học sinh chuyển sang giảng dạy định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.

Với mục tiêu đó, yêu cầu về sách giáo khoa phải thay đổi. Và sẽ có những sách giáo khoa phù hợp với chương trình hiện hành nhưng không phù hợp với chương trình mới - đó là chuyện bình thường”TS Lê Thống Nhất cho hay.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đang có hơn 900.000 học sinh học tại sao lại thay đổi, nhưng theo TS Lê Thống Nhất, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành hiện có 7 triệu học sinh đang học tới đây cũng không học được nữa mà phải thay đổi.

Sách giáo khoa ở các nước dù tốt đến mấy, có thành tựu đến mấy đều có chu kỳ của nó, thậm chí chu kỳ chỉ trên dưới 10 năm.

Với yêu cầu mới thì sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 hiện có 7 triệu học sinh theo học nếu đưa vào thẩm định cũng sẽ không đạt. Không đạt không phải vì sách không tốt mà không theo đúng quy định của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Hay sách Toán hiện hành của nhóm tác giả cố PGS. TS. Đỗ Đình Hoan cũng có khoảng 7 triệu học sinh đang học. Những tác giả này đều nhận thấy cần phải viết lại sách giáo khoa của mình cho phù hợp và đã viết lại.

TS Lê Thống Nhất.
TS Lê Thống Nhất. 

“Có người đặt câu hỏi, tại sao sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định rồi giờ lại không đạt thẩm định, theo tôi được biết, sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại đã được thẩm định là thẩm định trong ngắn hạn và thẩm định để dùng cho chương trình hiện hành.

Về mặt khoa học việc thẩm định “không đạt” là chuyện bình thường và không phải đã hết hy vọng, GS Hồ Ngọc Đại với nhóm tác giả hoàn toàn có thể chỉnh sửa theo đúng tinh thần của Thông tư 32 để thẩm định trong những đợt tới.

Cũng lưu ý thêm: Không chỉ có 2 cuốn Tiếng Việt 1 và Toán 1 của GS Hồ Ngọc Đại “Không đạt” mà còn có 7 cuốn khác của các nhóm tác giả khác cũng “Không đạt” và cuốn “Đạo đức” của Công nghệ giáo dục đã được xếp loại “Đạt nhưng phải sửa chữa”, các tác giả đã nhất trí sửa chữa để thẩm định vòng 2” – TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Từng bước một chúng ta sẽ thành công trong lần đổi mới này

TS Lê Thống Nhất cho biết: Với tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thì trách nhiệm của Hội đồng Thẩm định quốc gia sẽ lớn hơn. Tôi có theo dõi thường xuyên hoạt động này. Trước khi Hội đồng quốc gia làm việc, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đã có một hội thảo để góp ý cho tài liệu tập huấn cho các cá nhân tham gia Hội đồng thẩm định.

Như vậy, trước khi vào Hội đồng thẩm định, từng cá nhân đã được tập huấn để hiểu rõ về chương trình mới và quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để tham gia biên soạn sách (Thông tư 32, Thông tư 33) - đây là những kim chỉ nam rõ ràng cho đổi mới lần này.

Do thay đổi mục tiêu giáo dục mới nên yêu cầu cụ thể về sách giáo khoa đã được hướng dẫn rất rõ, kể cả quy cách thẩm định, quy cách sách giáo khoa mới.

TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng, với nhiều bộ sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định sẽ thuận lợi là có thể đối chiếu được, trong một chương trình mới nhưng cách thể hiện đa dạng, khác nhau. Sách nào thể hiện được đúng tinh thần của chương trình mới và các quy định về biên soạn, thẩm định sách thì những cuốn sách đó sẽ được thông qua và áp dụng trong toàn quốc.

“Tôi đã được chứng kiến những lần thay đổi sách giáo khoa trước, tôi cho rằng đây là lần làm bài bản, không những bài bản mà còn công khai trên truyền thông để những người không được tham gia trực tiếp vào các công đoạn cũng được biết, được nắm đầy đủ thông tin. Khi Bộ GD&ĐT công khai thông tin sự minh bạch tốt hơn, cố gắng của tác giả, của Hội đồng sẽ tốt hơn, xã hội có đầy đủ thông tin để hiểu và bình luận đúng. Tuy chúng ta còn rất nhiều khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất nhưng tôi vẫn tin rằng, từng bước một chúng ta sẽ thành công trong lần đổi mới này”TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ