Không đáp ứng đúng tiêu chí
Lý giải vì sao SGK lớp 1 CNGD của GS Hồ Ngọc Đại đến nay đã triển khai trên diện rộng và trong nhiều năm, đạt được kết quả giáo dục đáng trân trọng, nhưng vẫn bị “loại”. GS Trần Đình Sử khẳng định: SGK của GS Hồ Ngọc Đại cũng như SGK hiện hành (được biên soạn từ lâu) có hiệu quả tốt và sử dụng cho đến nay. Tuy nhiên, SGK mới sẽ phải soạn theo chương trình mới. Vì vậy, SGK của GS Hồ Ngọc Đại và SGK hiện hành phải được viết lại theo chương trình mới.
Và chính vì tính chất như vậy, nên việc thực hiện kết quả dạy học từ SGK lâu nay không phải là lý do duy nhất để tất cả SGK sử dụng lâu nay tiếp tục đưa vào SGK viết theo chương trình mới.
Mặt khác, HĐTĐ làm việc theo Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT, đánh giá SGK viết theo nội dung, phương pháp, yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. Mà như vậy, so với CT SGK mới, SGK của GS Hồ Ngọc Đại không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp nên HĐTĐ đánh giá chưa đạt. HĐTĐ không có sự phân biệt nào giữa các SGK khi thẩm định.
GS Trần Đình Sử đã đơn cử về một vấn đề khiến SGK của GS Hồ Ngọc Đại không đạt, đó là: Chương trình SGK mới yêu cầu dạy HS lớp 1 theo 4 tiêu chí: Đọc, viết, nghe, nói. Có nghĩa HS viết được hệ thống chữ tiếng Việt; đánh vần cơ bản của tiếng Việt; Phân biệt được chính tả; Biết giao tiếp, chào hỏi, nghe, đọc, nói những câu đơn giản, biết kể chuyện… Nhưng SGK của GS Hồ Ngọc Đại thì chủ yếu dạy âm chữ, quy tắc chính tả…
Về cơ bản cách dạy này có ưu điểm riêng nhưng các mặt khác lại chưa được thể hiện trong chương trình.
SGK lớp 1 CNGD của GS Hồ Ngọc Đại có những mặt kiến thức vượt qua yêu cầu. SGK lớp 1 không cần phải có kiến thức về ngữ âm tiếng Việt; Cấu trúc của từ ngữ âm tiếng Việt; Không cần những khái niệm của âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi… Kiến thức đó sẽ làm nặng nề thêm chương trình.
HĐTĐ cũng cho biết đã đặt câu hỏi với 5 GV dạy TH; Trưởng phòng TH một Sở GD&ĐT; Hiệu trưởng trường TH đã triển khai dạy chương trình CNGD. Các ý kiến cho rằng, để dạy và đạt kết quả thì bản thân GV phải tranh thủ thêm thời gian để bổ sung cái thiếu và yếu của sách. Không những thế, hằng năm GV vẫn có báo cáo về khó khăn khi dạy sách CNGD.
Cũng có ý kiến cho rằng, CNGD có tác dụng tốt cho việc dạy tiếng Việt cho HS vùng sâu xa, HS dân tộc. Khi triển khai tốt ở những nơi HS còn chưa nói sõi tiếng Kinh thì việc đánh giá vượt quá và chưa đạt về yêu cầu kiến thức là sự mâu thuẫn với thực tiễn đang diễn ra tại các địa phương.
Lý giải về vấn đề trên, GS Mai Ngọc Chừ cho biết: HĐTĐ được thành lập để thẩm định theo CT SGK mới. Mà CT SGK mới thì giáo dục toàn diện chứ không chỉ có việc dạy viết và đánh vần. HĐTĐ nghiệm thu các bộ SGK mới theo tinh thần khác chứ không chỉ có học vần và viết chữ…
Học sinh lớp 1. Ảnh minh họa |
Không có sự thiên kiến trong thẩm định
GS Mai Ngọc Chừ cho biết: HĐTĐ có các GS về ngôn ngữ học, GV dạy trực tiếp từ lớp 1 nhiều năm nay; Trưởng phòng GD&ĐT, các hiệu trưởng… Không phải ngẫu nhiên tất cả lại bỏ phiếu giáo trình CNGD không đạt.
Đánh giá SGK có nhiều cách tiếp cận. Nhưng HĐTĐ sẽ căn cứ theo kết quả phản ánh của từng thành viên hội đồng từ các tỉnh và bám chắc vào các nguyên tắc của CTGDPT mới.
“Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bởi chủ yếu không bám theo CT GDPT mới. Các thầy cô đại diện cho các vùng miền cũng đánh giá khó và để đạt được mục đích theo yêu cầu thì khổ cho cả các thầy cô và học trò. SGK CNGD có tính mở nhưng GV lại thực hiện máy móc, không có tính sáng tạo”.
PGS. Trần Kiều cũng cho biết: Khi xây dựng CT GDPT mới phải biên soạn SGK phù hợp với chương trình. Tất cả cái hiện hành phải nhường chỗ cho cái mới. HĐTĐ chỉ thẩm định SGK viết theo chương trình của Bộ và áp dụng các tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Tuy nhiên, trong khi làm có tính đến sự kế thừa. Nhưng tinh thần chung là theo tiêu chí.
Quá trình đánh giá HĐTĐ phải cân nhắc vào 4 điều và 13 tiêu chí để đánh giá SGK có đạt hay không đạt. (4 tiêu chí: Phải viết đúng và đủ. SGK phải tạo ra cơ hội cho GV đổi mới PPDH. SGK phải làm sao để qua đó GV dạy học có thể thể hiện được phẩm chất, năng lực… SGK phải làm sao để HS học được, tiếp thu được kiến thức một cách hứng thú). Tất cả các bản thảo SGK được thẩm định đều được áp dụng theo các tiêu chí chung.
PGS Trần Kiều khẳng định: SGK CNGD của GS Hồ Ngọc Đại có cái hay nhưng cần viết theo CT GDPT mới. Hiện tại, SGK CNGD chỉ là sự cụ thể hóa chương trình của Bộ.
GS Mai Ngọc Chừ cũng nhìn nhận: “Mỗi bộ sách có mặt mạnh, mặt yếu. Chúng tôi không phủ nhận mặt mạnh của bộ sách đó. Nhưng nhìn một cách toàn diện thì chưa đáp ứng đúng yêu cầu chung. HĐTĐ ủng hộ theo chương trình mới của Bộ GD&ĐT vì nó sẽ giảm tải và hạn chế kiến thức quá khó đối với HS”.