Trường học an toàn và trách nhiệm của người trong cuộc

GD&TĐ - Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui và để trường học thân thiện, điều đầu tiên và quan trọng nhất là trường học phải là nơi an toàn cho học sinh. Vấn đề An toàn trường học (ATTH) đối với học sinh được các bậc phụ huynh đặt ra cho các nhà trường, những yêu cầu về ATTH luôn được đề cao và đảm bảo con em nhân dân học tập trong môi trường an toàn nhất.

An toàn thực phẩm bếp ăn trong các nhà trường là rất quan trọng. Ảnh: TG
An toàn thực phẩm bếp ăn trong các nhà trường là rất quan trọng. Ảnh: TG

Giá trị của an toàn trường học

Ngành Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn chi tiết, trong đó các nhà trường phải bảo đảm độ an toàn cho học sinh khi đến trường. Trước sự cố nghiêm trọng ở Trường Phổ thông Liên cấp quốc tế Gateway, ngày 5/8, Bộ GD&ÐT đã có Công văn số 3343/BGDÐT-GDCTHSSV gửi các Sở GD&ÐT về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đầu năm học 2019 - 2020.

Công văn yêu cầu các Sở GD&ÐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…

Tuy nhiên, vẫn có những sự cố ngoài mong muốn xảy ra từ việc nuôi dạy học sinh nội trú, bán trú, đến đưa đón học sinh ở một số cơ sở giáo dục ngoài công lập. Có thể thấy, giờ đây ở các trường từ công đến tư, hoạt động nuôi - dạy đang trở nên phổ biến. Nhà trường đã không chỉ chịu trách nhiệm dạy học mà còn trông nuôi học sinh thay bố mẹ trong giờ hành chính.

Đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học, học sinh học bán trú nên vấn đề không chỉ là dạy học mà còn là chăm nuôi, trong đó an toàn thực phẩm, an toàn trong môi trường dạy - học và hoạt động đưa đón học sinh đều phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy, chỉ cần một sơ xẩy nhỏ trong quy trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng có thể dẫn đến hệ lụy lớn.

Bài học của trách nhiệm

An toàn khi đến trường là yêu cầu tối quan trọng của các bậc phụ huynh khi gửi con em đến trường. Điều đầu tiên họ muốn là con em mình được học trong điều kiện an toàn, chứ không chỉ là học giỏi. Việc bố mẹ cháu L sẵn sàng bỏ gần 200 triệu đồng học phí cho một năm học cũng không ngoài mong muốn đó. Sau sự cố nghiệm trọng ở Trường Gateway, dư luận xã hội đặt ra nhiều câu “giá như”.

Nếu cô phụ trách đón cháu kiểm đếm đầy đủ trách nhiệm hơn? Giá như bác lái xe sau mỗi giờ đưa đón cẩn thận quan sát lại xe xem để làm vệ sinh vì nhỡ có cháu bé say xe… Từ giờ như trên vẫn sẽ mãi là giả định vì không thể thay đổi được bất hạnh xảy ra. Trường học an toàn không chấp nhận những giả định đó, mỗi người đều phải có trách nhiệm với việc mình làm. Rõ ràng một sơ xẩy nhỏ đã dẫn đến hệ quả vô cùng lớn mà ai cũng thấy.

Còn ở cơ sở Mầm non tư thục Tuổi Thơ xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam, việc các cô giáo hướng dẫn các cháu học kỹ năng kêu cứu và chạy thoát hiểm khi gặp cháy nổ khiến các cháu bị bỏng nặng cũng lại là lỗi rất lớn của chính những người trong cuộc.

Nhiều người cho rằng, chính các cô đã không hiểu được những điều cơ bản nhất của kỹ năng sống là không được thêm cồn vào lửa đang cháy nhưng lại đi dạy học sinh mầm non, những cháu bé mà hàng ngày bố mẹ còn phải nhắc phân biệt đi dép chân phải chân trái cho đúng. Rõ ràng, khi tổ chức dạy trẻ kỹ năng sống các cô giáo đã suy nghĩ hết sức đơn giản nên hậu quả tai hại xảy ra từ chính sự đơn giản trong suy nghĩ, thiếu hiểu biết kỹ năng sống của cô giáo.

Hàng loạt nguy cơ có thể đến bất kỳ lúc nào và với bất kỳ nhà trường nào nếu đơn giản hóa mọi việc. Từ vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học có bếp ăn bán trú, dạy kỹ năng sống trong nhà trường rồi dịch vụ đưa đón học sinh. Mọi chuyện tưởng như diễn ra hết sức bình thường, ngày nào cũng vậy và không có sự cố gì xảy ra.

Nhưng chỉ trong một tích tắc, quy trình thực hiện bị bỏ qua do người thực hiện đơn giản hóa ngay lập tức sẽ dẫn đến hệ lụy. Đừng để những việc tưởng chừng như hết sức đơn giản lại dẫn đến những hệ lụy lớn. Muốn tránh được điều đó rất cần trách nhiệm của những người trong cuộc, những cô giáo, bảo mẫu, phụ trách đưa đón trẻ. Thêm nữa, cũng rất cần các nhà trường thường xuyên có những chỉ đạo, giám sát khắt khe, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, đúng các quy trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...