Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phân tích phổ điểm thi để điều chỉnh nguyện vọng

GD&TĐ - PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, khuyên thí sinh nên tham khảo phổ điểm thi THPT của cả 2 đợt ở tổ hợp dự định xét tuyển năm nay, so sánh với phổ điểm tương ứng các năm trước.

Thí sinh xem danh sách dự thi tốt nghiệp THTP đợt 1 năm 2021.
Thí sinh xem danh sách dự thi tốt nghiệp THTP đợt 1 năm 2021.

Đảm bảo quyền lợi xét tuyển cho thí sinh thi đợt 2

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Có nhiều thí sinh đã gọi điện đến đường dây nóng hỗ trợ tuyển sinh của nhà trường để hỏi liệu các em dự thi đợt 2 thì có bị hạn chế gì về quyền lợi tuyển sinh không.

Chúng tôi khẳng định là thí sinh dự thi THPT đợt 2 các em vẫn được đảm bảo quyền lợi như những thí sinh dự thi đợt 1. Cụ thể: Nếu các em đã đạt sơ tuyển theo các phương thức xét tuyển Nhà trường đã công bố, các em có thể xác định nhập học sau khi có kết quả thi THPT. Nếu em đăng ký xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, em cũng sẽ bình đẳng như các em đã dự thi đợt 1”.

Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã hoàn thành sơ tuyển 3/4 phương thức tuyển sinh đã được Nhà trường công bố (tuyển sinh riêng, xét tuyển sinh theo học bạ và theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh tổ chức). Việc tổ chức xét tuyển được nhà trường thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh năm 2021 đã công bố. Do đó, việc xét tuyển theo kết quả thi cũng sẽ được Nhà trường đảm bảo thực hiện theo đúng đề án tuyển sinh với số lượng chỉ tiêu đã được công bố trước đó.

“Nếu năm nay Bộ GD&ĐT tổ chức xét tuyển theo kết quả thi THPT 2 đợt, nhà trường cũng sẽ dành một số chỉ tiêu cho những thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở đợt 2. Chỉ tiêu này sẽ được Nhà trường tính toán lại, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh. Chỉ tiêu sẽ được xác định dựa trên thống kê số lượng thí sinh ở các địa phương trúng tuyển, đã nhập học đợt 1 và trong các năm gần đây” – thầy Vinh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh thì khả năng rất cao là Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT chung cho cả 2 đợt thi như đã từng thực hiện ở năm 2021.

“Đề thi tốt nghiệp THPT ở cả 2 đợt thi sẽ đều có độ khó tương đương nhau. Số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THTP ở đợt 2 năm nay cũng đủ lớn nên phổ điểm sẽ tương đương với đợt 1. Điều này có thể thấy rõ qua 2 đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Như vậy, có thể nói rằng các em thi ở cả 2 đợt thi đều bình đẳng như nhau trong tất cả các loại hình xét tuyển, kể cả trong xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT” – thầy Vinh phân tích.

Phân tích phổ điểm để điều chỉnh nguyện vọng

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT là một trong những căn cứ để điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh nên tham khảo phổ điểm thi của THPT cả nước của cả 2 đợt ở tổ hợp mà mình dự định xét tuyển năm nay và so sánh với phổ điểm tương ứng các năm trước.

"Cụ thể, gồm điểm trung bình, điểm trung vị và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất. Sau đó, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển của ngành thí sinh muốn xét tuyển với điểm trúng tuyển ở 2 năm trước (trong đề án tuyển sinh mà các trường công bố)” – thầy Vinh cho biết.

Ví dụ thí sinh dự định xét tuyển vào ngành có tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Vật Lý, Hóa học) thì các em nên tham khảo phổ điểm thi THPT năm 2021 của tổ hợp A00 để xem phổ điểm và điểm trung bình chung cua tổ hợp năm nay (2021) cao hơn hay thấp hơn các năm trước.

Tiếp theo tham khảo điểm xét tuyển vào ngành mình đã chọn ở 2 năm trước với tổng điểm thi THPT (của tổ hợp xét tuyển) của thí sinh.

Thầy Vinh cũng có lời khuyên cho thí sinh trong sắp xếp thứ tự các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh: “Khi đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, nên chọn các ngành có cơ hội trúng tuyển cao (những ngành có điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất thấp hoặc không cao hơn nhiều so với điểm thi THPT dùng để xét tuyển của thí sinh), sau đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên theo sở thích của thí sinh và theo cơ hội trúng tuyển theo điểm trúng tuyển của các năm trước từ cao xuống thấp".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ