Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng, cơ hội cuối cho các thí sinh

GD&TĐ - Thay đổi nguyện vọng sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT là cơ hội cuối cùng của thí sinh trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2021.

Học sinh lớp 12 tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2021. Ảnh: Ánh Ngọc
Học sinh lớp 12 tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2021. Ảnh: Ánh Ngọc

Làm thế nào để có sự điều chỉnh hợp lý, cơ hội đỗ cao nhất là băn khoăn của nhiều thí sinh, phụ huynh. 

Phân tích phổ điểm

Trịnh Thị Quỳnh - sinh viên (SV) năm thứ nhất, Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, chia sẻ kinh nghiệm đăng ký xét tuyển và chỉnh nguyện vọng (NV) năm trước của mình: Em đăng ký tổng cộng 4 NV. Vì yêu thích nghề bác sĩ nên Quỳnh ưu tiên chọn ngành trước. NV1, đăng ký vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Sau đó lần lượt là Y khoa, ĐH Y Dược (ĐHQG Hà Hội), Y Đa khoa và Răng – Hàm – Mặt của Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng).

“Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, với kết quả tổ hợp môn xét tuyển sinh ĐH là 24,75 điểm, em quyết định điều chỉnh NV1 vào Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội), còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là NV2.

Ngoài ra, em bổ sung thêm NV vào Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Kết quả, điểm em đủ để trúng tuyển vào khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học của Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Nếu không nghiên cứu kỹ phổ điểm và tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển các ngành học của những năm trước, có lẽ em không đỗ NV nào” – Quỳnh cho hay.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Nghiên cứu phổ điểm theo tổ hợp môn của năm thí sinh thi là việc đầu nếu muốn điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển. Phổ điểm này còn phải được so sánh với những năm trước đó vì mỗi năm mỗi khác. Sau đó, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của những ngành định đăng ký xét tuyển trong khoảng 2 - 3 năm gần nhất.

Thường điểm chuẩn sẽ xê dịch trong khoảng 1 - 2 điểm. Khi đối chiếu với phổ điểm của tổ hợp môn, thí sinh sẽ “khoanh” được độ an toàn của mình. Ngoài ra, các em cũng cần nắm kỹ chỉ tiêu tuyển sinh của ngành đó có điều chỉnh gì không. Ví dụ: Nếu năm nay, ngành A tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.

Trần Quốc Huân (SV năm thứ nhất, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ chiến thuật chọn ngành lân cận khi điều chỉnh NV xét tuyển: Vì yêu thích ngành kỹ thuật ô tô nên Huân chọn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

“Tham khảo điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, so sánh kết quả thi của mình với phổ điểm của tổ hợp môn xét tuyển, em quyết định bổ sung thêm NV xét tuyển”. Ngoài 2 NV đã đăng ký trước đó, Huân bổ sung thêm 2 NV là ngành Cơ khí chế tạo và Nhiệt của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Tham khảo ý kiến của các anh khóa trước, em biết hai ngành này đều liên quan đến kỹ thuật ô tô, chỉ cần sẽ học thêm một khóa 2 tháng để lấy thêm chứng chỉ” – Huân giải thích. Nhờ tận dụng cơ hội điều chỉnh NV, Huân đã lội ngược dòng thành công khi đỗ vào khoa Cơ khí chế tạo.

Tân SV làm thủ tục nhập học năm học 2020 – 2021 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.
Tân SV làm thủ tục nhập học năm học 2020 – 2021 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. 

Xếp thứ tự nguyện vọng

PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: Khi phân tích phổ điểm, thí sinh cần cẩn trọng và phải tham khảo thêm nhiều thông tin khác. Năm 2020, phổ điểm cao hơn mọi năm nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với điểm chuẩn các ngành, trường đều cao.

Thí sinh phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường, đặc biệt là phương thức tuyển sinh riêng, để có con số chính xác chỉ tiêu tuyển sinh của từng phương thức xét tuyển. Thí sinh cần theo dõi thông tin tư vấn điều chỉnh nguyện vọng của các trường, số lượng chỉ tiêu để điều chỉnh hợp lý.

“Sau khi nghiên cứu kỹ các ngành nghề đào tạo, thí sinh nên lập danh sách các ngành, trường theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Với cách thức xét tuyển ưu tiên theo điểm, các NV đều bình đẳng chứ không ưu tiên theo thứ tự NV nên thí sinh cần đăng ký nhiều NV, không đạt NV trên sẽ chuyển xuống xét ở NV dưới. Nếu thí sinh đậu NV trên sẽ không xét NV dưới nữa” – PGS.TS Lê Văn Huy tư vấn.

Theo đó, thí sinh có thể sắp xếp NV theo 3 mức: Cao, ngang bằng và thấp hơn hay còn gọi là mức an toàn so với điểm thi. Việc sắp xếp các thứ tự NV nên theo nguyên tắc trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi xếp ở NV trên, trường dự kiến sẽ có điểm thấp hơn xuống dưới. Không nên xếp theo thứ tự ưu tiên trường dễ trúng tuyển lên trên.

Một điểm khác căn bản trong quy chế tuyển sinh năm nay so với các năm trước là hình thức đăng ký điều chỉnh NV. Theo đó, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định và chỉ được thực hiện bằng phương thức trực tuyến.

TS Nguyễn Công Hào – Trưởng ban Đào tạo và Công tác SV Đại học Huế chia sẻ: Một kinh nghiệm có thể sử dụng trong hình thức đăng ký online là khi hệ thống ghi nhận đã thành công, các em có thể chụp lại màn hình. Đây được xem là minh chứng trong trường hợp cơ sở dữ liệu của Bộ không cập nhật kịp hoặc có sự trục trặc kỹ thuật đường truyền.

Có một kênh tham khảo gần như  “bị” các thí sinh bỏ quên, đó là những ngành phải xét tuyển đợt 2. Đây thường là ngành khó tuyển nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn so với những ngành “hot”. Tuy nhiên, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, TS Lê Thị Thanh Mai – ĐHQG TP Hồ Chí Minh khuyên thí sinh nên hết sức “cảnh giác”. “Nếu các em sử dụng kết quả học bạ, điểm chuẩn đợt 2 thường cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển của nguyện vọng 2 có thể cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1”. - TS Lê Thị Thanh Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.