Sử dụng điện thoại di động như một công cụ để học tập

GD&TĐ - Trong bối cảnh có một “thế hệ ngón cái” chỉ quen với điện thoại di động, với máy tính và chủ yếu dùng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin, tải tài liệu, nhiều trường học đã chủ động khai thác “ưu thế” này như một phương tiện hỗ trợ học tập và kích thích sự sáng tạo trong học sinh.

Chương trình truyền thông Mắt học đường cũng là một kênh tư vấn cho HS cách sử dụng điện thoại di động hợp lý.
Chương trình truyền thông Mắt học đường cũng là một kênh tư vấn cho HS cách sử dụng điện thoại di động hợp lý.

Mềm hóa tiết luyện tập trắc nghiệm

Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt – GV môn Hóa học, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã thử nghiệm cho HS sử dụng điện thoại di động để làm bài tập trong một số tiết luyện tập. “Tiết luyện tập với đặc thù là số lượng câu hỏi và bài tập khá lớn, GV thường ít có thời gian để phản hồi kết quả học tập của từng HS, từng nhóm HS nên hiệu quả giờ dạy chưa cao. Việc sử dụng phần mềm Kahoot có thể giúp GV khuấy động lớp học trong các tiết dạy luyện tập, HS sử dụng điện thoại di động một cách lành mạnh, thiết thực và được phản hồi kết quả học tập ngay lập tức tạo hưng phấn và nâng cao chất lượng giờ học đáng kể” – cô Thu Nguyệt cho biết.

Để sử dụng phần mềm

Kahoot, theo cô Thu Nguyệt, GV cần đăng ký tài khoản Kahoot tại địa chỉ GetKahoot.com, sau đó tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm hoặc có thể chọn trong thư viện được chia sẻ bởi cộng đồng. HS sẽ truy cập vào website kahoo.it bằng bất kỳ thiết bị nào có kết nối

Internet và nhập vào số hiệu (game – pin) rồi nickname của mình mà không cần đăng ký tài khoản. “GV chỉ cần nhấn nút START để kích hoạt các câu hỏi và HS sẽ sử dụng thiết bị kết nối Internet để trả lời mỗi câu hỏi sao cho có được càng nhiều điểm càng tốt. Sau mỗi câu hỏi, GV sẽ xem ngay được kết quả và kết quả sau cùng, GV cũng có thể lưu các kết quả này để sử dụng đánh giá HS sau này” – cô Thu Nguyệt cho biết. Vào cuối bài, những HS tham gia có thể cung cấp cho GV các thông tin phản hồi về bài kiểm tra. Điều này sẽ giúp GV ngày càng hoàn thiện hơn kho câu hỏi của mình.

Với Kahoot, trong khi chờ đợi HS đăng nhập vào hệ thống, GV có thể mở một video trên YouTube trong nền của ứng dụng. Video này có thể là một đoạn phim vui nhộn hay đoạn phim mang nội dung liên quan đến chủ đề chuẩn bị kiểm tra, chẳng hạn như video thí nghiệm. Tuy nhiên, theo như nhận xét của cô Thu Nguyệt, với phần mềm Kahoot, GV chỉ có thể xây dựng các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm. “Mỗi câu hỏi cũng chỉ có tối đa 95 ký tự và 60 ký tự cho các câu trả lời. Chính vì vậy, GV có thể khắc phục bằng cách nhập các câu hỏi dưới dạng văn bản và chụp ảnh để đăng tải lên” – cô Nguyệt chia sẻ.

Khi đang là HS lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), em Võ Nguyễn Đình Trí và Nguyễn Quang Đức đã xây dựng bộ sách Sinh học lớp 11 bằng công nghệ thực tế ảo, tóm tắt toàn bộ nội dung SGK với nhiều đồ họa, sơ đồ tư duy, hình vẽ. Điều đặc biệt nhất của bộ sách là ngoài những tiêu bản được quan sát bằng kính hiển vi, bộ sách còn có bộ thẻ thực tế ảo tăng cường (AR) cùng ứng dụng di động quan sát hình ảnh AR.

Mỗi tấm thẻ in hình các chuỗi phân tử, tế bào, dãy ADN… Khi quan sát qua ứng dụng di động, những hình ảnh này sẽ lập tức hiển thị 3D sống động, cho phép người dùng chạm vào, di chuyển hình ảnh lên trang giấy, xoay ngang dọc để quan sát các phía… Ngoài ra, REBO còn có một chatbot (robot trò chuyện) trên nền tảng tin nhắn của Facebook. Sau mỗi bài học, học sinh có thể vào trò chuyện với chú robot này để được kiểm tra bài, ôn lại kiến thức đã học.

Nền tảng xây dựng công dân số

Nhiều HS bậc THCS đã bắt đầu sử dụng điện thoại di động, thậm chí là điện thoại thông minh để làm phương tiện liên lạc với phụ huynh và bạn bè. Và gần như HS nào sử dụng điện thoại thông minh đều có tài khoản mạng xã hội. Câu chuyện về một em HS ở Đà Nẵng “rớt” vào lớp 10 công lập cách đây mấy năm chỉ bởi thói quen dùng ngôn ngữ của mạng xã hội vào bài văn của mình vẫn được các thầy cô giáo nhắc đến như một bài học về sự ảnh hưởng của nó. Vốn là một HS giỏi văn, đã từng đạt giải môn Văn trong kỳ thi HS giỏi văn cấp thành phố nhưng sau một thời gian sử dụng mạng xã hội, dùng ngôn ngữ trò chuyện kiểu nhanh, ẩu, ngắn gọn và mang luôn thói quen này vào bài thi.

Thầy Trần Văn Hồng, Phó trưởng phòng GD&ĐT Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nhận xét: “Hầu hết các thầy cô giáo trẻ đều sử dụng Facebook, và thường là có kết nối với học sinh. Số GV lớn tuổi thì phần nhiều không sử dụng và cũng không biết gì nhiều về Facebook. Đây sẽ là những hạn chế khi mạng xã hội trở thành một kênh giao tiếp với HS, có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, biết được các em nói gì, làm gì trên không gian ảo ấy”.

Không thể cấm, nhưng có thể định hướng cho HS, giúp các em phát huy mặt tốt của các trang mạng xã hội mà phổ biến nhất là Facebook, và sử dụng một cách có hiệu quả, đúng phát luật. Nhiều trường học đã dành thời gian để hướng dẫn HS cách sử dụng điện thoại khai thác tài liệu phục vụ học tập. “Chúng tôi khuyến khích các em sử dụng Facebook cho mục đích học tập.

Thực tế nhiều trường hiện nay lập trang Fecabook cho một môn học nào đó và qua đó các em cũng như giáo viên trao đổi rất thoải mái về môn học, đó là cách làm hiệu quả”, thầy Trần Văn Hồng cho biết thêm. Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã tổ chức hội thảo về xây dựng công dân số, trong đó, gợi ý nhiều cách thức để HS tận dụng không gian mạng phục vụ học tập, biết phân biệt tin giả và tin thật, có trách nhiệm với từng nút like, share cũng như những bình luận của bản thân.

Thầy Nguyễn Đình Hòa – GV Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nêu quan điểm: Không thể cấm HS sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội, tuy nhiên, cần có những hướng dẫn để HS không sa đà vào thế giới ảo.

“Chúng ta cần có quy ước với các em về thời gian sử dụng điện thoại di động cũng như mạng xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, thiện nguyện, kỹ năng sống… để các em tiếp xúc với thế giới thật, con người thật, trải qua những cung bậc cảm xúc thật để trân quý hơn cuộc sống thực tế. Mạng xã hội chỉ là một phương tiện trong cuộc sống hiện đại, có thể giúp cho đời sống thực thêm phong phú chứ không để mạng xã hội lấn át đời sống thực” thầy Hòa nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.