Quản lý cảm xúc trong quá trình học

GD&TĐ - Đào Thị Hằng - cô giáo dạy tiếng Anh mở làng Hama, làng Vui Khỏe nổi tiếng - đã chia sẻ về bí quyết rất quan trọng khi tự học và học tiếng Anh, đó là việc quản lý cảm xúc trong quá trình học

Cô giáo Đào Thị Hằng
Cô giáo Đào Thị Hằng

Càng phản ứng sẽ càng bế tắc

Theo cô giáo Đào Thị Hằng, một trong những điều cốt yếu trong quá trình tự học và học tiếng Anh đó là quản lý cảm xúc - yêu cầu người học vượt qua được sự buồn chán, cô đơn, nghi ngờ bản thân để duy trì động lực học trong thời gian ít nhất một năm.

Cô Hằng cho biết: Thực ra cảm xúc không thể quản lý được, mình chỉ có thể ý thức được sự buồn chán, mệt mỏi đang diễn ra, chấp nhận và vượt qua nó. Khi đang buồn chán vì học mãi không thấy tiến bộ, ngồi học mãi mỏi lưng, làm bài kiểm tra chỉ nhận toàn điểm thấp, mấy đứa bạn thi điểm cao còn mình làm test thì điểm lẹt đẹt bực mình, chúng ta có xu hướng phản ứng, và càng phản ứng sẽ càng bế tắc.

Việc quản lý cảm xúc là cái khó nhất không chỉ trong việc học mà còn cả trong cuộc sống để có được sự bình thản trong tâm hồn. Mà sự bình an trong tâm hồn là một trong những nhân tố tiên quyết để học giỏi.

Đa phần người học tiếng Anh không thể vượt qua những cơn nản khi tự học, vượt qua được nghi ngờ của bản thân nên bỏ giữa chừng, rồi học lại, học rồi lại bỏ. Giống như cây mạ cắm xuống ruộng mới bén rễ lại nhổ lên phơi trên bờ ruộng, một thời gian sau lại đi cấy tiếp. Cứ nhổ lên cắm xuống, cây lúa đó sẽ không bao giờ trổ bông, có trổ cùng toàn hạt lép. 

Cô Đào Thị Hằng (thứ 5 từ phải qua) và các học trò ở làng Hama
Cô Đào Thị Hằng (thứ 5 từ phải qua) và các học trò ở làng Hama

Thoát khỏi chán nản trong học tập như thế nào?

Lý giải cho nguồn cơn những cảm xúc tiêu cực này, cô Hằng cho rằng những buồn nản là điều tất yếu mà ai cũng phải gặp trong quá trình học, vấn đề là có nói ra hay không. Đa phần các bạn sẽ thấy hào quang chói lóa lúc người ta thành công, chứ không thể thấy và hiểu được những ngày họ vật lộn với việc học.

Và bản thân những người làm được họ hiểu đó là điều tất yếu để thành công trong bất cứ việc gì nên họ cũng không muốn nói nhiều về việc đó. Vậy nên bước đầu tiên bạn phải chấp nhận đó những cảm xúc khó chịu, tiêu cực là những điều tất yếu, ai cũng gặp chứ không chỉ riêng mình bạn. 

Khi bạn chấp nhận, bạn sẽ bớt phản ứng, bạn sẽ vượt qua. Đó là quy luật của vũ trụ và quy luật của tâm lý con người.

Cô giáo Đào Thị Hằng nhấn mạnh: Điều cốt lõi mà Đức Phật đóng góp cho nhận loại chính là hiểu được sự vô thường của mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ này. Con người là một phần của vũ trụ nên chúng ta nằm trong mối tương quan này. Đặc tính vũ trụ như thế nào, con người và mọi thứ thuộc về con người cũng sẽ có đặc tính đó.

Điều quan trọng ở đây là hiểu được sự vận hành của tâm, từ Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Thọ – Tưởng - Hành - Thức – Thọ…. nó như một cái vòng tròn tác động lên nhau vậy.

Khi bạn có cảm giác chán nản với việc học, đó là lúc cái Thức ghi nhận được, nó sẽ làm cho bạn khó chịu – đó là Thọ hay cảm thọ.

Tiếp đó bạn sẽ Tưởng (chắc học phương pháp này không đúng đâu, tài liệu này dở, thầy/cô giáo dạy không hay, môi trường học ồn ào quá..), cái tưởng nó sẽ mách bảo bạn Hành (thôi lên mạng xem những người thi được điểm cao họ học theo phương pháp nào, mua tài liệu này đi, ra nhà sách xem có sách nào mới không, tìm thầy cô có mấy đứa học từ đó mà điểm cao để đăng ký học coi….) cứ như vậy bạn sẽ hành động phản ứng.

Càng hành động phản ứng thì cái vòng Thọ – Tưởng – Hành – Thức nó cứ tăng lên. Giận càng giận, nản càng nản, bực càng bực thêm, nghi càng nghi thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn và cũng là cách vận hành của Tâm.

Mấu chốt để phá cái vòng này là bạn quan sát cảm thọ, nhận biết cảm thọ: Đang bực, đang nản, đang nghi ngờ… và hiểu đó chỉ là cảm thọ, nó sinh rồi nó diệt theo quy luật vô thường rồi vượt qua. Khi cái mắt xích thọ được cắt đứt thì Tưởng, Hành, Thức sẽ không trỗi dậy được. Đó là điều quan trọng trong việc kiểm soát cảm xúc lúc học. Điều này không chỉ áp dụng trong việc học mà nó áp dụng rất nhiều trong cuộc sống.

LỜI KHUYÊN CỦA CÔ GIÁO ĐÀO THỊ HẰNG VỚI NHỮNG BẠN ĐANG TỰ HỌC VÀ HỌC TIẾNG ANH

Chúng ta thường muốn những cảm giác dễ chịu và vứt bỏ, ruồng rẫy những cảm giác khó chịu nên cứ rắc rối hoài. Cảm thọ chỉ là cảm thọ, chỉ chấp nhận nó và vượt qua. Nói thì dễ vậy nhưng làm được đó cần có sự rèn luyện trong thiền định lâu dài, cần ý chí, nghị lực và sự kham nhẫn, chịu khó. Không còn cách nào khác.

Việc quản lý cảm xúc trong quá trình học và cuộc sống là điều cốt yếu để thành công trong việc học. Cảm xúc không thể quản lý, chỉ có thể nhận biết và chấp nhận nó có sinh thì có diệt theo quy luật vô thường, không phản ứng rồi vượt qua!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ