Phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước: Không thể học bơi trên bờ

GD&TĐ - Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong khóa học bơi lội.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong khóa học bơi lội.

Điều này ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống trong môi trường an toàn, nhất là trẻ ở vùng lũ.

Xóa mù bơi góp phần giảm đuối nước

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị 17 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho HS, trẻ em.

Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Tỷ lệ tử vong do đuối nước năm 2015 là trên 3.000 thanh thiếu nhi đã giảm dần xuống dưới 2.000 em trong năm 2018 - 2019.

Hiệu quả việc phổ cập bơi lội cho trẻ đã rõ. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho HS trong các nhà trường còn gặp khá nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực phòng chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho đội ngũ GV; khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy bơi cho HS (với các trường có bể bơi); nhà trường phối hợp với gia đình hướng dẫn các em tham gia lớp học bơi ngoài cộng đồng…

Bộ đặc biệt chú trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước để tự biết cách phòng, tránh nguy cơ đuối nước có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. Vì thực tế có nhiều trường hợp HS biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước, điều đó cho thấy nếu chỉ biết bơi chưa bảo đảm an toàn phòng, tránh đuối nước. Các em cần được trang bị kỹ năng an toàn khác: Không biết bơi thì phải làm gì, biết bơi thì bơi thế nào để an toàn, chỗ nào được bơi, chỗ nào không được bơi…

Thế nhưng, hiện nay cơ sở vật chất tại các trường học, đặc biệt là hồ bơi không nhiều, thiếu đồng bộ nên ảnh hưởng đến công tác dạy bơi trong nhà trường. Theo thống kê, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học; các trường THCS chỉ có 227 bể bơi/10.000 trường; THPT có 108 bể/2.649 trường.

Cùng với đó, theo ông Huy, dù có bể bơi việc duy trì, bảo vệ, vận hành cũng rất khó khăn. Các trường tư duy trì rất tốt nhưng trường công kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành bể bơi lại eo hẹp.

Trước thực trạng trên, theo ông Nguyễn Nho Huy, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, HS ở tất cả trường tiểu học, THCS; đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị, trường học đã có bể bơi chủ động tổ chức dạy bơi; trường học liên kết với trung tâm thể dục thể thao, các bể bơi trên địa bàn tổ chức dạy cho trẻ em, HS về kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước và thực hành cứu đuối an toàn.

Trẻ cần các kỹ năng tự bảo vệ trong mọi điều kiện. Ảnh minh họa: Thế Đại
Trẻ cần các kỹ năng tự bảo vệ trong mọi điều kiện. Ảnh minh họa: Thế Đại

Quan tâm dạy bơi cho HS vùng lũ

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết: Quảng Bình là địa phương có địa hình đa dạng, phức tạp, nghiêng từ Tây sang Đông, khi mưa nước dồn về nhanh, nảy sinh nhiều sông hồ. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng có bờ biển dài 160 km, các sông với lòng sông rộng sâu, có chỗ nước xoáy, chảy mạnh. Chính vì thế phát sinh nhiều yếu tố dẫn đến thiệt hại về về cơ sở vật chất và con người, trong đó có nhiều trẻ em bị đuối nước. Từ năm 2016 - 2020, Quảng Bình có 140 trẻ em bị đuối nước, năm nhiều nhất là 46 trẻ, và năm ít nhất (10 tháng đầu năm 2020) có 22 trẻ bị chết đuối.

Nguyên nhân do các dòng sông nước chảy xiết thường gây tai nạn. Giữa vùng biển và sông có vùng nước xoáy, nhiều trường hợp đi tắm ở bờ biển, gần bờ sông dễ bị đuối nước. Ngoài ra, ý thức của người dân còn chủ quan; nhiều trẻ sinh sống gần bờ sông, bờ biển biết bơi sớm nên thường tự ý đi bơi cũng dễ đuối nước, thậm chí có những trường hợp nhiều người trong một gia đình chết do đuối nước.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, khó khăn lớn nhất của tỉnh Quảng Bình là địa bàn đa dạng, phức tạp, đặc biệt khi có biến đổi về khí hậu, lũ lụt, nguy cơ đuối nước ở trẻ lại càng lớn. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc cho con mình đi học bơi và tránh nguy hiểm về đuối nước vẫn chưa được chú ý. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, HS trong và ngoài trường học còn hạn chế; việc dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng… Ngoài ra, trẻ chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.

Trong khi đó, Quảng Bình cũng đang vướng phải khó khăn trong việc dạy bơi cho trẻ do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn, điều kiện vật chất còn hạn hẹp…

Để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, HS, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định: Việc đầu tiên là phải có nghị quyết, chủ trương của Chính phủ, cụ thể hóa từng bộ ngành liên quan. Cụ thể, phải đưa dạy bơi vào chương trình phổ thông, tùy theo mức học và tuổi của HS tương ứng với từng cự ly bơi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hướng dẫn về bơi, huấn luyện phòng chống đuối nước như thế nào, hạn chế trường hợp cứu người đuối nước sau đó cũng bị đuối nước theo; có quy định để tỉnh có giải pháp chỉ đạo xuống từng huyện, xã. Ở trường học rất khó có đầy đủ bể bơi và huấn luyện bơi. Cho nên cần có quy định, các huyện phải có trung tâm bơi, từng xã có ít nhất 1 bể bơi, tạo điều kiện và khuyến khích cho trẻ em, HS học bơi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ