Phòng chống bạo lực học đường: Lời khuyên từ chuyên gia

GD&TĐ - Việc trẻ bị bạo hành có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng tới sức, về thể chất và tinh thần. Bởi vậy, cha mẹ và nhà trường cần chú ý quan tâm và có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa những hành vi bạo hành có thể xảy đến với trẻ.

Trẻ đến trường cần được chăm sóc và yêu thương
Trẻ đến trường cần được chăm sóc và yêu thương

Chú ý tới những biểu hiện bất thường

Tại Việt Nam, bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Nghiên cứu của Bộ Công an đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cũng cho thấy khoảng 50% trường hợp có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của cha mẹ. Trong đó, số em bị cha đánh chiếm 23% - gấp 5 lần tỷ lệ bị mẹ đánh. Tất cả hình thức bạo hành trẻ em dù là tinh thần hay thể chất đều gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Trong một số trường hợp, sức khỏe thể chất và trí nhớ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Theo điều 27 của Nghị định 144/2013 của Chính phủ, mức phạt tiền là từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Nếu hành vi gây tổn hại ở mức độ nghiêm trọng hơn như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật Hình sự 1999.

Chuyên gia tâm lý - giáo dục Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình đến từ dự án Thắp lửa đam mê cho biết: Cơ thể con chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc trẻ có bị bạo hành ở lớp hay không. Chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường. Cha mẹ cần kiểm tra xem con có vết bầm tím, cào xước, vết bỏng, vết lằn... nào không?

Với các bé đã biết nói và có thể trò chuyện, cha mẹ nên giúp con cởi mở, thường xuyên trò chuyện hỏi han con những chuyện ở trường. Cha mẹ tuyệt đối không tỏ ra nóng giận, quát mắng khi con kể chuyện, dù con có làm gì sai, nên giữ sự chừng mực, thoải mái. Vì các bé có thể sẽ không dám kể chuyện mình bị bạo hành với cha mẹ, nếu bị kẻ xấu tiêm nhiễm rằng các bé “hư” và đáng bị “phạt”. Đối với trẻ nhỏ các tổn hại thân thể có thể là bị rung lắc dẫn đến các biểu hiện như: Trẻ đặc biệt cáu kỉnh, nôn trớ, biếng ăn, hoặc gặp trở ngại trong ăn uống, khó thở, có vết bầm ở cổ tay, cánh tay, ngực, cổ...

Chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên lưu ý những biểu hiện hành vi như: Trẻ quá sợ hãi trước việc đi lớp và không thấy quen dần với môi trường mới; Trẻ khóc, chống đối và tỏ ra sợ hãi khi có sự xuất hiện của người trông trẻ, hoặc một người lớn nào khác. Ở một số trẻ còn có hiện tượng rối loạn ngôn ngữ. Trẻ phản ứng chậm, tỏ ra sợ sệt trong khi trò chuyện. Đặc biệt là nếu trước đây trẻ không có gì bất thường, thì những biểu hiện này có thể là do trẻ bị bạo hành bằng lời nói hay hành động. Trẻ bị rối loạn do sợ sệt vì lo việc nói không đúng ý người lớn sẽ bị “phạt”. Trẻ bị bạo hành cũng có thể nảy sinh rối loạn ngôn ngữ như nói lắp.

Cần nghiêm trị những kẻ bạo hành trẻ em
  • Cần nghiêm trị những kẻ bạo hành trẻ em

Tạo môi trường thân thiện

Trường học là môi trường thuận lợi giúp trẻ trang bị kiến thức, nhưng cũng là nơi trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Nhất là đối với trẻ nhỏ. Nguyên nhân khiến trẻ bị bạo hành, xâm hại chủ yếu do trẻ, chưa hoàn thiện về hiểu biết, chưa có khả năng tự vệ trước mối đe dọa bị bạo lực. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận nhỏ giáo viên suy thoái về đạo đức, lối sống, không yêu nghề, mến trẻ, không kiểm soát được hành vi do chịu áp lực nặng nề từ công việc, gia đình. Một số nhà trường chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, không có tường rào che chắn khiến kẻ gian dễ dàng đột nhập, gây hại cho học sinh; Nhiều phụ huynh chưa quan tâm, hướng dẫn con em mình các kỹ năng nhận biết và phòng tránh các nguy cơ bị bạo hành. Và đôi khi, bạo hành xảy ra do chính học sinh đánh nhau.

Phụ huynh nên cởi mở, trò chuyện nhiều với con từ khi trẻ bắt đầu tập nói. Trẻ gần gũi, thoải mái với cha mẹ, phụ huynh có thể dễ nhận thấy những thay đổi trong tâm sinh lý của trẻ hơn, đồng thời trẻ cũng dễ tâm sự với cha mẹ những chuyện ở trường. Như vậy, phụ huynh có thể nhận thấy những biểu hiện bất thường từ sớm để giúp con vượt qua khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Thị Bình đã đưa ra những lời khuyên: Để đảm bảo trẻ được an toàn khi đến trường, tránh được nạn bạo hành đáng tiếc, cha mẹ và người thân hãy trang bị các kiến thức, kĩ năng về phòng tránh bạo lực cho các con cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy tìm hiểu kĩ lưỡng, thấu đáo nguyên nhân và đưa ra giải pháp tối ưu nhất nếu không may con bị bạo hành.

Từ phía gia đình, cha mẹ cần tạo ra một môi trường yêu thương, tôn trọng, chia sẻ để con trước hết an toàn trong ngôi nhà của mình. Một số gia đình vẫn có tư tưởng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” dẫn đến đánh mắng con khi thiếu kiềm chế. Nếu người thân đánh trẻ, trẻ sẽ hoài nghi, sẽ dễ chấp nhận khi người khác bạo hành tương tự. Trẻ mặc định có lỗi là bị đánh. Hoặc chính cha mẹ có bạo lực trong gia đình, dẫn đến con cái bắt chước ra ngoài đánh bạn, hay cho phép người khác bạo hành mình như một thói quen.

Nhà trường cần tạo ra môi trường thân thiện, thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình của học sinh để có giải pháp ngăn ngừa phù hợp, kịp thời. Việc tổ chức các chương trình với những chia sẻ về phòng tránh bạo lực học đường sẽ giúp các em gia tăng kiến thức, kĩ năng hiểu biết về điều này và tự bảo vệ bản thân mình. Về phía xã hội, các cơ quan chức năng cần quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa vấn đề xử lý các vụ việc liên quan đến bạo hành. Cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt những kẻ cố ý bạo hành gây thương tích cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.