Phổ biến mô hình đặc biệt - học cá nhân hoá

GD&TĐ - Mô hình học cá nhân hoá không thực sự là xu hướng hoàn toàn mới trong giáo dục (GD). Trái lại, khái niệm về một chương trình dạy và học phù hợp với nhu cầu, khả năng và sở thích của mỗi cá nhân đã có từ khá lâu. Tuy nhiên, cá nhân hoá trong học tập chỉ bắt đầu được nhiều cơ sở GD tại Mỹ quan tâm trong vài năm gần đây. 

Phổ biến mô hình đặc biệt - học cá nhân hoá

Phương pháp đặc biệt

Ở nhiều quốc gia phương Tây, mô hình học đặc biệt này được cho là một giải pháp, dành cho không chỉ các vấn đề của ngành GD hiện nay, mà còn đối với cả những thách thức trong nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để xác định được, liệu cá nhân hóa trong học tập có thực sự là câu trả lời đúng đắn cho nhiều vấn đề của GD truyền thống, các bậc phụ huynh và học sinh (HS) cần hiểu rõ về khái niệm này.

Theo quan điểm của một học giả, “học cá nhân hóa” là cụm từ được sử dụng để mô tả “mọi môn học trong chương trình bổ sung để tạo nên sự khác biệt”. Về cơ bản, mục tiêu của phương pháp học tập đặc biệt này là dựa theo nhu cầu của từng HS, cho phép họ có nhiều quyền kiểm soát việc học hơn. Tuy nhiên, phạm vi kiểm soát của người học sẽ được thay đổi tùy thuộc vào môi trường học tập cá nhân hóa. Không còn ứng dụng phương pháp truyền thống, các nhà sư phạm ngày nay theo đuổi cách tiếp cận cá nhân hóa, trao cho mỗi cá nhân khả năng làm chủ trải nghiệm học tập của chính mình. Bởi vậy, HS sẽ là người giữ trọng trách cao nhất đối với trải nghiệm học tập của các em tại trường học.

Trong số các loại hình của học cá nhân hóa, “nhịp độ” và “HS làm chủ” là hai phương pháp được cho là phổ biến nhất trong ngày nay. Cá nhân hóa theo nhịp độ cho phép người học nghiền ngẫm và nghiên cứu tài liệu tuỳ theo tốc độ của từng cá nhân, thường là thông qua một chương trình giảng dạy trực tuyến, phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của HS. Nhiều chuyên gia nhận định, biện pháp này sẽ giúp giải quyết vấn đề về sự chênh lệch trong khả năng tiếp thu của mỗi người, mặc dù hầu hết cơ sở GD vẫn xếp lớp học theo độ tuổi. Chương trình trực tuyến này cho phép HS có thể đi chậm lại hoặc tăng tốc dựa trên mức độ và tốc độ làm chủ khả năng của họ.

Đối với mô hình học cá nhân hóa do HS làm chủ, người học sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc quyết định việc học gì, dựa trên mục tiêu và sở thích của họ. Điều này cũng cho thấy, chính chương trình giảng dạy trực tuyến nêu trên cũng được cá nhân hóa. Theo đó, người học phải làm việc trên phương diện cá nhân mà vẫn có tính hợp tác, thường là đối với các dự án phù hợp với những câu hỏi và vấn đề mà HS muốn khám phá.

Chẳng hạn, tại tiểu bang Vermont (Mỹ) - nơi mô hình học cá nhân hóa là hình thức GD bắt buộc đối với trẻ từ lớp 7 - 12, HS có thể lựa chọn được học về di truyền và dinh dưỡng thông qua việc chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, các em còn có thể nghiên cứu về hệ sinh thái rừng và sự tăng trưởng dân số, dựa trên mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Giáo viên đóng vai trò không thể thiếu

Giống như hầu hết chính sách cải cách GD, mô hình học cá nhân hoá cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đối với phương pháp cá nhân hóa theo nhịp độ, không ít phụ huynh nhận định, con cái họ đang dành quá nhiều thời gian trước màn hình máy tính. Đặc biệt, đây là một vấn đề lớn đối với những gia đình khó khăn trong việc hạn chế thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử khi ở nhà. Bên cạnh đó, nhiều HS cho rằng, việc học cá nhân hóa khiến họ phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và thiếu đi sự tương tác đầy ý nghĩa vốn có đối với giáo viên (GV). Điển hình là Summit Learning - chương trình học cá nhân hóa trực tuyến của Trường Công lập Summit, do Facebook phát triển và được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Chan Zuckerberg, đã phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều sau khi được áp dụng.

Trái lại, phương pháp học cá nhân hóa do HS làm chủ không khiến các bậc phụ huynh lo ngại về việc con cái bị tách biệt, bởi đây là mô hình thúc đẩy HS có tính hợp tác cao và kết nối với cộng đồng. Tuy nhiên, cá nhân hóa do HS làm chủ thay thế cách chấm điểm truyền thống bằng việc đưa ra đánh giá dựa trên năng lực người học. Không ít gia đình đã bày tỏ lo sợ rằng, con cái họ có thể sẽ bị thiệt thòi bởi những đánh giá này khi HS nộp đơn vào các trường cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH) danh giá. Lý do là bởi, bảng đánh giá này không hề bao gồm điểm GPA và thứ hạng của HS trong lớp - những điều mà phụ huynh lo ngại có thể ảnh hưởng đến cơ hội con em họ được vào trường như mong muốn.

Nhiều người khẳng định, bây giờ là quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của mô hình học cá nhân hóa đối với cuộc sống của HS. Các chuyên gia GD và nhà hoạch định chính sách hiện vẫn tìm cách để phương pháp này mang lại hiệu quả cao nhất trong thực tế. Tuy nhiên, nhờ số tiền đầu tư lên tới hàng triệu USD, học cá nhân hoá ngày càng được phổ biến rộng rãi trên khắp nước Mỹ.

Không ít chuyên gia khẳng định, phương pháp học cá nhân hóa có thể cải thiện thành tích và khuyến khích khả năng hợp tác của HS. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một số nhà nghiên cứu tại Học viện Giáo dục Sáng tạo Tarrant cho biết, HS có hứng thú và nhiệt huyết hơn khi được chia sẻ cụ thể về những gì họ được học và cách học thế nào. Từ đó, các bậc phụ huynh nhận thấy sự khác biệt theo chiều hướng tích cực của con cái và thậm chí, cha mẹ sẽ phát hiện được những điều chưa từng biết về trẻ. Ngoài ra, GV cũng là những người được truyền cảm hứng từ chính HS của mình khi nhận thấy các em có sự thay đổi.

Cũng theo nghiên cứu của Học viện Giáo dục Sáng tạo Tarrant, GV đã, đang và sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong các cơ sở GD. Thay vì khiến GV trở nên “dư thừa”, mô hình học cá nhân hóa do HS làm chủ không chỉ yêu cầu các kỹ năng từ GV, mà còn đòi hỏi họ phải có phẩm chất tốt, phong thái chủ động trong mọi vấn đề và luôn sẵn sàng hành động. Chính những yếu tố này sẽ giúp GV có đủ khả năng đáp ứng sở thích và nhu cầu phát triển của người học. Ví dụ, để giúp HS đạt được mục tiêu học tập đã đề ra, GV là những người cần tìm hiểu các tài liệu và phân loại đâu là thứ phù hợp với từng cấp độ, kỹ năng của HS. Mặc dù đây là công việc không hề dễ dàng, nhưng việc hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người học theo cách này có thể giúp mối quan hệ cô - trò trở nên gắn bó.

Trên thực tế, mô hình học cá nhân hoá còn có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa các HS đồng trang lứa, giữa con với cha mẹ và giữa người học với cộng đồng, nếu HS chịu mở lòng chia sẻ danh tính, điều họ đang tò mò và đặt ra câu hỏi với những người khác. Mặc dù GV dạy theo phương pháp GD truyền thống cũng có thể yêu cầu người học làm những điều tương tự, nhưng việc hiểu HS ở cấp độ cá nhân là một yếu tố không thể thiếu của môi trường học cá nhân hóa. Cá nhân hoá việc học không có nghĩa là cô lập. Trái lại, phương pháp tốt nhất là học ở cả phạm vi cá nhân và xã hội.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ