Những tiết học đầy ắp nụ cười

GD&TĐ - Tiết học Tiếng Anh của cô Phạm Thị Ngọc Lan – Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) lúc nào cũng rất sôi nổi. Đôi khi cô phải cố gắng kiểm soát để lớp không bị ồn quá, ảnh hưởng đến các lớp bên cạnh. Cô chia sẻ: Chúng tôi học Tiếng Anh qua trò chơi, thỉnh thoảng các con “sung” quá nên cô lại phải… kìm lại!!!

Cô giáo Ngọc Lan và HS trong giờ học Tiếng Anh. 	Ảnh: NVCC
Cô giáo Ngọc Lan và HS trong giờ học Tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Tìm cách dạy hiệu quả

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô giáo Phạm Thị Ngọc Lan được phân công công tác tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), dạy HS THCS hơn 14 năm. Sau cô chuyển công tác xuống TP Tuyên Quang, dạy tại Trường Tiểu học Bình Thuận. Hiện trường có 2 GV tiếng Anh dạy khoảng 15 lớp học. Ngoài những giờ lên lớp, cô Ngọc Lan còn tham gia hoạt động tổ chức CLB, luyện tập cùng HS dự các buổi giao lưu với trường bạn.

HS tiểu học vốn hiếu động, cứ ngồi im im nghe cô giảng một lúc là ngó ngoáy, mất tập trung. Ở Tuyên Quang, đa số các em HS lớp 3 mới được tiếp xúc với tiếng Anh. Với HS miền núi, Tiếng Anh là một môn học khá mới mẻ và khó học, nếu GV không có kỹ thuật dạy, HS sẽ dễ bị nhàm chán, không có hứng thú học tập. Cô giáo Ngọc Lan đã ấp ủ tìm một phương pháp dạy để khơi hứng thú học ngoại ngữ cho HS miền núi.

Thời gian gần đây, Sở GD&ĐT Tuyên Quang rất quan tâm đến việc dạy - học tiếng Anh trên địa bàn. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Mỹ, từ năm 2017 đến nay, các giảng viên từ Mỹ lên Tuyên Quang tập huấn cho GV địa phương trong khoảng 7 ngày/năm, cập nhật những phương pháp mới nhất về dạy tiếng Anh cho trẻ em. Lĩnh hội những kiến thức từ các thầy cô giáo Mỹ, mỗi một thầy cô lại tìm được phương pháp riêng cho mình để giảng dạy cho HS. Riêng cô Ngọc Lan tâm đắc và đầu tư vào kỹ thuật đưa một số trò chơi gây hứng thú học tập trong tiếng Anh vào giờ dạy.

Đưa trò chơi vào giờ dạy

Qua quan sát thực tiễn giảng dạy, cô Lan thấy rằng nhu cầu chơi của HS tiểu học cũng quan trọng như ăn, ngủ, học tập. Chính vì vậy, khi cô đưa ra trò chơi, HS tham gia nhiệt tình, tự giác và chủ động. Khi chơi các em biểu lộ tình cảm hết sức rõ ràng: Niềm vui khi chiến thắng, buồn bã khi thất bại, vui mừng khi thấy đồng đội hoàn thành nhiệm vụ… Vì tập thể, các em sẽ khắc phục khó khăn, cố gắng để mang lại thắng lợi cho nhóm.

Theo cô giáo Ngọc Lan, để soạn một giáo án dạy học qua trò chơi không mất thời gian chuẩn bị và cần quá nhiều sự đầu tư. Tùy thuộc vào nội dung của từng tiết học, bài học để lựa chọn trò chơi. GV có thể khai thác luôn tranh ảnh có sẵn trong sách, những vật thật, những hoạt động để tổ chức. Ví dụ dạy chủ đề về xung quanh ngôi nhà, cuối buổi có thể cho HS vẽ tranh theo nhóm, sau đó lên bảng trình bày kết quả.

Điểm mấu chốt của phương pháp này là cần có luật chơi - chính là quy tắc cô đưa ra. Luật chơi cần rõ ràng, có mục đích, có kết quả và yêu cầu cho những hành động chơi. Trò chơi học tập gắn với nội dung bài học giúp HS luyện tập, củng cố, mở rộng kiến thức và các kỹ năng đã học. HS tiếp thu từ mới, mẫu câu, ngữ pháp… một cách tự giác, tích cực hơn. Việc đưa trò chơi vào giờ học Tiếng Anh đặc biệt giúp HS miền núi dần thoát khỏi sự nhút nhát.

Việc tổ chức trò chơi trong lớp không thể tránh khỏi ồn ào. Tuy nhiên, các thầy cô có thể kiểm soát được “cao trào” của trò chơi. Đặc biệt, Trường Tiểu học Bình Thuận dạy học theo Mô hình VNEN, phát huy vai trò của các nhóm. Nhóm trưởng có thể lên điều khiển hoạt động khi GV triển khai luật chơi. HS của cô Ngọc Lan rất tự tin, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Anh với cô và các bạn ở trong lớp.

Tổ chức các hoạt động vệ tinh

Nhằm xây dựng môi trường học kiến thức đi đôi với thực hành, cô Ngọc Lan và các GV trong trường đã triển khai một số hoạt động nhằm tạo môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong trường tiểu học. Ví dụ như sau khi dạy Tiếng Anh xong, GV tổ chức hoạt động từ vựng của tuần, tập thể dục, hát múa bằng bài hát tiếng Anh, tổ chức CLB tiếng Anh; những biển báo, bảng biển xung quanh trường bằng tiếng Anh… nhằm giúp HS quen dần với môi trường ngoại ngữ.

Cô giáo Ngọc Lan nằm trong nhóm GV cốt cán của tỉnh Tuyên Quang. Theo học các chuyên gia Mỹ xong, các GV cốt cán truyền đạt lại cho đồng nghiệp trên địa bàn. Lúc này, các thầy cô giáo tổ chức, tham gia trò chơi như HS để cảm nhận hiểu rõ được các kỹ thuật giảng dạy, kiểm tra HS theo phương pháp mới.

Năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Tuyên Quang tổ chức thi Tài năng tiếng Anh, HS của cô giáo Ngọc Lan thi cấp TP đạt giải Nhất, thi cấp tỉnh đạt thứ hạng rất cao. Tiếp đà thanh tích, hiện các GV của trường bắt đầu triển khai dạy Toán, các môn Khoa học bằng tiếng Anh cho HS. Bước khởi đầu cho thấy HS rất hứng thú học tập và phụ huynh rất quan tâm đến chương trình học của nhà trường.

Say mê dạy học Tiếng Anh cho HS, cô giáo Ngọc Lan nhớ mãi giờ học “quả ngọt” sau nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy. Đó là giờ dạy với HS lớp 3. Sau khi dạy xong cho các con về ngôi nhà, cô yêu cầu các con chia từng nhóm vẽ về ngôi nhà của mình rồi lên bảng trình bày. Có một nhóm HS đã lên vây quanh bàn cô hỏi bằng tiếng Anh quanh nhà cô có gì. Có được thông tin, nhóm đã vẽ và thuyết trình trước lớp về khung cảnh xung quanh ngôi nhà của cô giáo. Cô giáo Ngọc Lan đã rất bất ngờ về món quà tuyệt vời HS lớp 3 thể hiện. “Các con đã làm được những điều ngoài vượt quá yêu cầu của cô giáo, còn bày tỏ tình cảm yêu mến cô nữa. Nghe các con tự tin trình bày bằng tiếng Anh, tôi thật sự hạnh phúc” – cô Ngọc Lan chia sẻ.

Với hiệu quả của phương pháp đưa trò chơi vào giờ dạy Tiếng Anh, hiện cô Ngọc Lan và các đồng nghiệp rất tự tin đón nhận Chương trình SGK mới trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.