Dạy học tương tác tạo môi trường sáng tạo cho học sinh

GD&TĐ - Một môi trường giáo dục tích cực không chỉ giúp học sinh phát huy tiềm năng mà còn khơi dậy sự sáng tạo và lối sống tốt đẹp. Chính vì vậy, việc xây dựng bầu không khí học tập thân thiện, cởi mở, lấy học sinh làm trung tâm đã và đang được nhiều nhà trường, thầy cô áp dụng để mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.

Phát huy sự tương tác của HS trong từng tiết học. Ảnh: Đức Trí
Phát huy sự tương tác của HS trong từng tiết học. Ảnh: Đức Trí

HS làm trung tâm giáo dục

Không ít trường học đã chủ động nắm bắt mong muốn của HS bằng cách: Ngày đầu tiên đến trường, học sinh đã được trình bày mong muốn, yêu cầu của mình trên giấy mà không cần ghi tên tuổi, lớp nào… rồi nộp lại cho nhà trường. Trên cơ sở đó BGH, GV sẽ đưa ra định hướng giáo dục sát hợp, linh hoạt.

Thậm chí, có trường học xây dựng sự dân chủ, lấy HS làm trung tâm khi mời HS tham gia góp ý vào định hướng, kế hoạch hoạt động chung của nhà trường trong suốt năm học.

Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) từng áp dụng thành công việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng HS bằng cách huy động tập thể cùng vào cuộc. Vào năm học mới, BGH đã họp toàn thể hội đồng, tổ chức phân tích đánh giá chất lượng học tập của HS năm học trước, yêu cầu các thành viên đề ra giải pháp chiến lược và đề xuất phù hợp với thực tế chuẩn bị cho năm học mới.

Trường đã xây dựng và thực hiện theo quy định: Tổ chuyên môn khảo sát 1 lần/tuần/lớp, BGH khảo sát 1 lần/tháng/lớp. Danh sách HS được phân loại theo vành đai và công khai tại lớp, buổi học thứ hai HS phải được ngồi theo nhóm vành đai chất lượng. GV nhà trường phải tạo mọi điều kiện để HS có cơ hội thay đổi vị trí ngồi bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân…

Trường vùng cao Quản Bạ - Hà Giang lại có cách làm khác. Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Vân chia sẻ: Lấy HS làm trung tâm không có nghĩa chỉ GV chủ nhiệm chịu trách nhiệm, quan tâm sát sao tới chất lượng HS mà BGH cũng phải theo dõi sự tiến bộ của từng HS. Khi HS được đặt vào vị trí trung tâm sẽ tạo ra những động lực để toàn thể nhà trường và phụ huynh cùng tham gia vào quá trình hoạt động giáo dục, giúp giáo dục thêm hiệu quả, trúng đích.

HS thêm gắn bó với trường lớp khi cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng của thầy cô và bạn bè trong quá trình học tập. Ảnh: Đức Trí
  • HS thêm gắn bó với trường lớp khi cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng của thầy cô và bạn bè trong quá trình học tập. Ảnh: Đức Trí

Thúc đẩy tương tác trong từng tiết học

Thầy giáo Mạc Đăng Nghị - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi - Hải Dương chia sẻ về bí quyết giáo dục của mình: Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức thì trong mỗi tiết học giáo viên luôn khuyến khích, tạo điều kiện để HS được nói lên tiếng nói của chính mình.

HS có thể trao đổi thẳng thắn về một vấn đề mà mình còn vướng mắc, được quyền nói ra suy nghĩ trái chiều để trao đổi cùng GV… Những trao đổi hai chiều ấy sẽ giúp thầy hiểu hơn về tính cách, khả năng tiếp nhận bài, khả năng tư duy, suy nghĩ hành động của mỗi học trò. Từ đó sẽ tìm ra cách giáo dục phù hợp.

Giúp HS cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn trong môi trường học đường là vô cùng quan trọng. Việc tạo nên bầu không khí thoải mái, chủ động tương tác với bài học được dựa trên bước chuẩn bị môi trường học tập là điều cần thiết để HS khám phá và phát huy đa dạng các giá trị tích cực.

Thầy Lê Quang Nhân - GV Trường THPT chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk (thầy giáo có nhiều HS đạt giải Tin học cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế) lại tâm đắc với quan điểm giáo dục: “Mỗi HS không phải là chiếc bình để đổ đầy nước mà là một ngọn đuốc cần người thầy thắp sáng để bùng cháy”. Vì vậy mục tiêu đầu tiên của thầy Nhân không phải là truyền đạt kiến thức mà là tạo ra sự thích thú, động lực đối với môn học cho HS.

Trong các buổi học đầu tiên ngoài kiến thức môn học, thầy Nhân sẽ kể cho HS nghe câu chuyện về những danh nhân tiêu biểu trong làng công nghệ thế giới như Bill Gates

(Microsoft), Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Page và Sergey Brin (Google), Nguyễn Hà Đông (game Flappy Bird)... Cùng đó là tấm gương của nhiều HS khóa trước đã đạt thành tích cao giải quốc gia như thế nào, hiện nay công việc ra sao...

Các giờ dạy trên lớp, thầy Nhân thường hướng dẫn HS cách thuyết trình và truyền đạt lại cho người khác. Thầy xem đây như mấu chốt giúp HS có thể làm việc nhóm và phát huy những ưu điểm của nhau, hỏi lẫn nhau theo phương châm “học thầy không tày học bạn”. Thầy trình bày mẫu một số chuyên đề, rồi giao các chuyên đề khác cho HS tự đọc và tìm tòi trước, sau đó lên giảng lại cho các bạn. Các HS khác có trách nhiệm đặt câu hỏi, chất vấn cũng như giải đáp thắc mắc. GV góp ý cho các em về cách giao tiếp, trình bày vấn đề, góc và tư thế đứng, cách đưa ra ví dụ làm vấn đề dễ hiều hơn…

Cô Nguyễn Thị Trà My - GV Trường TH Phan Đình Giót (Hà Nội) chia sẻ: Môn Tiếng Việt, HS thường đánh giá khó và ngại học. Vì vậy, GV không chỉ chuẩn bị kĩ lưỡng kiến thức mà phải sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, làm sao thúc đẩy HS tích cực thảo luận, đưa ra ý kiến của mình với GV và các bạn. Đồng thời khuyến khích HS biết cách liên hệ, biết xử lí tình huống, gắn bài học với thực tiễn cuộc sống...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ