Nghề Logistics: Cần thước đo chuẩn

GD&TĐ - Logistics hiện là ngành nghề “hot” trên thị trường lao động. Các trường nghề cũng nhắm vào khu vực nghề Logistics để đầu tư đào tạo, tuyển sinh nhưng không đáp ứng kịp nhu cầu của người học và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, các nhà trường đang lo lắng vì thiếu thước đo “chuẩn” cho đào tạo ngành này.   

Các giảng viên, cán bộ quản lý trường nghề và doanh nghiệp thực hành với chuyên gia Australia về kỹ thuật lái xe nâng hàng.  Ảnh: T.G
Các giảng viên, cán bộ quản lý trường nghề và doanh nghiệp thực hành với chuyên gia Australia về kỹ thuật lái xe nâng hàng. Ảnh: T.G

Doanh nghiệp “nhúng” sâu vào chương trình đào tạo

Khoảng gần 2 năm trở lại đây, có một yếu tố “ngoại” góp mặt trong lĩnh vực dạy nghề Logistics của Việt Nam với nhiều nỗ lực thúc đẩy không chỉ các trường nghề mà còn đẩy vai doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo - Dự án Giáo dục nghề nghiệp do doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành Logistics, tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, khóa bồi dưỡng, tập huấn liên quan đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đánh giá dựa theo năng lực, kết nối doanh nghiệp với nhà trường…

Tương tự như các chương trình đào tạo nghề khác, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề đầu tiên cần khảo sát doanh nghiệp để tìm ra được những năng lực hành nghề cốt lõi. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng bộ chuẩn đánh giá. Một số trường nghề triển khai công việc này rất bài bản, như Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức lập hẳn một bộ phận chuyên trách với hơn 10 nhân viên khảo sát doanh nghiệp, điều chỉnh chương trình hợp tác, khảo sát định kỳ đánh giá tỷ lệ việc làm của SV nhà trường…

Hiện nay, nhà trường và doanh nghiệp ngành Logistics đã bắt tay nhau trong đào tạo để chương trình dạy sát hơn với thực tế. Sau khi xây dựng chương trình đào tạo, trường mời doanh nghiệp đến xem chương trình đào tạo có phù hợp không… Sau một khóa học, trường mời doanh nghiệp đến để điều chỉnh những nội dung đào tạo cho sát với thực tiễn lao động. Cùng SV, các giảng viên đến doanh nghiệp định kỳ để học tập. Không chỉ đóng vài trò “tham mưu”, có những năng lực nghề nghiệp doanh nghiệp sẽ đào tạo luôn cho nhà trường! Hiện doanh nghiệp, nhà trường đều cùng mong muốn có một chuẩn quy định để đào tạo đúng hướng. Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra của những người làm trong ngành

Logistics là tiến tới hội đồng ngành và chuẩn nghề (OS), tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OSS) thực sự đúng đắn.

Đồng bộ đổi mới

Được biết, Australia đã có một hành trình dài trong hơn 20 năm và một trong những thành tựu tiêu biểu đối với hệ thống GD nghề Australia là xây dựng thành công mô hình Ban Tư vấn đào tạo. Ở Australia hiện đã có 64 Ban tư vấn đào tạo. Tại Việt Nam, vào cuối năm 2017, chuyên gia hai nước đã xây dựng được Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics đầu tiên trong dự án thí điểm.

Nếu xắn tay tập trung, trong vòng 6 tháng có thể xong việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề ngành Logistics, đón đầu năm tuyển sinh mới.  Có OSS cùng công bố  nội dung tiêu chuẩn nghề, HS sẽ có căn cứ để thấy bản thân có phù hợp với ngành nghề hay không, giảm thiểu tỷ lệ SV bỏ học giữa chừng”.
Chị Lê Thị Hạnh Xuân

Theo kinh nghiệm các chuyên gia Australia, việc xây dựng OSS như từng modul nhỏ ứng với từng năng lực, có chuẩn đầu ra, đánh giá chuẩn đầu ra, liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy trong nhà trường. Có thể ví OSS như ngọn hải đăng để con tàu nhà trường hướng đến chuẩn đào tạo quốc tế trong ngành Logistics.

Là một thành viên trong Ban Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề

Logistics, chị Lê Thị Hạnh Xuân - Phó Trưởng phòng Đảm bảo Chất lượng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – cho biết: Việc xây dựng OSS đang gặp một số “trúc trắc”. Ví như việc mời doanh nghiệp đến làm việc rất vất vả. Họ nhiệt tình nhận lời, thu xếp tham gia, nhưng có khi đến làm việc một lúc, điện thoại công việc lại đứng lên cáo lỗi đi về. Hay tham gia nửa chừng lại đổi người khác, mà người thay thế lại không đúng ngành nghề đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng. “Có lần làm khảo sát nghề quản lý nhà kho, nhưng anh phụ trách lĩnh vực này lại cử cô trưởng phòng nhân sự tham dự thay. Người thay thế này không nắm được hết các năng lực ngành nghề để hỗ trợ cả nhóm làm việc” – chị Hạnh Xuân kể.

Về cơ chế chính sách, hiện khó khăn là Nhà nước chưa có Hội đồng ngành. Theo các chuyên gia, sau khi xây dựng chuẩn nghề Logistics, các nhà quản lý Nhà nước cần có “động tác” công nhận, cấp phép để tiêu chuẩn này có tính chính thống và chức năng kiểm soát của cơ quan quản lý cấp cao.

Hiện, đa số các trường nghề đã xây dựng các bộ chuẩn của chương trình theo phương pháp tiếp cận năng lực, có nghĩa là đã có khung năng lực, khung đào tạo, khung đánh giá, tương đồng với chương trình dạy nghề của Australia. Tuy nhiên, một số chương trình đang dạy theo cách truyền thống sẽ bị lệch rất nhiều khi áp dụng các đổi mới theo “yếu tố ngoại” Australia. Aus4Skills đã đưa rất nhiều giảng viên trường CĐ nghề Việt Nam sang Australia tập huấn. Tuy nhiên, khi trở về, những nhân tố này vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu… OSS. Họ rất mong được dạy theo một chương trình chuẩn chỉ, có thước đo rõ ràng, lúc đó mới áp dụng triệt để những bài học được học từ nước ngoài.

Các chuyên gia đều chung nhận định nên đẩy nhanh tiến độ xây dựng OSS với một đội ngũ chuyên nghiệp, có tâm và tầm. Để trong năm học mới 2019 – 2010 có thể áp dụng ngay chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng nghề nghiệp ngành Logistics.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ