Năm học mới, nghĩ về giáo dục 4.0

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi hệ thống GD phải nhanh chóng thay đổi toàn diện việc dạy - học theo tiêu chuẩn mới, để có thể hòa nhập vào nền kinh tế số. Vậy ngành GD cũng như thầy và trò cần phải chuyển đổi thế nào để đáp ứng xu thế phát triển của mô hình giáo dục 4.0?

Ảnh: Thiên Thanh
Ảnh: Thiên Thanh

Phương thức giáo dục mới

Ngành GD nói chung, nhà trường nói riêng cần nhanh chóng, kịp thời chuyển đổi cách thức GD từ truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện phát triển nền GD mở, thực học, thực nghiệp; phát triển GD-ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Đặc biệt quan tâm đến quan điểm “dạy học phân hóa” và các phương thức học mới phổ dụng trong GD 4.0 như: Học thông qua trò chơi, liên hệ tương tác giữa nhiều người, cung ứng đám đông, học thông qua dự án… Thời gian và địa điểm học tập của người học không bị ràng buộc và có thể thay đổi tùy ý cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế.

Lưu ý cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp cho HS hơn như: Biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn dựa trên kiến thức khoa học, có phong cách học tập sáng tạo, chủ động…, đồng thời chú ý hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học (tổ chức nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp); chuyển phát triển GD-ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực tư duy độc lập giải quyết vấn đề, vận dụng, thích nghi...

Chuyển đổi vai trò người dạy

Ngày nay, giáo viên (GV) không còn là người duy nhất có được kiến thức bởi HS có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là từ Internet.

Phương pháp đào tạo truyền thống “GV là trung tâm”, thầy cô giáo lựa chọn và truyền đạt hầu hết kiến thức cho HS đã không còn phù hợp, cần chuyển đổi sang “HS là trung tâm”, người thầy dựa trên nhu cầu học hỏi của HS để gợi mở, định hướng kiến thức cho HS tự lựa chọn và tiếp thu.

Kịp thời đoạn tuyệt phương thức dạy học truyền thống “thầy đọc, trò chép” cùng gạt bỏ quan điểm “GV là trung tâm”.

Nhà giáo sớm tự chuyển dịch vai trò, từ người thuyết giảng (theo kiểu đọc - chép là chính) sang nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học tập và giới thiệu, giúp người học tự phát triển.

Ảnh minh họa/ Internet
 Ảnh minh họa/ Internet

Trên cơ sở quan điểm dạy học phân hóa, người thầy cũng phải quan tâm đến từng HS trong lớp vốn có nhu cầu không giống nhau. Nhiệm vụ chính của GV là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để từng HS có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo, gắn việc dạy - học với thực tiễn cuộc sống.

Quả nhiên, đội ngũ GV chính là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng GD trong thời 4.0, nên GV cần phải đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và quản lý, sử dụng thuần thục những phương tiện dạy học hiện đại, nỗ lực đưa công nghệ mới vào học đường để giúp cho việc giảng dạy, học tập ngày càng hiệu quả hơn.

Để cách mạng 4.0 thành công, nhà giáo phải đi trước đón đầu, phải nhanh chóng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp. Chớ bao giờ tự phụ về kiến thức, kỹ năng của mình, vì nếu năng lực và phương pháp giảng dạy của GV còn lạc hậu, chưa truyền được cảm hứng cho người học, thì chất lượng GD khó đáp ứng tốt yêu cầu xã hội.

Đổi thay tâm thế người học

Vai trò của GV thay đổi, tâm thế người học cũng thay đổi theo. Học tập truyền thống vốn mang tính thụ động. Người học chủ yếu tham gia các chương trình GD đã được xây dựng sẵn theo khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều. Ngày nay, theo đòi hỏi của GD hiện đại, HS buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân. HS cần chủ động, tự học và học tập suốt đời.

Giáo dục thời đại 4.0 đã mở rộng độ tuổi học tập (không dừng lại ở cuối cấp THPT như GD truyền thống) qua khái niệm “học tập suốt đời” - không chỉ giới hạn trong độ tuổi đi học. Người học cần xác định ý thức học tập suốt đời, không ngừng cập nhật tri thức để theo kịp yêu cầu công việc của từng thời đoạn.

Để tiếp thu kiến thức, HS cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực tư duy độc lập, vận dụng, giải quyết vấn đề. Tri thức không chỉ gói gọn trong sách vở, tài liệu, mà phải mở rộng việc tiếp thu kiến thức từ nhiều hình thức khác, như qua trò chơi, liên kết nhóm, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông...

Từ đó, HS sẽ vừa học được kiến thức khoa học, vừa biết được cách vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, tích cực thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm và thực tế sinh động.

Đôi điều suy ngẫm

Phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang triển khai mạnh mẽ, nền GD Việt Nam phải đối mặt với nhiều yêu cầu đổi mới về quan điểm, phương thức, chương trình GD để đáp ứng đòi hỏi phát triển phẩm chất và năng lực của từng người học, trong lúc thực tế chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý cũng chưa đồng đều; hệ thống cơ sở vật chất chưa thật phù hợp.

Trong xu thế mới, hệ thống GD ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo - nhất là các trường CĐ, ĐH - phải tập trung định hướng giúp người học phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy được tiềm năng của cá nhân mình.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, GV - lực lượng đóng vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới GD - cần được chú trọng quan tâm hơn, được đầu tư và hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực để có thể đảm đương được những nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Tóm lại, để GD 4.0 đồng hành và thành công cùng với cuộc cách mạng 4.0, yêu cầu ngành GD nói chung, từng cá nhân nói riêng phải có một ý thức và quyết tâm đổi mới. Cả người dạy lẫn người học đều phải tự vận động trong lộ trình chuyển đổi hoạt động dạy – học theo xu thế mới, chứ không thể bàng quan đứng ngoài cuộc, cứ bảo thủ với quan điểm dạy - học cổ hủ, không còn phù hợp trong thời đại 4.0 này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ