Môn Vật lý trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Với những mục tiêu chương trình đặt ra, trong đó có mục tiêu định hướng nghề nghiệp, phương pháp giáo dục của chương trình (CT) môn Vật lý cũng đồng thời có những điểm mới đáng chú ý.

Tăng cường thực hành và công tác định hướng nghề được thể hiện rõ
Tăng cường thực hành và công tác định hướng nghề được thể hiện rõ

Mục tiêu định hướng nghề nghiệp xuyên suốt 3 cấp học

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên CT môn Vật lý – cho biết: Một trong những mục tiêu của CT môn Vật lý là giúp HS nhận biết được năng lực, sở trường của bản thân, định hướng được nghề nghiệp và có kế hoạch học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu của định hướng nghề nghiệp. Mục tiêu này được thực hiện xuyên suốt trong toàn bộ CT môn Vật lý từ nội dung, kế hoạch dạy học đến kiểm tra, đánh giá, dưới các góc độ khác nhau.

Ở THPT, bài mở đầu lớp 10 giúp HS tìm hiểu được một số lĩnh vực ngành nghề liên quan đến kiến thức, kỹ năng vật lý; trong mỗi chủ đề, HS đều tìm hiểu được một số ngành nghề liên quan đến nội dung mà chủ đề đề cập. Xuyên suốt CT môn Vật lý, cấu trúc của thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn được mô tả rõ ràng; tạo điều kiện thuận tiện cho GV giúp HS hình thành, định hướng được ngành nghề sẽ lựa chọn.

Trong số các chuyên đề học tập, một số chuyên đề nhằm định hướng ngành nghề cho HS. Với các ngành nghề chưa có điều kiện cho HS thực hành (vì trang thiết bị phổ thông chưa đáp ứng được), có thể dùng học liệu đa phương tiện để giới thiệu một số quy trình công nghệ và tạo điều kiện để HS tham quan các cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trong dạy học, sử dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực giúp HS vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết được một số vấn đề trong thực tiễn. Trong kiểm tra, đánh giá, chú trọng kiểm tra đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Qua đó, tạo điều kiện cho việc giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn địa phương một cách hiệu quả.

Định hướng phương pháp giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực chung

PGS Nguyễn Văn Khánh đưa ra một số điểm đáng chú ý trong định hướng giáo dục của môn Vật lý, cụ thể: Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học. Phát triển khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vật lý để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích, tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho HS tham gia các hoạt động học tập, tìm hiểu, vận dụng.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp giáo dục, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng HS và điều kiện cụ thể. Tuỳ theo yêu cầu cần đạt, GV có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều PPDH trong một chủ đề. Các PPDH truyền thống được sử dụng theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Tăng cường sử dụng PPDH tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của HS (thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án...). Các hình thức tổ chức dạy học được thực hiện đa dạng, linh hoạt; kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học theo dự án học tập, tự học... Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học Vật lý.

Nói về phương pháp giáo dục cụ thể để phát triển các năng lực chung trong môn Vật lý, theo PGS Nguyễn Văn Khánh, môn Vật lý góp phần đắc lực vào hình thành, phát triển thế giới quan khoa học cho HS, tạo cơ hội để HS cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên qua hệ thống các quy luật Vật lý; đồng thời giáo dục HS trách nhiệm công dân trong tôn trọng các quy luật của thiên nhiên, biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ, ứng xử với thiên nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Tình yêu thiên nhiên chính là một trong những biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước.

Trong học tập thực hành, thí nghiệm, khi thực hiện các hoạt động tìm hiểu khoa học, ngoài học được kiến thức khoa học, rèn luyện được các kỹ năng, HS cũng được rèn luyện, phát triển nhiều đức tính như cẩn thận, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm...

Giờ thực hành Vật lý tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng)
  • Giờ thực hành Vật lý tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng)

Trong môn Vật lý, năng lực tự chủ, tự học được hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực hành, làm dự án, thiết kế và thực hiện các phép đo xác định đại lượng vật lý; đặc biệt là trong thực hiện hoạt động tìm hiểu khoa học, khả năng tự chủ, tự học, tự nghiên cứu được củng cố vững chắc. Định hướng tự lực, tích cực, chủ động trong phương pháp giáo dục môn Vật lý là những nhân tố góp phần đắc lực vào việc hình thành, phát triển năng lực tự chủ, tự học cho người học.

Năng lực giao tiếp, hợp tác là năng lực mà môn Vật lý có nhiều lợi thế trong hình thành, phát triển. Trong môn Vật lý, HS thường xuyên phải thực hiện các dự án học tập, các bài thực hành, thực tập theo nhóm. Khi thực hiện nhiệm vụ học tập này, HS được trao đổi, trình bày, chia sẻ ý tưởng, nội dung học tập. Đó là cơ hội tốt để HS có thể hình thành, phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác.

Giải quyết vấn đề và sáng tạo là một đặc thù của việc tìm hiểu khoa học. Một trong những nội dung giáo dục của môn Vật lý là tìm hiểu khoa học. Vì thế, trong hình thành, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, Vật lý là một trong số môn học có nhiều lợi thế. Năng lực chung này được thể hiện trong đề xuất vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý.

Trong CT giáo dục vật lý phổ thông, phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên được nhấn mạnh, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT và được hiện thực hoá thông qua các mạch thực hành, trải nghiệm với các mức độ khác nhau. Năng lực này cũng được hình thành, phát triển thông qua vận dụng kiến thức, kỹ năng vật lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Lưu ý phương pháp giáo dục cụ thể phát triển năng lực vật lý

Để phát triển thành phần năng lực nhận thức vật lý, PGS Nguyễn Văn Khánh cho rằng, GV cần chú ý tạo cho HS cơ hội huy động những hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có để tham gia hình thành kiến thức mới. Chú ý tổ chức các hoạt động, trong đó HS có thể diễn đạt hiểu biết bằng cách riêng, so sánh, phân loại, hệ thống hoá kiến thức, kỹ năng; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học để giải thích các sự vật, hiện tượng hay giải quyết vấn đề đơn giản; qua đó, kết nối được kiến thức, kỹ năng mới với vốn kiến thức, kỹ năng đã có.

Để phát triển thành phần năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý, GV cần tạo điều kiện để HS đưa ra câu hỏi, vấn đề cần tìm hiểu; tạo cho HS cơ hội tham gia quá trình hình thành kiến thức mới, đề xuất và kiểm tra dự đoán, giả thuyết; thu thập bằng chứng, phân tích, xử lý để rút ra kết luận, đánh giá kết quả thu được. GV cần vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học có ưu thế phát triển thành phần năng lực này như: Thực nghiệm, điều tra, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án... HS có thể tự tìm các bằng chứng để kiểm tra các dự đoán, các giả thuyết qua việc thực hiện thí nghiệm, thực hành hoặc tìm kiếm, thu thập thông tin qua sách, báo, Internet, điều tra; phân tích, xử lý thông tin để kiểm tra dự đoán.

Việc phát triển thành phần năng lực này cũng gắn với việc tạo cơ hội cho HS hình thành và phát triển kỹ năng lập kế hoạch, hợp tác trong hoạt động nhóm và kỹ năng giao tiếp qua các hoạt động trình bày, báo cáo hoặc thảo luận. Ngoài ra, việc thực hiện các bài tập vật lý đòi hỏi HS phải xử lý được dữ liệu đã cho để rút ra kết luận cũng giúp người học phát triển thành phần năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên trong môn Vật lý.

Để phát triển thành phần năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng về vật lý, GV cần chú ý tạo cơ hội cho HS đề xuất hoặc tiếp cận với các tình huống thực tiễn. HS được đọc, giải thích, trình bày thông tin về vấn đề thực tiễn cần giải quyết, trong đó kiến thức, kỹ năng vật lý có thể được sử dụng để giải thích và đưa ra giải pháp. Cần quan tâm rèn luyện các kỹ năng thành tố của năng lực giải quyết vấn đề cho HS: Phát hiện vấn đề; chuyển vấn đề thành dạng có thể giải quyết bằng vận dụng kiến thức vật lý; lập kế hoạch nghiên cứu; giải quyết vấn đề; đánh giá kết quả giải quyết vấn đề; nêu giải pháp khắc phục hoặc cải tiến.

GV cần vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học có ưu thế phát triển thành phần năng lực này như: Dạy học giải quyết vấn đề, thực nghiệm, dạy học dự án... Cần quan tâm sử dụng các vấn đề, tình huống thực tiễn trong đó HS phải phân tích, chuyển đổi sang mô hình vật lý để giải thích các sự vật, hiện tượng, các nguyên tắc hoạt động của các thiết bị ứng dụng vật lý. Cần tạo cho HS những cơ hội để liên hệ, vận dụng phối hợp kiến thức, kỹ năng từ các lĩnh vực khác nhau trong môn học cũng như với các môn học khác.

Bài 3: Đặc thù trong đánh giá và điều kiện thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.