Môn Giáo dục công dân “thăng hoa”

GD&TĐ - Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019, “cơn mưa điểm 10" năm nay dành cho môn Giáo dục công dân (có 784 thí sinh đạt điểm 10). Môn Giáo dục công dân (GDCD) cũng có điểm trung bình cao nhất 7,37 điểm. 

Ảnh: Thiên Thanh
Ảnh: Thiên Thanh

Là giáo viên có 33 năm giảng dạy môn GDCD, tôi rất tự hào về kết quả này, đây là sự phản ánh trung thực, khách quan nhất về chất lượng giảng dạy học tập bộ môn GDCD, môn học mà nhiều người mặc định đây là phụ, ít được học sinh quan tâm. Qua đây xin được sẻ chia về “thân phận” của môn GDCD cũng như vị trí, vai trò và nhiệm vụ của người được xem là dạy “đạo đức làm người”.

Phân phối chương trình chưa hợp lý

Nói về môn GDCD, tất nhiên nhiều người có chung suy nghĩ đó không phải là môn chính ngay trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành khi số tiết dạy môn này được quy định đúng một tiết trên tuần, trong khi các môn Toán, Ngữ văn đều 4 tiết/tuần; Sử, Địa cũng được 1,5 tiết/tuần… Ở đây không phải là sự so sánh về thời lượng tiết dạy giữa các môn học mà là sự thiếu hợp lý trong việc phân phối chương trình giảng dạy.

Do bố trí thời gian dạy quá ít, thầy cô dạy môn GDCD không có điều kiện để tổ chức các hoạt động phong phú, hướng dẫn học sinh xử lý tình huống… nhằm lôi cuốn học sinh, chưa nói đến nội dung sách GDCD rất khô khan, tình huống thiếu thực tế, nặng về lý thuyết.

Tại sao chúng ta không đưa những câu chuyện ngụ ngôn, câu chuyện về cuộc sống quanh ta, Hạt giống tâm hồn… những tình huống, những vấn đề có tính thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những câu chuyện có tính nhân văn giáo dục để cho các em đọc, hiểu thì hay hơn dạy các em học những khái niệm máy móc “Như thế nào là biết ơn” (GDCD 6). “Trung thực là thế nào” (GDCD 7); “Thế nào là tôn trọng lẽ phải” (GDCD 8); “Chí công vô tư là gì” (GDCD 9)…

Nâng cao hiệu quả dạy học

Ảnh: Thiên Thanh
Ảnh: Thiên Thanh 

Trong trường học thầy cô dạy GDCD cũng bị đồng nghiệp “nhìn” dưới góc độ không mấy “thiện cảm”. Mỗi khi học sinh vi phạm nội quy của trường như: Đánh nhau, vô lễ, quay cóp bài trong kiểm tra, vi phạm luật giao thông… thì đều đổ lỗi cho thầy cô dạy GDCD không đến nơi đến chốn?

Giáo dục học sinh biết sống có trách nhiệm, biết yêu thương, sống tử tế… không phải là trách nhiệm của thầy cô dạy môn GDCD mà là của nhiều lực lượng: Nhà trường, gia đình, xã hội, các đoàn thể trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh sau này. Theo tôi để giảng dạy có hiệu quả môn GDCD không cần phải dạy lý thuyết như thế nào, vì sao, biểu hiện, rèn luyện, ý nghĩa… những phẩm chất đạo đức những chuẩn mực pháp luật suông mà thầy cô nên dùng phương pháp: Nêu gương, hành vi… bằng những việc làm, hành động, thái độ ứng xử cụ thể trước các tình huống trong cuộc sống hàng ngày để học sinh thẩm thấu làm theo.

Ví dụ khi dạy bài 5 - Yêu thương con người (GDCD lớp 7), thầy cô vận dụng cho học sinh xem video tài xế taxi Vinasun va chạm với xe máy khiến cô gái và nam thanh niên bất tỉnh, tài xế taxi xuống xe quan sát rồi lặng lẽ bỏ đi ngày 25/6 tại quận Tân Phú, TPHCM để các em suy nghĩ. Tôi tin rằng học sinh khi xem video này thì tình người, phần thiện trong các em sẽ trỗi dậy. Hay thầy cô đưa câu chuyện hình ảnh em Vi Quốc Chiến (13 tuổi, Trường THCS Chiềng Yên) vượt 103 cây số từ bản làng Bống Hà (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), một mình trên chiếc xe cà tàng không phanh, không chuông xe rời bản làng xa xôi với một ý nghĩ duy nhất: “Xuống Hà Nội, gặp em trai” bị bệnh nặng đang nằm ở bệnh viện… làm lay động bao trái tim…

Khi dạy bài 16 - lớp 8, “Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác” tôi đã đọc thông tin trên các trang báo để dạy các em. Thay vì cho học sinh đọc phần “Đặt vấn đề” trong sách giáo khoa trang 44, 45 như thường lệ, tôi quyết định dùng tin trên báo để dạy: “Đỗ Văn Bằng, lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã trả lại hơn 40 triệu đồng và em Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng trả lại 44 triệu đồng”.

Với phương pháp đàm thoại diễn ra suốt 45 phút, nội dung diễn ra xung quanh hai câu chuyện trả lại tiền nhặt được cho người đánh rơi, có thể nói đó là tiết học giàu cảm xúc và ấn tượng nhất đối với tôi trong 33 năm giảng dạy môn GDCD ở Trường THCS Trịnh Phong.

Nếu thầy cô đầu tư hơn nữa về phương pháp giảng dạy cùng với việc Bộ GD&ĐT thay đổi về chương trình nội dung, sách giáo khoa khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi tin rằng môn GDCD luôn thăng hoa. Dù thực tế cuộc sống hiện nay như thế nào dạy và học môn GDCD vẫn là niềm tự hào của tôi. “Cơn mưa điểm 10” môn GDCD trong Kỳ thi THPT vừa qua đem đến niềm hạnh phúc ngọt ngào đối với học sinh và thầy cô dạy môn GDCD. Điều đó làm cho chúng ta luôn tự hào và cũng không phải bận tâm GDCD là môn chính hay môn phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.