Giờ sinh hoạt lắng nghe học sinh bằng trái tim

GD&TĐ - Tôi luôn nhớ tiết sinh hoạt nhiều cảm xúc thời điểm cuối cùng của năm học 2017 – 2018. Mỗi lần thấy học sinh mắc lỗi, tôi lại nghĩ đến những lời chia sẻ, tâm sự của học trò trong tiết sinh hoạt đó, để luôn dặn lòng phải bình tĩnh, lắng nghe học sinh bằng trái tim yêu thương, bao dung của người thầy.

Trên nền nhạc tình cảm, HS viết những điều các em muốn chia sẻ. Có HS viết: Con mong bố mẹ về với nhau để gia đình mình lại được như xưa…
Trên nền nhạc tình cảm, HS viết những điều các em muốn chia sẻ. Có HS viết: Con mong bố mẹ về với nhau để gia đình mình lại được như xưa…

Lời chưa nói

Trong tiết sinh hoạt, tôi hướng dẫn HS chuẩn bị 4 thẻ: Cảm ơn, Xin lỗi, Hứa hẹn, Mong ước. HS có thời gian 20 phút viết ra cảm xúc của mình vào các thẻ, không cần viết tên.

Trên nền nhạc đầy cảm xúc, có HS nam đã nói: "Cô ơi, thế này thì em khóc mất". Động viên HS tự tin viết ra những suy nghĩ của mình, tôi đã chứng kiến bao cảm xúc trên gương mặt học trò.

Được cô giáo tạo tin tưởng, tạo điều kiện, học sinh của tôi đã viết ra những mong muốn chân thành, những mong ước giản dị mà bình thường các em không có cơ hội để bày tỏ. 20 phút ngắn ngủi đó có nước mắt, có nụ cười, nhưng tôi tin rằng cô trò đã hiểu nhau hơn, bạn bè trong lớp cũng từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ.

Đa số học sinh trong lớp chọn TRẠM Khá khi tự đánh giá bản thân
Đa số học sinh trong lớp chọn TRẠM Khá khi tự đánh giá bản thân 

4 TRẠM tự đánh giá bản thân

Tôi chuẩn bị 4 trạm tương ứng với 4 mức hạnh kiểm Tốt, Khá, Trung bình, Yếu. HS sẽ tự tìm đến trạm mà các em tự đánh giá mình đạt được sau 1 năm  học. Tôi rất bất ngờ khi Trạm Tốt trống trơn, đa số HS chọn Trạm Khá, có học sinh tìm đến Trạm Trung bình và Trạm Yếu.

Sau đó, tôi đưa ra đánh giá dự kiến của mình, mời HS về các Trạm mới. Có HS khi được cô mời về Trạm đánh giá mức tốt hơn mà cứ khóc nghẹn ngào nói: Cô ơi, em không xứng đáng… Có HS vốn rất nghịch ngợm, hiếu động mà cũng rưng rưng đầy cảm xúc... 

Tôi hiểu rằng sự bao dung, độ lượng của giáo viên sẽ giúp HS nhận rõ bản thân. Dù HS chưa hoàn thiện nhưng quan trọng các em đã tự nhận thức được mỗi người cần phải thay đổi thế nào trong những năm học tới.

Điều con muốn nói được chính các HS trình bày trên các Poster để bố mẹ đọc trong buổi Họp cha mẹ học sinh
Điều con muốn nói được chính các HS trình bày trên các Poster để bố mẹ đọc trong buổi Họp cha mẹ học sinh 

Chia sẻ

Sau hai hoạt động trên, tôi gợi hướng cho HS thoải mái bày tỏ những suy nghĩ hiện tại của các em lúc này. Tôi rất vui khi HS lên tiếng… cho rằng các bạn ở trạm trung bình, trạm yếu xứng đáng được đánh giá ở mức cao hơn, đơn giản vì "Bạn đã nhận ra lỗi, người nhận ra lỗi sẽ có ý thức sửa lỗi, em tin là thế".

Sau đó là những lời cảm ơn. Tôi vô cùng hạnh phúc vì trong những lời cảm ơn của HS dành cho nhau, có những nhắn gửi: "Cảm ơn cô vì đã đến với chúng em", "Chúng em mong sẽ được tiếp tục học cùng nhau đến hết 3 năm", "Em tin sang năm học sau em sẽ tốt hơn lên"…

Những lời cảm ơn chân thành
Những lời cảm ơn chân thành 

Nhớ lại một thời tôi cũng là học sinh, cũng đã từng yêu thương, hồn nhiên, chân thành, cảm nhận, sửa lỗi... Và chính các thầy cô giáo năm xưa đã giúp tôi thay đổi, khám phá ra rằng tôi có thể và làm tốt đam mê đứng trên bục giảng của mình. 

Nhìn những ánh mắt tin tưởng của HS dành cho mình, tôi thấm thía vô cùng sứ mệnh người thầy và thêm hiểu ý nghĩa của việc giáo dục bằng tình yêu thương, bằng trái tim lắng nghe và chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ