Giảm thiểu lỗi sai khi làm bài thi vào lớp 10 môn Lịch sử

GD&TĐ - Nhiều học sinh mang tâm lý sợ môn Lịch sử vì ngại khó. Trước khi bước vào phòng thi, cô giáo dạy môn Lịch sử Nguyễn Thị Kim Phong, Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) đã trao đổi những vấn đề giúp HS làm bài tốt.

HS khối 9 chuẩn bị thi vào 10 THPT cần lưu ý kĩ năng làm bài thi môn Lịch sử tốt nhất.
HS khối 9 chuẩn bị thi vào 10 THPT cần lưu ý kĩ năng làm bài thi môn Lịch sử tốt nhất.

Biết phân bố thời gian và sử dụng phương pháp loại trừ

Cô Nguyễn Thị Kim Phong cho rằng, muốn làm bài tốt trước hết học sinh (HS) phải nắm chắc kiến thức cơ bản bao gồm lịch sử thế giới và các giai đoạn của lịch sử Việt Nam.

Do bài thi trắc nghiệm nên khi làm bài HS phải đọc kĩ đề, xác định đúng trọng tâm, từ khóa của mỗi một câu hỏi để biết hỏi cái gì, từ đó tránh sự nhầm lẫn, lạc đề và tìm được đáp án đúng nhất.

Ở bài thi trắc nghiệm, mỗi một câu hỏi có thời gian tương ứng khoảng 1 phút nên HS cần đọc kĩ và tìm phương án trả lời nhanh nhất. Với câu hỏi cảm thấy đáp án chưa chắc chắn thì cần đánh dấu lại để khi hoàn tất HS có thể quay lại xem xét lần nữa.

Cần đặc biệt tránh dành quá nhiều thời gian cho một câu bởi khi sa đà vào câu khó thì sẽ bị hụt thời gian cho những câu tiếp theo.

Trong quá trình chọn đáp án, HS thường sẽ chọn đáp án đúng. Tuy nhiên nếu không thể chọn được đáp án chính xác thì có thể áp dụng phương pháp loại trừ.

Tức là HS có thể tìm ra những đáp án sai, sau đó loại trừ các đáp án sai để tìm đáp án đúng. Càng loại trừ được nhiều đáp án sai thì HS càng dễ tìm được đáp án đúng nhất.

HS lớp 9 Trường THCS Lương Yên - Hà Nội
HS lớp 9 Trường THCS Lương Yên - Hà Nội

Trong trường hợp, HS không thể tìm được phương án để loại trừ thì cũng nhất định không bỏ trống phần trả lời của câu nào. HS cần phải phỏng đoán và lựa chọn đáp án mình cho là đúng nhất.

Lỗi sai HS hay gặp khi làm bài thi

Trước hết, HS đọc không đúng đề vì thế không xác định đúng trọng tâm của câu hỏi. Đây là lỗi khiến HS dễ nhầm khi không xác định được từ khóa, trọng tâm của đề.

Nhiều đề và câu hỏi chỉ đánh đố một chút, hoặc thay đổi 1 vài từ trong câu hỏi hay đề thì từ khóa đã thay đổi đáp án đúng nhất. Nên trong đáp án thường có nhiều câu, nhiều lựa chọn và thậm chí trong đáp án có nhiều đáp án gần giống nhau, khi chọn HS phải chọn đáp án đúng nhất. Và để chọn được thì phải đọc kĩ đề bài, câu hỏi.

HS cần lưu ý, có những hỏi của đề hỏi: Phương án nào không đúng với ý nghĩa? Nhưng do HS đọc lướt qua nên chọn câu đúng với ý nghĩa. Như vậy đáp án trả lời sẽ sai vì lỗi không đáng có. Đây là lỗi tưởng như không nhiều HS mắc nhưng trên thực tế làm bài thi lại khá nhiều HS mắc phải.

Với HS thi tốt nghiệp THPT thường luyện nhiều hơn kĩ năng làm bài môn Lịch sử bởi môn học này được chọn thi nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Từ đó HS có ý thức và kĩ năng tốt hơn khi làm bài. Còn HS lớp 9 THCS thi vào lớp 10 THPT ít thi môn Lịch sử hơn nên đây các em dễ mắc phải những sai lầm kĩ năng làm bài dẫn tới mất điểm.

Cần học hiểu, tránh học tủ

Trong quá trình ôn tập, HS không chỉ học thuộc mà cần học hiểu. HS cần thấy tiến trình lịch sử theo đúng trình tự, thấy được mối liên hệ giữa các khu vực, châu lục, quốc gia…

Trong chương trình Lịch sử lớp 9 và lớp 12, phần lịch sử thế giới Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La tinh được gộp vào 1 chương vì nó có những đặc điểm chung, và có mối liên hệ.

Khi học hiểu HS sẽ thấy được mối liên hệ giữa các khu vực, giữa các giai đoạn, từ đó hiểu được vì sao lại như thế? Vì sao Châu Á có phong trào phát triển sớm nhất? Vì sao ở Bắc Phi lại có phong trào phát triển sớm nhất ở Châu Phi?...

Mặt khác, trong đề không chỉ có câu hỏi học thuộc mà còn có những câu hỏi phải hiểu. Như vậy không học hiểu thì HS không thể làm được bài đúng.

Hơn thế, theo cấu trúc đề thì sẽ có cả chương trình lịch sử thế giới và Việt Nam. Do đó HS càng không được học tủ do kiến thức bao gồm tất cả các chương mục trong SGK và theo đúng tiến trình.

Ngày trước hôm thi là giai đoạn HS nhìn lại, tổng hợp lại toàn bộ các phần nội dung kiến thức mình đã học. Ở mỗi HS có 1 năng lực khác nhau vì vậy nên thống kê lại toàn bộ chương trình mình đã học, xem phần nào yếu, chưa nhớ chưa hiểu hết thì tập trung xem lại phần nội dung đó lần nữa.

Tuyệt đối tránh việc phỏng đoán mảng nội dung kiến thức sẽ thi, từ đó tập trung chỉ học mảng kiến thức đó. Nếu học tủ, khi đề bài ra lệch “tủ” thì HS sẽ mất bình tĩnh và khó có thể làm được bài chính xác.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phong cùng HS
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phong cùng HS 

Vững vàng tâm lý cho kỳ thi

Nhiều HS vì suy nghĩ chưa đúng đắn nên có tâm lý ngại, sợ học Lịch sử do đó sẽ ảnh hưởng nhất định tới tâm lý chung khi phải thi Lịch sử. Tuy nhiên, trước khi bước vào phòng thi,  cô Nguyễn Thị Kim Phong đưa ra lời khuyên HS cần sớm ổn định tinh thần để có thể minh mẫn vận dụng hết kiến thức mình có trong quá trình làm bài thi.

Cô Kim Phong lưu ý HS, với dụng cụ mang theo làm bài thi môn Lịch sử như bút chì cần tránh mang bút chì kim bởi ngòi nhỏ, tô khó, khi tẩy lựa chọn này sang lựa chọn đáp án khác nét bút sẽ bị in vào giấy. HS nên sử dụng loại bút chì 2B vừa đậm nét, dễ tô và dễ tẩy…

Do điều kiện dịch bệnh nên HS sẽ có khó khăn hơn trong quá trình ôn tập. Song với sự hỗ trợ hết sức của thầy cô cũng như nỗ lực của mỗi HS, cô Kim Phong mong muốn HS hết sức bình tĩnh tự tin, bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ