Dạy và học ở xã đảo vùng Đông Bắc

GD&TĐ - Nằm ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), Trường THPT Quan Lạn trở thành điểm sáng của ngành GD-ĐT Quảng Ninh khi áp dụng mô hình trường học hạnh phúc. 

Giờ lên lớp của học sinh khối 12
Giờ lên lớp của học sinh khối 12

Xây dựng trường học hạnh phúc

Do phần lớn phụ huynh theo nghề đi biển nên việc học tập của con em trên đảo còn nhiều hạn chế. Trong điều kiện đó, các thầy cô giáo của trường càng phải nỗ lực hơn để thực hiện phong trào dạy tốt - học tốt, đem đến hạnh phúc và niềm vui cho học sinh (HS) trong những giờ lên lớp.

Thầy giáo Đỗ Đại Đoàn, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn chia sẻ: Trường ở xã đảo, người dân làm nghề biển, những năm gần đây du lịch phát triển vừa là lợi thế nhưng cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc học của các em. Thấy làm du lịch dễ có thu nhập ngay nên HS có những chểnh mảng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học của trường.

Bên cạnh đó, đầu vào của trường rất thấp, việc nâng cao chất lượng là không hề dễ dàng. Khắc phục những hạn chế trên, nhà trường đề ra các giải pháp quyết liệt, đó là tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong lãnh đạo địa phương và nhân dân. Đặc biệt là từng GV đều phải gần gũi thân thiết, chia sẻ và đồng cảm không chỉ với HS mà cả với bố mẹ các em.

Nhà trường đang đề ra các giải pháp củng cố, phát triển, trong đó chú trọng xây dựng trường học thành điểm đến thân thiện, an toàn, hạnh phúc cho HS. Trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, sửa sang trường lớp sạch sẽ, tạo sự gần gũi và thân thiện với HS; Tập trung chỉ đạo các tổ chuyên môn đổi mới phương pháp dạy học, hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, kiểm tra đánh giá;

Quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng giảng dạy ở các bộ môn, ưu tiên hợp đồng giảng dạy người địa phương; Có đủ nhà công vụ cho giáo viên để yên tâm công tác; Thực hiện tốt việc giúp đỡ HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để các em có điều kiện đến trường học tập.

Phong trào đổi mới phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS đã được 26 cán bộ, giáo viên nhà trường, đều là những GV trẻ, tràn đầy nhiệt huyết, tích cực triển khai. Các tổ, nhóm chuyên môn vận dụng sáng tạo các phương pháp mới trong dạy học để giải quyết vấn đề.

GV trong toàn trường nghiêm túc triển khai thực hiện. Qua đó gây được hứng thú và sự tò mò cho HS qua các tiết học, hiệu quả giờ dạy được nâng cao. Nếu trường học trong đất liền việc duy trì sĩ số HS lên lớp và nâng cao chất lượng là việc bình thường thì ở xã đảo, hai việc này đều phải tiến hành song song và không đơn giản. Trường THPT Quan Lạn đã nỗ lực để làm được điều đó, trường học đã thực sự là điểm đến hạnh phúc của HS.

Các thầy cô nỗ lực rất lớn để nâng cao chất lượng dạy học
 Các thầy cô nỗ lực rất lớn để nâng cao chất lượng dạy học

Nỗ lực của các thầy cô

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Đầu tiên phải tạo ấn tượng đẹp trong mắt HS. Cơ sở trường lớp khang trang và đầy đủ trang thiết bị đáp ứng việc dạy học đã tạo nên sự hấp dẫn không chỉ với các em mà cả với phụ huynh. Sau đó là xây dựng môi trường thân thiện, cởi mở như một gia đình. Các thầy cô giáo không chỉ nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn phải thân thiết với HS như người anh, người chị.

Nhà trường phải củng cố các điều kiện CSVC, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ, duy trì nền nếp trong thực hiện quy chế chuyên môn. Ở một xã đảo những việc này đòi hỏi công sức rất lớn của các thầy cô. Nhưng nhìn thấy những đổi thay trong suy nghĩ và truyền cảm hứng học tập đến cho học sinh được là chúng tôi vui rồi”.

Để tạo dấu ấn thân thiện hạnh phúc cho HS, Đoàn trường đã xây dựng kế hoạch, phát động cuộc vận động và phong trào thi đua trong HS; Thường xuyên tuyên truyền cho GV và HS về các nội quy trường lớp, nói lời hay, làm việc tốt, bảo vệ giữ gìn vệ sinh môi trường; Tổ chức các hoạt động để HS tìm hiểu về nhà trường. Bên cạnh những hoạt động bắt buộc, nhà trường còn tổ chức hoạt động tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng và hiếu học của người dân Vân Hải qua các thời kỳ.

Trường cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV trong toàn trường khai thác các nội dung trên trang mạng “trường học kết nối” để phục vụ cho công tác giảng dạy; Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trường đã xây dựng website riêng phục vụ cho công tác quản lý và học tập của CBGV; Cập nhật thông tin hỗ trợ kịp thời trong giảng dạy và việc học tập của HS.

Nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc của tập thể nhà trường đã được người dân ghi nhận. Tuy nhiên, chất lượng nhìn chung vẫn chưa đạt được như mong đợi. Thầy Đỗ Đại Đoàn cho biết: “Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan do chất lượng đầu vào của HS còn thấp. Thêm nữa là sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh với nhà trường trong việc giáo dục HS còn hạn chế.

Nhiều em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, lực học yếu, gia đình đi làm biển lâu ngày thiếu quan tâm đến con cái. Nhưng chủ quan cũng có nguyên nhân do trường còn nhiều GV trẻ, thiếu kinh nghiệm. Cho dù các thầy cô nỗ lực rất lớn nhưng kinh nghiệm để đổi thay chất lượng ở một trường học nơi xã đảo giữa trùng khơi là điều hoàn toàn không dễ. Chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để HS được hạnh phúc hơn nữa với việc có được kết quả học tập tốt hơn cho mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ