Dạy học tiếng Anh theo định hướng giáo dục STEM

GD&TĐ - “STEM là sử dụng những bằng chứng và kỹ thuật toán học để tìm hiểu về thế giới tự nhiên và con người, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người” - TS Mark Hardman. Trong những năm gần đây, dạy học theo định hướng STEM đang được áp dụng phổ biến trong trường học, cả với bộ môn Tiếng Anh.

Dạy học tiếng Anh theo định hướng giáo dục STEM

Giáo viên cần học cách dạy và dạy cách học

Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong môi trường học tập ngôn ngữ, người giáo viên luôn phải làm mới mình, học cách dạy và dạy cách học. Cần thay đổi phương pháp thụ động ghi chép bằng phương pháp dạy học tích cực, hướng tới việc hoạt động hoá, tích cực hoá bài giảng, lấy học sinh làm trung tâm.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nhiều hơn các hoạt động dạy học ứng với thực tiễn, thiết kế, tổ chức, hướng dẫn nhằm tạo nên sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh. Trong phương pháp dạy học tích cực, giáo viên sẽ đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh, hướng tới việc hoạt động hoá, tích cực hoá, áp dụng tri thức vào thực tiễn, đem lại niềm vui, sự hứng thú học hỏi cho học sinh.

Để làm được điều đó, học sinh cần được tạo cơ hội để có thể tự đặt mình vào những tình huống trong đời sống thực tế, được quan sát, trải nghiệm, thảo luận và giải quyết vấn đề theo suy nghĩ cá nhân. Từ đó, tự tìm tòi kiến thức, kĩ năng mới, không rập theo những khuôn mẫu sẵn có, được phát huy tiềm năng tư duy sáng tạo.

Bên cạnh đó, muốn đổi mới cách học thì phải đổi mới cách dạy. Việc ứng dụng phương pháp học STEM trong môn Tiếng Anh đòi hỏi người giáo viên cần phải thật sự kiên trì, nỗ lực, dần dần xây dựng phương pháp học chủ động từ thấp lên cao, cho các em học sinh thích ứng dần.

Trong quá trình giảng dạy, cần tác động tinh thần học tập của các em, khuyến khích động viên bằng nhiều hình thức thi đua khác nhau. Qua đó sẽ rèn cho các em phương pháp tự học, tự tìm tòi khám phá kiến thức nhằm phát huy tính tự giác trong học tập. Việc giảng giải ngôn ngữ nên được chuyển sang tổ chức thiết kế các hoạt động, tạo điều kiện, môi trường cho học sinh sử dụng ngôn ngữ, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có.

Thực tế, trong dạy và học ngoại ngữ, học sinh sẽ học hiệu quả hơn nếu được học trong bầu không khí học tập vui vẻ, năng động. Khi được tạo cơ hội giao tiếp trong bối cảnh thực tế, việc sử dụng các hoạt động giao tiếp tích cực theo chủ đề sẽ thúc đẩy học sinh sản sinh ngôn ngữ dưới hình thức nghe - nói nhiều hơn là đọc - viết.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các trò chơi trong giảng dạy Tiếng Anh được xem là một trong những phương pháp hiệu quả, đóng vai trò quan trọng làm tăng động cơ học tập, khích lệ học sinh, đồng thời tạo sự hứng thú để phát triển cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Nhiều trò chơi còn giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó, Tiếng Anh được thực hành rất hữu dụng và thực tiễn, thêm vào đó, giúp học sinh mở rộng phát triển vốn từ vựng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, công nghệ ở mỗi trình độ khác nhau.

HS Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, Bạc Liêu trong tiết học tiếng Anh
HS Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt, Bạc Liêu trong tiết học tiếng Anh 

Đa dạng hoá hình thức lẫn phương pháp học

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì việc giáo dục không còn bị giới hạn trong bốn bức tường truyền thống nữa. Khái niệm “lớp học không tường” dần được đón nhận và triển khai thực hiện tại nhiều trường học. Qua đó, học sinh sẽ học tập, nêu ý kiến, suy nghĩ và trao đổi một cách chủ động thông qua các phương tiện ứng dụng trực tuyến như Facebook, Twitter…

Bài tập về nhà của các em sẽ được nộp trực tuyến thông qua các phần mềm quản lý như Dropbox hoặc Schoology. Giáo viên sẽ cập nhật liên tục, giúp học sinh nắm bắt các nội dung quan trọng của bài học cũng như nhận xét và chấm điểm bài tập cho các em.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện trên quy mô số lượng lớn học sinh, các em cần được hướng dẫn cụ thể về sử dụng các phần mềm trực tuyến, tạo tài khoản cá nhân và cách sử dụng mạng xã hội ở khía cạnh tích cực nhằm phục vụ mục đích học tập.

Giáo dục STEM mang lại cơ hội mới mẻ, tạo điều kiện tốt cho học sinh thể hiện và khẳng định mình qua các dự án học tập, thiết kế sơ đồ tư duy, thể hiện sự hiểu biết và khả năng sử dụng ngôn ngữ, mang lại những sản phẩm đầy sáng tạo của học sinh trong thời buổi công nghệ mới. Qua đó, giáo viên sẽ đánh giá năng lực, sự sáng tạo của các em qua những gì các em thể hiện, mà không chỉ dừng lại ở các bài kiểm tra trên giấy.            

Nhìn chung, việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM trong dạy ngoại ngữ nhằm mục đích chủ yếu trang bị cho học sinh vốn kiến thức rộng, các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường công nghệ hiện đại ngày nay.

Giáo dục STEM lồng ghép các bài học trong thế giới thực tiễn mà ở đó học sinh có thể áp dụng các kiến thức thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào việc xử lí và giải quyết vấn đề bài học. Qua đó, giúp kết nối giữa trường học với cộng đồng và thế giới, từ đó phát triển năng lực và tính tư duy sáng tạo của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ