Chuyên gia nhận xét đề thi Giáo dục Công dân: Đề thi hay, học sinh dễ lấy điểm cao

GD&TĐ - Theo nhận định của các giáo viên, đề thi môn Giáo dục công dân trong Đề tổ hợp Khoa học xã hội là đề thi hay, có tính thực tiễn, phát huy khả năng tư duy của học sinh.

Chuyên gia nhận xét đề thi Giáo dục Công dân: Đề thi hay, học sinh dễ lấy điểm cao

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Cô Trần Xuân Hà - Giáo viên Trường THPT Mỹ Văn (Phú Thọ): Đề thi có sự phân hóa, đặc biệt ở một số câu vận dụng cao

Đề thi THPT quốc gia năm 2019 môn Giáo dục công dân hay, vừa sức với học sinh, chủ yếu là các kiến thức cơ bản trong chương trình, sát với cấu trúc đề tham khảo năm 2019 mà Bộ đã công bố vào tháng 12/2018. Các tình huống rõ ràng, dễ hiểu, không “đánh đố” học sinh. Các vấn đề thời sự được đưa vào đề một cách linh hoạt như vấn đề phòng chống đuối nước (câu 110 mã đề 309), sản xuất xăng trái phép (câu 112 mã đề 309) vấn đề phòng chống cháy nổ (câu 106 mã đề 308) và nhiều vấn đề thời sự khác. Đề thi có sự phân hóa, đặc biệt ở một số câu vận dụng cao.

Cô giáo Hoàng Thị Tuyến - Giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội): Nhiều câu hỏi hay, gắn với thực tế đời sống

Đề thi cơ bản trong chương trình lớp 12, không đánh đố học sinh. Đề tương đối giống các đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao cũng sát thực tế.

Đề thi chủ yếu xoay quanh lý thuyết và những kiến thức về quyền công dân có thể thực hiện, những điều bị luật pháp điều chỉnh. Đề thi sát với thực tế, đưa ra nhiều câu hỏi ứng dụng. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được.

Theo cô Tuyến, các bài tập tình huống khá hay, chỉ cần suy luận để đưa ra đáp án đúng, không nhất thiết học sinh phải học thuộc lòng từng định nghĩa, khái niệm, nội dung như trong sách, mà điều quan trọng là biết phân tích, tổng hợp, lý giải để giải quyết được các câu hỏi trong đề.

Các câu hỏi trong đề thi khá rõ ràng, mạch lạc, câu hỏi tình huống khá đơn giản, ngay trong thực tế cuộc sống, những câu hỏi liên quan đến quyền công dân, bảo vệ nhân thân nên học sinh nắm khá chắc. Học sinh khá cũng có thể đạt phổ điểm từ 7 - 8 điểm.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu - Giáo viên Giáo dục công dân, Trường THPT Đông Đô (TP.HCM): Đề rất hay, tình huống sát với thực tiễn

Theo cô Hồng Châu, cách đặt câu hỏi của đề Giáo dục công dân cũng như năm trước rất hay. Đề rất bám sát với đề minh họa của Bộ cho trước đó. Từ cấu trúc đề, đến nội dung, tính phân hóa...

Đề có 4 câu chương trình lớp 11, còn lại là xuyên suốt chương trình lớp 12. 

Những câu hỏi phân loại thí sinh nằm ở 7 câu cuối. Đó là những câu hỏi bám sát với thực tiễn, các tình huống hay. Đây cũng là các câu ăn điểm, đối với các em ôn tập kĩ, nắm chắc vấn đề và kèm theo đó là có sự liên hệ thực tế, biết suy luận tốt.

Nếu các em ôn tập tốt, căn bản thì không khó để đạt điểm trên trung bình. Tuy nhiên, để đạt 9-10 đòi hỏi có tính vận dụng cao. 

Đề này đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và dùng kết quả để một số trường xét tuyển ĐH. Với cách ra đề này, đòi hỏi các em học, hiểu vấn đề, vận dụng chứ không phải học vẹt. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội): Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 7, 8

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Với mã đề 303, tỉ lệ câu hỏi lớp 11 là 10% - 4 câu (câu 83, 87, 89, 90) và 90% câu hỏi lớp 12 (36 câu).

Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp.

Bốn câu hỏi của lớp 11 cơ bản là ở mức độ nhận biết, học sinh có thể dễ dàng trả lời được.

Các câu hỏi của lớp 12 chủ yếu tập trung vào các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: quyền bầu cử, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, an toàn bí mật thư tín, điện thoại, điện tín… (bài 6, bài 7); một nội dung nữa được đề thi đề cập khá nhiều nằm trong bài 2 - Thực hiện pháp luật với các nội dung về các hình thức thực hiện pháp luật, các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.

Tuy nhiên, bài 5 - quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tôn giáo chưa được nhắc đến trong mã đề 303. Từ câu 105 đến 120 là các câu hỏi tình huống không quá đánh đố học sinh. Song học sinh còn gặp khó khăn do một số câu hỏi tình huống sử dụng nhiều chữ cái viết tắt thay cho tên nhân vật. Ví dụ như câu 113, 114, 116, 118, 120…

Nhìn chung với đề thi năm nay, cách ra đề môn Giáo dục công dân cũng giống như những năm trước. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được điểm 7, điểm 8.

Cô Ngô Thị Diệu Thùy – GV môn Giáo dục Công dân, Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường THPT Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang): Phổ điểm thi năm nay sẽ cao

Đề thi GDCD năm nay bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Số lượng câu hỏi lớp 11 trong đề thi Giáo dục công dân thi THPTQG năm 2019 đã giảm đi một ½ so với năm trước. Các mức độ câu hỏi thông hiểu, vận dụng không khiến học sinh bị bất ngờ.

Đề thi năm nay rất hay, học sinh dễ dàng nhận ra các câu phương án nhiễu của mức độ thông hiểu và nhận biết. Phần vận dụng thấp và vận dụng cao rất thú vị vì ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát các nội dung ôn tập theo đề thi minh họa.

Trong số các câu hỏi vận dụng, tôi thích câu 119 mã đề 303, nội dung nói về vi phạm, xử lý, kỷ luật trong lĩnh vực tham gia an toàn giao thông của công dân. Câu hỏi này rất gần gũi với thực tế đời sống học sinh.

Đề thi Giáo dục công dân năm nay có phần dễ thở, tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12 nên phổ điểm có thể khá cao. Đây là môn học học sinh hy vọng sẽ gỡ điểm được cho môn Toán và Tiếng Anh.

Với học lực của học sinh trường THPT Sơn Dương, tôi dự đoán số thí sinh đạt từ 6 – 8 điểm sẽ chiếm tỷ lệ lớn.

Cô Hoàng Thị Thanh – giáo viên Giáo dục công dân - Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Đề hay, vừa sức học sinh.

Đề Giáo dục công dân năm nay hay hơn, vừa sức với học sinh, bám sát chương trình ôn tập và đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Phân bố trong chương trình lớp 11 và 12, trong đó lớp 11 chiếm khoảng 20 % (tập trung ở 5 bài đầu lớp 11) và lớp 12 khoảng 80%

2 trang cuối là các bài tập tình huống, thí sinh cần có sự suy luận, thận trọng và gắn với lý thuyết thì mới có thể làm tốt bài tập tình huống

Với đề này, học sinh trung bình sẽ đạt 6 - 7 điểm.

Để làm tốt đề thi, thí sinh cần phải ôn luyện kỹ và đòi hỏi khả năng suy luận, đọc kỹ đề.

Từ đề thi năm nay, xin có một số góp ý: Về phần lý thuyết nên phát huy trong các năm sau. Câu hỏi tình huống dài và có phần hơi dài và khó nắm bắt (anh A, chị B), cần cụ thể và ngắn gọn hơn.

Thầy Trần Xuân Trường - Giáo viên Trường THPT Minh Hòa (Phú Thọ): Đề thi không khó, nhiều học sinh có thể lấy điểm 6 trở lên

Nhận định mã đề thi 310, thầy Trần Xuân Trường cho rằng: Đề thi có cấu trúc giống với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Nội dung kiến thức của đề tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.

Đề thi không khó, vừa sức với thí sinh. Tuy nhiên, để làm tốt bài thi, thí sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản, biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Cái hay của đề là tập trung đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của học sinh mà không đánh giá việc nhớ lại kiến thức.

Với đề thi này, nhiều học sinh có thể làm bài tốt với mức điểm từ 6 điểm trở lên

Cô giáo Trần Thị Thu Hương (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội): Muốn đạt điểm 9, 10 học sinh phải rất chắc kiến thức.

Những câu vận dụng có tính thực tiễn và tính thời sự. Đề có sự phân hóa qúa tốt. HS phải nắm vững kiến thức mới có thể đạt điểm giỏi. Đề không gây khó cho HS, nhưng yêu cầu HS phải học và đọc kiến thức một cách nghiêm túc.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương.

Phổ điểm khoảng 6-7. Nếu muốn đạt điểm 9, 10 HS phải rất chắc kiến thức.

Nội dung kinh tế đã đáp ứng đúng yêu cầu của ma trận đề. Đề có tính thực tiễn và giáo dục khi đề cập đến các vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Những vấn đề pháp luật trong cuộc sống đã được vận dụng vào đề linh hoạt, có tính định hướng và ứng dụng cao.

Tôi thích đề thi năm nay. Tuy nhiên, các câu vận dụng cao hoàn toàn có thể đẩy mức độ hơn.

Cô giáo Lê Thị Hằng (Trường THPT Cầu Giấy): Đề hay, vừa sức với học sinh

Đề đáp ứng được những kiến thức cơ bản nhất để HS có thể vận dụng trong cuộc sống. Đề rõ ràng, ngắn gọn.

Cô giáo Lê Thị Hằng.

Đề thể hiện được đầy đủ kiến thức trong các lĩnh vực, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD pháp luật cho công dân thời kỳ mới.

Phần nội dung kinh tế chủ yếu mang tính chất nhận biết, thông hiểu.

Phần pháp luật đã đưa ra được tình huống phù hợp với lứa tuổi của HS. Mang tính định hướng tích cực cho HS.

Các câu vận dụng nếu mở rộng phạm vi tình huống pháp luật sẽ có tính ứng dụng cao hơn nữa. Vì việc tuyên truyền, GD pháp luật cho HS nói riêng và công dân nói chung trong thời điểm hiện nay rất quan trọng.

Cô Chu Thị Hiên - Giáo viên Trường THPT Trí Đức (Hà Nội): Những vấn đề thực tiễn được đưa vào đề thi

Đề thi tập trung vào kiến thức trọng tâm, đảm bảo đúng theo định hướng đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Cô giáo Chu Thị Hiên.

Nhìn chung, đề có hệ thống logic, bám sát thực tiễn, đặc biệt ở những tình huống vận dụng cao. Điều này giúp cho HS có những kiến thức thực tế để đánh giá và áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Đề thi cũng đảm bảo đứng 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao. Đề thi có mức độ phân hóa để đáp ứng 2 tiêu chí của kỳ thi: xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Với đề thi này, học sinh học lực trung bình thì các em dễ dàng đạt điểm 5. HS học lực khá, các em có thể đạt điểm 7 - 8. Tuy nhiên, để đạt điểm 9 - 10 thì HS cần nắm vững kiến thức và có sự liên hệ, phân tích, xử lý mới có thể đạt được.

Theo cô Hiên, những vấn đề thực tiễn được đưa vào đề thi năm nay là vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng mạng xã hội, các mỗi quan hệ trong gia đình…sẽ trực tiếp mang lại cho HS các kiến thức thực tế nên tính GD rất cao, giúp các em có được các kỹ năng cũng như các bài học kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống.

So với năm 2018, đề thi năm nay hay hơn, mới lạ, câu hỏi rõ ràng, các tính huống vận dụng chặt chẽ, độ gây nhiễu tốt, tạo sự hứng thú với HS khi làm bài. Những tình huống thực tế đưa ra thú vị khiến đề thi không khô cứng, nhàm chán. Kiến thức lớp 11, ít hơn so với năm ngoái.

Cô giáo Phạm Thị Vân Anh, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội): Đề thi hay, bám sát chương trình cơ bản

Đề bám sát chương trình cơ bản, theo đúng cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề cũng bám sát đề tham khảo của Bộ.

Cấu trúc đề rất hay, ý nghĩa, rõ ràng và mạch lạc. Những câu vận dụng mang tính chất thực tiễn giúp học sinh nhận biết và lựa chọn được những đáp án chính xác.

Cô giáo Phạm Thị Vân Anh

Đề chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12 bám sát chương trình sách giáo khoa, các câu tình huống chủ yếu rơi vào các quyền tự do cơ bản, quyền tự do dân chủ của công dân, quyền bình đẳng trong lao động, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Đây là những kiến thức căn bản, giúp học sinh có hành trang tốt khi bước vào cuộc sống.

Khi làm đề này, học sinh có cảm giác như mình đang trực tiếp giải quyết các tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong cuộc sống.

Đề có cả kiến thức lớp 11, chủ yếu rơi vào phần kinh tế là phần kiến thức học kỳ 1. Đó là phần câu hỏi nhận biết, không làm khó học sinh. Đề có cá những câu có đáp án nhiễu, học sinh phải nắm chắc kiến thức pháp luật mới giải quyết được.

Đề cũng mang tính thời sự, cập nhật được nhiều tình huống trong cuộc sống. Ví dụ ở mã đề 421, câu 105 giúp học sinh ở lứa tuổi vị thành niên ứng dụng sau khi tốt nghiệp THPT có thể thực hiện giao kết hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật; câu 114 về quyền bầu cử, ứng cử giúp học sinh thực hiện tốt được nguyên tắc bầu cử.

Mức độ phân hóa của đề khá cao, nhất là những câu vận dụng tình huống. Học sinh có thể làm được 9-9,5 điểm, điểm 10 sẽ hiếm có.

Với cách ra đề như thế này, môn Giáo dục Công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới với tên gọi là môn Kinh tế và Pháp luật sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này, có kiến thức căn bản làm hành trang giúp các em có thể học tốt ở các trường đại học có chuyên ngành kinh tế.

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.