3 lý do cần đổi mới kiểm tra, đánh giá

GD&TĐ - Theo cô Dương Thu Trang- Giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Hồ Xuân Hương (Hà Nội), kiểm tra, đánh giá là một khâu không thể thiếu trong quá trình giáo dục.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cô Trang nhấn mạnh, kiểm tra, đánh giá cũng là công cụ quan trọng, chủ yếu để xác định năng lực, nhận thức của người học, để điều chỉnh quá trình dạy và học, là động lực của đổi mới phương pháp, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Kiểm tra là công cụ, phương tiện và là hình thức chủ yếu, quan trọng của đánh giá.

Để đáp ứng những yêu cầu mới của mục tiêu giáo dục, việc kiểm tra đánh giá cũng phải chuyển biến mạnh mẽ theo hướng phát triển trí thông minh, sáng tạo cho học sinh, khuyến khích vận dụng linh hoạt các đơn vị kiến thức, kĩ năng đã học vào những tình huống thực tế.

Theo cô Trang, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập hoàn toàn giao cho giáo viên và học sinh chủ động, phương pháp đánh giá được sử dụng đa dạng, sáng tạo và linh hoạt.

Đánh giá năng lực nhằm giúp giáo viên có thông tin kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập, giúp giáo viên và nhà trường xác nhận, xết hạng kết quả học tập.

Đặc thù của môn Giáo dục công dân về kiến thức rất trừu tượng, mang tính lí luận cao nhưng lại liên quan nhiều đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy việc chú trọng đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá sẽ là cơ sở, động lực cho việc đổi mới phương pháp dạy học của môn Giáo dục công dân trong trường THPT hiện nay.

Lý giải về việc tại sao cần đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Giáo dục công dân (GDCD) theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; cô Trang phân tích:

Thứ nhất, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn GDCD còn nghèo nàn, thiếu tính thực tiễn và sáng tạo.

Thực tế ở các trường học hiện nay cho thấy, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh các môn học nói chung, môn GDCD nói riêng chủ yếu là làm bài kiểm tra trên giấy, với 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Cả 2 hình thức này chủ yếu là chứng minh học sinh nắm vững kiến thức để giải quyết một số câu hỏi, tình huống liên quan đến những kiến thức đã học.

Năng lực mà học sinh được đánh giá với phương pháp này chủ yếu là năng lực trình bày, diễn đạt, lập luận,…Một số năng lực như: trình bày một vấn đề trước đám đông, xử lí tình huống, làm việc nhóm, độc lập sáng tạo,…rất cần trong cuộc sống nhưng khó xác định được với các hình thức kiểm tra đánh giá như trên.

Thứ hai, kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn GDCD còn chú trọng mục tiêu dạy chữ.

Việc kiểm tra đánh giá môn GDCD hiện nay ở các trường phổ thông dựa vào mục tiêu, mà mục tiêu chủ yếu là kết quả các kì thi như thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi học sinh giỏi. Việc đo lường năng lực học sinh chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu chí rất quan trọng như kĩ năng sống, lí tưởng của học sinh lại bị bỏ qua.

Vì quan niệm như trên, nên mọi hoạt động của nhà trường đặt trọng tâm vào các kì thi, những hoạt động khác nhằm rèn luyện đạo đức, nâng cao kĩ năng sống cho học sinh còn bị xem nhẹ. Kiểm tra, đánh giá hiện nay chưa chú trọng đến kĩ năng, thái độ, chưa hướng đến mục tiêu làm người.

Thứ ba, kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn GDCD còn mang tính áp đặt, không linh hoạt, giảm khả năng sáng tạo của học sinh.

Với cách thức kiểm tra, đánh giá trên học sinh thường bị áp đặt. Học sinh không được lựa chọn và chủ động trong bài kiểm tra, trả lời phải đúng đáp án mới đạt điểm, khác đáp án (có khi là sáng tạo) vẫn không đạt điểm.

Những hình thức kiểm tra mang tính độc lập, sáng tạo của học sinh như tìm hiểu thực thực tế rồi làm báo cáo, thuyết trình,…hiện nay rất ít được thực hiện.

Trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy.

Theo đó, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực học sinh. Vậy so với phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực có những điểm gì khác?

STT

Kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận nội dung

Kiểm tra đánh giá theo hướng

tiếp cận năng lực

1

Các bài thi trên giấy được thực hiện vào cuối một chủ đề, giữa học kì, cuối học kì

Nhiều bài kiểm tra đa dạng trong suốt quá trình học tập

2

Việc lựa chọn câu hỏi và tiêu chí đánh giá không được nêu trước

Lựa chọn câu hỏi và tiêu chí đánh giá được nêu rõ từ trước (công khai, rõ ràng, đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu vấn đề, sáng tạo, biết vận dụng)

3

Nhấn mạnh sự cạnh tranh

Nhấn mạnh sự hợp tác

4

Quan tâm đến mục tiêu cuối cùng của việc giảng dạy

Quan tâm đến phương pháp học tập, phương pháp rèn luyện của học sinh

5

Chú trọng vào sản phẩm

Chú trọng vào quá trình tạo ra sản phẩm, chú ý đến ý tưởng sáng tạo, đến các chi tiết của sản phẩm để khen, chê

6

Tập trung vào kiến thức lí thuyết

Tập trung vào năng lực thực tế và sáng tạo

7

Đánh giá do giáo viên còn tự đánh giá của học sinh rất ít

Giáo viên và học sinh chủ động trong kiểm tra đánh giá, khuyến khích tự đánh giá của học sinh

8

Kiểm tra đánh giá học sinh chủ yếu do giáo viên bộ môn đánh giá

Nhiều người tham gia kiểm tra đánh giá, không chỉ giáo viên bộ môn mà ngay cả phụ huynh, học sinh tự đánh giá lẫn nhau,…

9

Đánh giá chú trọng đến kiến thức trong khi kĩ năng và thái độ bị xem nhẹ

Đánh giá toàn diện, các tiêu chí đặt ra liên quan đến kiến thức, kĩ năng, thái độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ