Ngày 10/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Trong thời gian qua, Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Dân vận Thành ủy và Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định của Chính phủ liên quan.
Trong đó, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong khối giáo dục đã góp phần thực hiện nghị quyết của Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Phó bí thư Đảng uỷ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát biểu. |
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các nhà trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Phó bí thư Đảng uỷ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nói: “Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022 là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong các hoạt động quản lý và điều hành.
Đối với lĩnh vực giáo dục, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là nền tảng để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và chất lượng”.
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng phát triển và yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao, việc thực hiện tốt Luật Thực hiện Dân chủ ở Cơ sở sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng: Tăng cường sự minh bạch trong quản lý và điều hành; Đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên.
Tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong việc xây dựng và phát triển nhà trường; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và thị trường lao động.
Hiện toàn khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội có 1 đơn vị hành chính, 47 trường đại học, học viện, 20 trường cao đẳng, với trên 1.500 giáo sư và phó giáo sư; 4.000 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học; hơn 8.500 thạc sỹ; gần 4.200 cử nhân, kỹ sư và tương đương; có trên 550.000 sinh viên các hệ đào tạo.
Trong những năm gần đây, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới theo hướng trao cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhằm phát huy mọi tiềm năng sức sáng tạo trong đổi mới mô hình quản trị, xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, tạo môi trường thuận lợi để nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên có môi trường sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, cũng như thu hút nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục.
Những thay đổi đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Đảng ủy Khối đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, Ban Giám hiệu các trường trực thuộc triển khai hiệu quả việc thực hiện dân chủ gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đã phát huy vai trò của người đứng đầu; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong nhiều mặt công tác; định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ, giảng viên, sinh viên...
Việc thực hiện dân chủ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đoàn kết, ổn định, phát triển của các trường; nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong tình hình mới.