Nhiều học sinh còn mơ hồ khi chọn nghề
PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn chứng một khảo sát ở 1.400 học sinh năm 2020.
Kết quả cho thấy, có 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được 1 nghề để theo đuổi; 5% học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.
Từ thực tế, PGS Trần Thành Nam chỉ ra cha mẹ có 8 sai lầm khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; Áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; Coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; Bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; Sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; Hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con; Sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; Chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.
PGS. TS Trần Thành Nam |
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục Trường Đại học Giáo dục cũng chỉ ra 6 sai lầm của học sinh khi chọn ngành nghề gồm: Dựa vào duy nhất năng lực học tập; Chọn nghề theo trào lưu; Chọn nghề vì lý do kinh tế; Chọn nghề được xã hội trọng vọng; Dành ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; Tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học.
Chọn sai ngành nghề sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội khác không chỉ của bản thân, gia đình mà còn cả xã hội. Phụ huynh và giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo đó, khi tư vấn cho các em, thầy cô cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trả lời rõ 3 câu hỏi của vòng tròn hướng nghiệp:
Câu hỏi thứ nhất của vòng tròn xuyên tâm hướng nghiệp là bạn phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào? Câu hỏi thứ 2 là học ngành nào để làm được nghề đó? Câu hỏi thứ 3 là chọn trường nào học ngành đó để sau này làm được nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình? Nếu vòng tròn của các câu hỏi có sự giao thoa lớn thì việc lựa chọn là đúng và hợp lý.
Làm sao để tìm được nghề nghiệp phù hợp với bản thân?
Theo Ths Vũ Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp, chọn nhầm nghề là khi bạn chọn nghề chỉ dựa theo cảm tính, theo phong trào, khi nhất thời thấy thích. Hoặc do sức ép của những người xung quanh mà hoàn toàn không có định hướng đúng đắn hoặc những hiểu biết chính xác, đầy đủ về nghề, cũng như năng lực, tính cách, sở trường và đam mê của bản thân.
Để tìm được nghề nghiệp nhất với bản thân mình, trước tiên bạn phải xác định được năng lực, sở thích, đam mê, mong muốn của bản thân. Trên cơ sở đó, bạn sẽ chọn ra được một nhóm các ngành nghề phù hợp với thế mạnh và đam mê của mình nhất.
Sau khi đã xác định được một nhóm nghề phù hợp qua “bộ lọc” đầu tiên là chính bản thân mình, bước tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu những thông tin đầy đủ nhất về nhóm ngành này như chương trình đào tạo, nội dung và tính chất công việc, tiềm năng phát triển của lĩnh vực, nhu cầu nhân lực của thị trường, mức thu nhập, các cơ hội nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến, môi trường làm việc,…
Hãy tìm hiểu qua thật nhiều kênh như các thầy cô giáo, báo chí, truyền hình, internet, các kênh hướng nghiệp uy tín như Hướng nghiệp 4.0,… Để có góc nhìn đa chiều, lượng thông tin sâu và rộng đủ để sàng lọc và đánh giá một cách chi tiết nhất về từng ngành nghề cụ thể trong nhóm ngành mình yêu thích.
Chọn nhầm nghề là khi bạn chọn nghề chỉ dựa theo cảm tính, theo phong trào, khi nhất thời thấy thích hoặc do sức ép của những người xung quanh mà hoàn toàn không có định hướng đúng đắn hoặc những hiểu biết chính xác, đầy đủ về nghề, cũng như năng lực, tính cách, sở trường và đam mê của bản thân.
5 nguyên tắc chọn nghề
Chia sẻ với thí sinh và phụ huynh, PGS. TS Trần Thành Nam cũng đưa ra 5 nguyên tắc chọn nghề. Cụ thể là: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; Không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng (sở thích, tính cách, năng lực); Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
"Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào" - PGS Trần Thành Nam lưu ý.
Theo Sách giáo viên "Giáo Dục Hướng Nghiệp 9", Phạm Tất Dong chủ biên, Nhà xuất bản Giáo Dục năm 2005, trang 6 và 7, trình bày về những Nguyên tắc chọn nghề và Ba câu hỏi đặt ra khi chọn nghề.
Nguyên tắc thứ nhất: Không chọn những nghề mà bản thân không đủ điều kiện tâm lý thể chất hay xã hội để đáp ứng yêu cầu của nghề. Chạy theo những nghề mà không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề đề ra thì nhiều khi (không phải mọi trường hợp) sẽ thất vọng, sẽ rất tốn kém thời gian và sức lực cho việc theo đuổi.
Nguyên tắc thứ hai: Không chọn các ngành nghề nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng (nếu người chọn nghề muốn ở lại địa phương để sinh sống) và của đất nước nói chung. Đây là yếu tố khách quan phải tính đến, nếu không, khi học nghề xong sẽ rất khó xin được việc làm.
Trong trường hợp chọn được một nghề nào đó mà nó đang cần được thay thế bằng nghề khác thì không nên theo đuổi làm gì. Cần nhớ rằng sắp tới, khá nhiều nghề cũ sẽ mất đi, nhiều nghề mới sẽ xuất hiện. Đó là quy luật không thể tránh được.
Nguyên tắc thứ ba: không chọn những nghề mà bản thân không thích.