Tranh luận việc lắp camera trong lớp và cấp quyền cho phụ huynh

GD&TĐ - Có nhiều ý kiến trái chiều về việc lắp camera giám sát trong lớp học rồi cấp quyền xem cho phụ huynh.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tranh luận trái chiều

Chị Đoàn Thu Lan (35 tuổi) - phụ huynh có con gái học lớp 7 tại Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) ủng hộ việc nhà trường lắp thêm camera trong lớp học.

Theo chị Lan, các con vẫn còn nhỏ, nên có camera giám sát ở lớp và phụ huynh được quyền xem.

“Tôi chỉ yên tâm khi theo dõi được mọi hoạt động của con. Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nên tôi rất lo lắng, nhất là khi con còn nhỏ, nhận thức chưa tốt”, chị Lan nói.

Đây không chỉ là trăn trở của chị Lan mà còn là băn khoăn của nhiều phụ huynh khác trong trường. Một số cha mẹ học sinh cho biết, việc có thể được theo dõi con tại lớp học khiến họ kịp thời can thiệp nếu trẻ gặp vấn đề ở trường như bạo lực học đường, tai nạn... hay có thể biết được các thầy cô đang dạy gì và con có tiếp thu bài giảng hay không?,...

Ngược lại, nhiều phụ huynh khác không ủng hộ phương án lắp camera trong lớp vì thấy không cần thiết.

Chị Bùi Thanh Phương (38 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có con học lớp 8 cho rằng, việc này khiến không chỉ giáo viên, học sinh mà chính cha mẹ học sinh bị phân tán, mất tập trung cho công việc, cuộc sống.

"Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp suốt ngày dán mắt vào màn hình để theo dõi camera lớp học mẫu giáo của con. Đây là điều ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cả giáo viên, con trẻ và làm mất thời gian của chính chúng ta", chị Phương cho hay.

Cũng theo chị Phương, phụ huynh cần có sự tin tưởng vào cách dạy của các thầy cô. Chỉ có như vậy thì trẻ mới tự tin, tự lập và thoải mái tương tác với giáo viên trong lớp học. Ở trường, đó là thế giới riêng tư của con và bạn bè, thầy cô. Việc thích lắp camera giống như sự giám sát không cần thiết, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Chỉ nên là công cụ quản lý

Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, theo biên chế, ở trường công lập ít giáo viên.

“Chúng tôi lo ngại sẽ không đủ nhân sự để quản lý các em. Nên mặc dù tôn trọng quyền riêng tư của giáo viên và học sinh nhưng buộc phải lắp camera trong lớp”, cô Hằng nói.

Theo cô Hằng, phụ huynh có thể không hiểu hết về quá trình thực hiện các nghiệp vụ giáo dục hay kĩ năng nghiệp vụ của giáo viên. Nếu bất cứ phụ huynh nào cũng giám sát, theo dõi quá trình giảng dạy của các thầy cô mà đánh giá thì sẽ dễ gây hiểu lầm, xung đột không đáng có.

Lắp camera vô hình chung khiến lớp học luôn bị "theo dõi". Điều này ảnh hưởng tới việc giảng dạy của giáo viên.

“Vì vậy, dù có lắp camera trong lớp nhưng chúng tôi sẽ không cấp quyền truy cập cho phụ huynh. Đây là công tác quản lý nội bộ để kiểm tra chất lượng của giáo viên và can thiệp vào các con khi thực sự cần thiết”, cô Hằng nhấn mạnh.

Theo cô Hằng, việc sử dụng camera giám sát cũng cần có quy định cụ thể để ngăn chặn hành vi lợi dụng gây rối, theo dõi hoạt động của giáo viên, nhà trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học cũng như quản lý của mỗi cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ