Bí ẩn phụ nữ trên tranh lụa của Châu Giang

GD&TĐ - Hiền lành và nổi loạn, vẻ đẹp không phô diễn trên nền lụa mềm trong “Ẩn Hoa 2” của họa sĩ Châu Giang đã khắc họa đầy đủ thông điệp “phụ nữ là hoa”.

Tác phẩm “Thế giới giữa chúng ta”.
Tác phẩm “Thế giới giữa chúng ta”.

Với 22 họa phẩm trong triển lãm lần này đã gợi lên cảm giác trữ tình, nhẹ nhàng và thướt tha của người phụ nữ Việt. Các tác phẩm xen kẽ ẩn – hiện hoa và phụ nữ đã tỏa ra một năng lượng sâu lắng, khiến những bộn bề và ồn ào như dừng lại ở ngoài bức cửa. 

Phụ nữ là hoa

Họa sĩ Châu Giang sinh năm 1975 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Châu Giang đã có những cuộc triển lãm cá nhân gây tiếng vang. Tác phẩm “Những gương mặt đến từ tương lai” như tự vẽ mặt mình, với đôi mắt đầy âu lo thảng thốt đem lại cho chị giải Nhất cuộc thi “Ánh mắt trẻ - 2001” với học bổng tại Pháp. 

Năm 2004, chị là nghệ sĩ lưu trú của một tổ chức nghệ thuật ở  (Mỹ). Châu Giang đã có nhiều triển lãm cá nhân cũng như với nhóm ở trong nước và ngoài nước. Ngoài vai trò họa sĩ, Châu Giang còn là một nhà văn với 15 tiểu thuyết, truyện dài và tuyển tập truyện ngắn mà khi xuất bản, đông đảo công chúng đã nồng nhiệt đón nhận.

Trong hội họa, có lẽ hiếm chất liệu nào phù hợp hơn lụa để lột tả trọn vẹn tinh thần đặc trưng của người phụ nữ Việt. Nhưng phải đến năm 2006, sau nhiều biến động trong đời sống, Châu Giang mới tìm đến lụa. Và ở đây, chị đã thấy một khía cạnh khác của chính mình, tìm thấy một cách chế ngự cảm xúc mà với chất liệu sơn dầu, chị đã không làm được. 

Trong suốt hàng chục năm Châu Giang “ăn nằm” với lụa nên người tinh tế dễ cảm nhận sự uyển chuyển trên từng họa phẩm mà nghệ sĩ thực hiện. Sự uyển chuyển thấu thị đến nỗi người ta không rõ hoa ẩn trong phụ nữ, hay phụ nữ ẩn trong hoa. Để rồi khi bao quát hết 22 họa phẩm, công chúng mới vỡ òa hay biết “hoa kia cũng chính là phụ nữ”. 

So với Ẩn hoa đầu tiên - có tông màu trầm buồn, ra mắt cách đây chín năm tại Thái Lan, triển lãm mới nhiều sắc hồng, cam. Hình bóng phụ nữ lồng vào cảnh nền hoa tử đinh hương. Phụ nữ như đóa hoa nở rộ xuân sắc. Trên chất liệu lụa, Châu Giang vẽ màu nước với từng lớp chất chồng lên nhau tạo cảm giác ẩn hiện, mờ ảo hoa lá nhưng không lấn át chủ thể con người. 

Họa sĩ Châu Giang hướng về phụ nữ với những tâm trạng khác biệt.
Họa sĩ Châu Giang hướng về phụ nữ với những tâm trạng khác biệt. 

Phụ nữ truyền thống cũng nổi loạn

Họa sĩ Châu Giang nói rằng, chị lấy cảm hứng sáng tác từ những phụ nữ rất gần gũi với mình, như: Mẹ, chị, con gái, những người bạn nữ... Đặt trọng tâm là sự gắn kết của phụ nữ, phần lớn chủ thể được vẽ theo nhóm từ 2 - 3 người. Điểm qua những cảnh sinh hoạt đời thường như thay quần áo, ngồi tựa vào nhau để thấy một thế giới riêng tư với nội tâm đầy yêu thương, nhẫn nại.

Những người phụ nữ trong tranh của Châu Giang đầy đặn và có thể không theo số đo chuẩn mực, nhưng họ tự tin và giàu suy tư, mơ mộng. Dù là lúc họ nghe nhạc, chải tóc hay cởi áo thì ánh mắt luôn mời gọi công chúng ngắm nhìn để cùng chia sẻ yêu thương.

Chính vậy, ánh mắt - cửa sổ tâm hồn, chính là sợi dây kết nối giữa tranh và người, từ đó tạo ra mối giao thoa dai dẳng giữa người xem với nhân vật trong tranh.

Khác nhau ở trạng thái y phục, nhưng dễ thấy một điểm khá nổi bật là khuôn mặt của phụ nữ được chăm chút tỉ mỉ với những lo âu thầm kín. Ẩn dụ triền miên này dẫn dắt người xem vào thế giới sâu thẳm của hình khối và hòa sắc.

Như chính Châu Giang chia sẻ tại triển lãm: “Xuyên suốt trong các bức tranh, đều thấy hình ảnh hai người phụ nữ đối lập - một thể hiện cho truyền thống, nền nã, khép kín, chịu đựng. Một thể hiện cho sự cởi mở, hiện đại, khao khát tự do, vượt qua những giới hạn của bản thân và xã hội. Họ đối lập từ tính cách, suy nghĩ đến hành động”.

Hơn một nửa các tác phẩm khắc họa những người phụ nữ trong tà áo dài, nhưng cũng không ít bức trong đó mô tả khuôn hình nude của họ. Một bên biểu hiện cho tính truyền thống, một bên là hiện đại – với hai trạng thái khác biệt nổi loạn và ngoan hiền. Sự nổi loạn ấy còn ngấm ngầm trong suy tư của những phụ nữ truyền thống, nhưng thật khó để phát hiện.

Và cũng dễ để đánh đồng rằng trong chất liệu lụa và hình ảnh hoa, phụ nữ buộc lòng phải nhẹ nhàng và khuôn phép. Nhưng Châu Giang đã phá vỡ hình mẫu ấy bằng lối vẽ chiêm nghiệm xa xăm, khiến người ta gật gù đồng tình rằng, có lẽ đúng, phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu.

Có những sự tương tác tiêu biểu trong tranh lụa của Châu Giang. Mối quan hệ phụ nữ với phụ nữ trong tranh gợi nhớ về tình chị em trong gia đình, được biểu hiện qua những cái ôm, cuộc đối thoại, độc thoại, búi dây áo cho nhau… Giữa họ luôn có một tần sóng giao thoa, giao tiếp bằng chính suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình nhiều hơn là bộc lộ thành lời.

Có lẽ, khi đặt tên triển lãm là “Ẩn Hoa 2”, Châu Giang đã muốn nhấn mạnh về vẻ đẹp tiềm tàng bên trong của người phụ nữ hơn là thẩm mỹ thuần túy bên ngoài của họ. Người ta nói rằng, khi một người làm vườn có trái tim thơ mộng và rộng mở, anh ta chăm hoa như chăm một linh hồn.

Anh ta không nhìn hoa, anh ta thấy hoa. Anh ta không tưới nước cho hoa, anh ta đang nuôi dưỡng hoa. Anh ta không tự kỷ, anh ta đang trò chuyện với những bông hoa. Và thế, anh ta cũng có một tâm hồn trong sáng và hồn nhiên như hoa. Phụ nữ cũng vậy. Họ là bí ẩn của cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.