Tránh lãng phí trong sử dụng SGK: Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng vào cuộc

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo (STK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), giữa bối cảnh dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Sách giáo khoa là nguồn tài nguyên được sử dụng qua nhiều năm
Sách giáo khoa là nguồn tài nguyên được sử dụng qua nhiều năm

Thực tế trước đây, Bộ GD&ĐT từng ban hành những quy định, công văn, hướng dẫn về việc quản lý và sử dụng SGK, STK; nhưng dường như nhà trường, thầy cô giáo ít quan tâm, chú ý đến công tác tuyên truyền, nhắc nhở, chỉ dẫn cụ thể cho các em HS và phụ huynh về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo quản và sử dụng SGK một cách tiết kiệm và hiệu quả. Sau một thời gian học tập vài tháng, sách vở của nhiều em đã hư hỏng, bôi bẩn.

Phần lớn HS sau một năm học là bỏ luôn SGK, dù trong gia đình có người sẽ lên luôn cấp học ấy, lại mua bộ mới. Đó thực sự là lãng phí rất lớn. Vai trò, sự chỉ dẫn của thầy cô giáo và các bậc phụ huynh là rất quan trọng trong việc hình thành, xây dựng cho các em ý thức, thói quen bảo quản tốt SGK, các dụng cụ học tập khác để dùng cho nhiều năm. Sử dụng lại sách cũ đâu chỉ có HS nghèo, nơi điều kiện kinh tế khó khăn mà là cho tất cả HS, qua đó rèn các em ý thức tiết kiệm, giữ gìn và cả trách nhiệm cộng đồng nữa.

Tôi có nhiều dịp lên thăm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở những huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi đầu năm học mới, HS là con em đồng bào các dân tộc Hrê, Ca Dong ở đây chỉ trông mong có bộ SGK cũ, còn có thể dùng được là tốt lắm rồi. Có bộ SGK được dùng lại đến năm, sáu thế hệ HS mà vẫn còn lành lặn, hết năm học lại được trả lại thư viện trường (nếu là SGK được cho mượn) hoặc giữ gìn để trao lại cho các con em trong gia đình hay trong thôn bản sẽ vào nối lớp.

Các đồng nghiệp của chúng tôi ở đây luôn khuyến khích phụ huynh, HS bảo quản, giữ gìn SGK như một trong những bài học cần thiết về giáo dục đạo đức cho các em. Trong quá trình dạy học, các giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn cũng thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra sách, vở của các em. Em nào bảo quản giữ gìn tốt, sách vở sạch đẹp thì khen ngợi, cộng điểm thưởng vào cột 15 phút, cột 1 tiết.

Em nào sách vở rách nát, bôi bẩn thì phê bình, cho thời gian điều chỉnh, khắc phục, nếu không sẽ bị “đánh” vào hạnh kiểm. Những việc làm này được các thầy cô trao đổi trước, giải thích rõ với phụ huynh, và đều nhận được sự ủng hộ lớn của hầu hết các gia đình. Nhờ vậy, những bộ SGK ở vùng cao thường có “tuổi đời” cao. Nhiều gia đình có 2 - 3 con chỉ một bộ sách cho mỗi lớp các con theo học rồi để lại, khi không dùng nữa, một số gia đình lại mang cho những người có nhu cầu hoặc mang tặng thư viện trường.

Có thể nói, nếu các nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng chung tay thì chắn chắn việc lãng phí trong mua và sử dụng SGK mới sẽ giảm đi nhiều, không còn là một trong những vấn đề gây dư luận xã hội và dồn hết trách nhiệm vào ngành GD như thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ