Tranh giành chủ quyền Bắc cực

Tranh giành chủ quyền Bắc cực

(GD&TĐ) - Bên dưới những tảng băng lớn ở Bắc cực là một kho tài nguyên dồi dào, nhưng nó thuộc về ai? Vào giữa thế kỷ 20, Canada tuyên bố lãnh thổ này là của họ. Theo luật quốc tế thì khi một nước công bố lãnh thổ đó là của mình mà không bị ai thách thức trong hơn một thế kỷ thì lãnh thổ đó sẽ là của họ. Năm 2011, mới hơn nửa thế kỷ Canada công bố chủ quyền, đã có nhiều nước tham gia vào cuộc tranh giành mảnh đất không người quí giá đó. Hai đối thủ lớn nhất của Canada là Nga và Đan Mạch.

Sức hấp dẫn của Bắc cực

Chính phủ Đan Mạch vừa chính thức tuyên bố ý định giành lại Bắc cực như một phần của Vương quốc Đan Mạch, bao gồm: Đan Mạch, Greenland và quần đảo Faroe. Đan Mạch xem Bắc cực như phần mở rộng của băng đảo Greenland nên hoàn toàn có quyền coi Bắc cực là một phần lãnh thổ của mình. Tuyên bố này của Đan Mạch càng làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp giữa các nước như Nga, Canada, Na Uy và Mỹ. Nhưng hầu như sẽ không có ai được sở hữu độc quyền Bắc cực mà phải có sự phân chia. Đó là điều tất yếu nếu không muốn chiến tranh xảy ra. Tạm thời, Bắc cực được phân chia theo nguyên trạng. Ai đang giữ phần nào thì cứ tạm ở đó. Bắc cực và vùng nước xung quanh được qui định là vùng biển quốc tế và không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

Tài nguyên dồi dào chính là lý do giải thích tại sao vùng đất không phải để cho con người sinh sống này lại quá hấp dẫn đối với nhiều nước. Nhìn trên bề mặt, Bắc cực không có gì trừ băng tuyết và những đàn hải cẩu đông đúc, cùng với các sinh thực vật đặc trưng khác của xứ cực lạnh. Nhưng chỉ cần dùng vệ tinh lập bản đồ hồng ngoại dưới độ sâu 3 mét, Bắc cực là cả một kho tàng quí giá gồm dầu khí và các thứ khác. Hầu như tất cả đều chưa bị khai thác. Dầu Bắc cực sẽ giúp thế giới bớt lệ thuộc vào dầu ở Trung Đông và các nước thù địch với phương Tây. Trong tình hình giá dầu leo thang lên đến hơn 120 USD/thùng, dầu Bắc cực càng trở nên quan trọng. Một sức hấp dẫn nữa của Bắc cực là sự phong phú của cuộc sống hoang dã, trong tình hình dân số loài người trở nên đông đúc, miếng ăn ngày càng khó kiếm và đắt. Trang trại chăn nuôi hiện mở rộng lấn vào đất canh tác, trong khi Bắc cực với địa hình bằng phẳng, mênh mông không bị che chắn là nơi rất dễ săn bắn các loài cá, hải cẩu, cá voi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đến đây được để săn. Vì vậy, những nước độc quyền săn bắn ở Bắc cực sẽ có thêm một nguồn tạo ra tiền, khi các thực phẩm chế biến từ thủy hải sản tại Bắc cực ngày càng được ưa chuộng. Chúng có sẵn, nhiều, sinh đẻ theo mùa mà không phải tốn công nuôi dưỡng gì cả.

Tranh giành chủ quyền Bắc cực ảnh 1
 

Hiện tượng băng tan ở Bắc cực do Trái đất ấm lên, dù nguy hiểm cho con người, nhưng lại mở ra cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên đa dạng từ khoáng sản (chủ yếu là dầu mỏ và khí gas), thủy hải sản cho tới giao thông vận tải biển (các tuyến đường hàng hải quốc tế mới đi qua khu vực này). Dưới lớp băng dày của Bắc cực đang tiềm ẩn 1/3 dự trữ khí thiên nhiên và gần 13% trữ lượng dầu mỏ của thế giới.

Những cuộc “chạy đua” quyết liệt

Việc khai thác tài nguyên Bắc cực cũng là vấn đề mà những nước nghèo sẽ gặp khó khăn. Khai thác dầu khí tại Bắc cực sẽ tốn kém hơn, nhưng khi giá nhiên liệu tăng nhanh như bây giờ thì doanh thu sẽ bù vào tất cả. Dầu khí thành lập ở các vỉa địa tầng khác nhau của lớp vỏ trái đất. Dầu tại Bắc cực chịu áp lực lớn từ nhiều nước đại dương chảy tự nhiên, và đôi khi rất mạnh. Vì vậy, công nghệ thăm dò và khai thác dầu tại Bắc cực không hề đơn giản. Nhưng Mỹ, Nga, Đan Mạch và Canada có đủ công của để làm việc này. Họ cũng sẽ tìm cách giảm bớt trở ngại của khoảng cách và nhiệt độ để đưa thêm nhiều cư dân đến đây sinh sống.

Từ lâu, Canada đã công bố Bắc cực là lãnh thổ của mình, nhưng công bố này đang được mang ra tranh luận tại LHQ. Theo Công ước về Luật Biển thông qua năm 1982, biên giới kinh tế ven biển của một nước (nơi nước này có toàn quyền khai thác tài nguyên) chỉ mở rộng thêm 370 km tính từ bờ biển của nó. Hiện LHQ vẫn đang điều tra xem có phải các biên giới ven biển của Greenland thuộc Đan Mạch sẽ kéo dài đến tận Bắc cực. Cuộc điều tra rất khó khăn vì làm sao biết Bắc cực mở đầu và kết thúc ở đâu, khi vị trí và diện tích của các tảng băng thay đổi liên tục theo năm tháng.

Nga là “tay chơi” lớn trong cuộc đua tranh giành Bắc cực. Họ đã cho tàu ngầm đặt một cây cờ dưới Bắc cực như cách khẳng định lãnh thổ của mình. Nhưng thế giới hiện nay không phải là thế giới của thế kỷ 15, khi bạn chỉ cần cắm cờ lên lãnh thổ nào đó thì đã có thể xem nó là của riêng mình. Người Nga cũng đang cố tìm xem “dãy núi ngầm Lomonosov” có kéo dài từ Nga đến Bắc cực không, để chứng minh đây là lãnh thổ của mình.

Tranh giành chủ quyền Bắc cực ảnh 2
 

Không chỉ có Nga, Đan Mạch, Caanda mà cả Mỹ cũng tham gia vào cuộc chơi mỗi ngày một “nóng” hơn. Nếu Nga đưa một tầu ngầm đến Bắc cực thì Mỹ đưa các máy bay thám thính để kiểm tra xem ai chuẩn bị “vi phạm luật chơi”. Canada cũng đang đẩy mạnh việc bảo vệ một lãnh thổ bị bỏ quên quá lâu, từ khi bắt đầu phát hiện ra giá trị tương lai của nó.

Hiện Bắc cực được xem như lãnh thổ quốc tế được điều hành bởi cơ quan International Seabed Authority. Nhưng nếu một nước chứng minh được một phía Bắc cực là phần kéo dài thềm lục địa của mình, nước đó có thể tuyên bố phía này là đặc khu kinh tế riêng của họ. Đối với người Canada, hành động cắm cờ của Nga cũng giống như vẫy cờ đỏ trước con bò mộng. Phản ứng mạnh mẽ là đương nhiên, nhất là khi trong quốc ca Canada có cả câu “The true north, strong and free” (Tạm dịch: Phương Bắc mạnh mẽ và tự do). Có người cho rằng, dù Canada có được công nhận chủ quyền tại Bắc cực thì vùng lãnh hải nằm giữa Bắc cực và Canada vẫn còn tranh chấp. Ví dụ vùng lãnh hải phân chia đảo Somerset Island và đảo Devon Island, hay đảo Melville Island và đảo Banks Island. Chính phủ Canada khẳng định đây là lãnh hải Canada, nhưng Mỹ và một số nước khác, đặc biệt là Nga không đồng ý như thế. Họ xem Northwest Passage là một eo biển quốc tế, tầu thuyền được tự do lưu thông. Các nhà khoa học Canada đang tham gia với binh lính tuần tra Bắc cực trong trận chiến chủ quyền ngày càng căng thẳng. Theo Công ước về Luật biển của LHQ, những nước ven biển có quyền kiểm soát những gì ra vào vùng biển trong phạm vi 22,2 km2 cách bờ biển của mình. Nhưng khoảng cách giữa các hòn đảo nói ở trên là gần 100 km, vì vậy Canada không được phép kiểm soát hết mà phải để cho tàu bè quốc tế đi lại. Vùng đặc quyền khai thác tài nguyên ven biển được qui định là 370 km tính từ bờ biển, nhưng nếu nước nào chứng minh được thềm lục địa của mình kéo dài đến đâu, đặc khu sẽ được mở rộng ra đến đó, Các nước tham gia Công ước có 4 năm để trình hồ sơ lên Ủy ban LHQ về Luật biển. Đến năm 2013, Caanda phải lo xong hổ sơ này. Tuy nhiên, dù Canada có thắng thì eo Northwest Passage vẫn phải để cho lưu thông quốc tế như một thực tế từ trước đến nay. Đan Mạch cũng đang gấp rút chuẩn bị tuyên bố chủ quyền tại Bắc cực để trình lên Ủy ban LHQ trước năm 2014, thời hạn để Ủy ban tiến hành xem xét giới hạn về thềm lục địa cho các quốc gia tranh chấp bao gồm: Canada, Mỹ, Nga, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan và Thụy Điển đồng thời xác định biên giới lãnh thổ quốc gia có thể mở rộng được bao xa.

Hồng Hải (Theo The Economist, The Washington PostCanada Post)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ