Tranh cãi về vẻ đẹp phi tự nhiên trên sàn đấu nhan sắc

GD&TĐ - Vừa qua, Ban tổ chức cuộc thi "Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017" đã ra thông báo cho phép các thí sinh chỉnh sửa nhan sắc đăng ký tranh tài. 

Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia “nói không” với thí sinh dao kéo trên các sân chơi nhan sắc.
Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia “nói không” với thí sinh dao kéo trên các sân chơi nhan sắc.

Dù trong nhiều cuộc thi nhan sắc, yếu tố “vẻ đẹp tự nhiên” được đặt lên hàng đầu đối với các thí sinh, song vẫn có nhiều cuộc thi chấp nhận thí sinh chỉnh sửa nhan sắc.

Tiêu chí chấm nhan sắc ngày càng cởi mở?

Cụ thể, nhiều cuộc thi nhan sắc nổi tiếng trên thế giới như Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ), Miss International (Hoa hậu Quốc tế) và thậm chí là Miss World (Hoa hậu Thế giới) cũng chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Thậm chí trong số những người đẹp đăng quang các cuộc thi này, có không ít người đã phải trải qua “trùng tu” để có nhan sắc như hiện tại.

Tại Việt Nam, cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu hòa bình quốc tế 2017 được tổ chức trong tháng 10/2017 quy định: “Thí sinh ngoài việc chuyển đổi giới tính, mọi phẫu thuật khác đều được chúng tôi chấp nhận”. Có thể nói, đây là một cuộc thi nhan sắc khá “cởi mở” đối với các thí sinh tham dự khi chấp nhận những thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ để tạo thêm nhiều cơ hội cho những người đẹp muốn tham gia.

Có thể “điểm danh” những hoa hậu “dao kéo” của cuộc thi Hoa hậu Thế giới - vốn đánh giá cao vẻ đẹp tâm hồn, giá trị nhân văn trong hoạt động thiện nguyện - như Maria Julia Mantilla (Peru - Hoa hậu Thế giới 2004), Ivian Sarcos (Venezuela - Hoa hậu Thế giới 2011). Ngoài ra còn có những gương mặt như Edina Kulcsár (Hungary - Á hậu 1 Hoa hậu Thế giới 2014), Andriana Vasini (Venezuela - Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới 2010), Perla Betran (Mexico - Á hậu 1 Hoa hậu Thế giới 2009) hay Ingrid Rivera (Puerto Rico - Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới 2005).

Trở lại sân chơi "Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017", thí sinh đăng ký tham gia phải mang quốc tịch Việt Nam, có độ tuổi từ 18 - 50 (năm sinh 1967 - 1999), đang là lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…, không có tiền án tiền sự, tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương trở lên, chiều cao trên 1,54m.

Ban giám khảo cuộc thi gồm Á hậu Trịnh Kim Chi, ca sĩ Nguyên Vũ, Á hậu Băng Châu. Ca sĩ Nguyên Vũ đảm nhận vai trò Trưởng ban giám khảo. Sau vòng sơ khảo, vòng bán kết diễn ra ngày 1/10 tại Vũng Tàu để chọn top 15. Các thí sinh sẽ tham gia các chương trình thiện nguyện, các sự kiện chụp hình, phỏng vấn và tổng duyệt cho đêm chung kết diễn ra tối 20/10/2017. Tính đến thời điểm này, sự "cởi mở" của cuộc thi vẫn khiến dư luận thắc mắc.

Trong khi “cường quốc sắc đẹp” Venezuela rất cổ súy cho việc phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí nước này còn có những “ông trùm” chuyên dẫn dắt các người đẹp dao kéo làm sao cho phù hợp với tiêu chí của các cuộc thi quốc tế, thì hiện nay trên thế giới vẫn có 3 quốc gia “nói không” với thí sinh dao kéo là Colombia, Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, Colombia và Pháp vẫn cho phép thí sinh làm răng chứ không có nhiều quy định khắt khe như Việt Nam.

Những bất cập

Vì nguyên tắc khắt khe trên các sân chơi nhan sắc trong nước nên người đẹp Việt "thua thiệt" trên các sàn đấu quốc tế?
 Vì nguyên tắc khắt khe trên các sân chơi nhan sắc trong nước nên người đẹp Việt "thua thiệt" trên các sàn đấu quốc tế?

Cũng bởi nguyên tắc khắt khe trên các sân chơi nhan sắc Việt nên những người đẹp như Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trần Thị Thu Hiền, Trần Thị Thùy Trang... từng làm “dậy sóng” Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2016 vì liên quan đến răng sứ thẩm mỹ, dán composit.

Nhà báo Lê Xuân Sơn (Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng BTC HHVN) từng cho PV biết việc đối mặt với những kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại bây giờ là một vấn đề rất lớn với các tổ chức thi nhan sắc. Các thành viên BTC luôn tỏ ra căng thẳng khi đề cập đến công nghệ làm đẹp ngày càng tinh vi hiện nay.

Đã từng có vài thí sinh dù biết họ chỉnh sửa thẩm mỹ cằm, mũi… nhưng không đụng tới dao kéo nên BTC hay các chuyên gia cũng không thể phát hiện. Về những vấn đề liên quan đến da, tóc..., ông Sơn khẳng định: “Nếu chúng tôi kiểm tra xác định thí sinh can thiệp về da, ví dụ như tiêm các chất làm căng da, thì chắc chắn sẽ xử lý ngay vì vi phạm quy chế”.

Thực tế, quy định hiện hành về thi người đẹp ghi rõ: Thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên. Điều này được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định 79/2012/NĐ-CP và mới nhất là thông tư quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định này.

Theo đó, mọi cuộc thi hoa hậu, người mẫu ở Việt Nam đều phải tuân thủ quy định thí sinh chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu cuộc thi nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định với mức cao nhất là rút giấy phép.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tình hình thực tế, quy định nghiêm ngặt này dường như chưa thoả đáng với mọi cuộc thi, đặc biệt là khi đại diện nhan sắc Việt "đọ sắc" với các người đẹp quốc tế.

Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới là cuộc thi chấp nhận thí sinh đã qua giải phẫu thẩm mỹ. Tuy nhiên, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lại không cho phép điều này bởi như tất cả các cuộc thi người đẹp khác, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng phải tuân thủ quy chế quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Sẽ là không đáng nói nếu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chỉ dừng lại ở việc chọn hoa hậu để tôn vinh trong nước. Nhưng rõ ràng mục đích chính của cuộc thi này là để tìm ra ứng cử viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.

Và đã nhiều lần các cô gái Việt phải mang thân hình nguyên bản đi đọ với các người đẹp đã qua chỉnh sửa đến từ khắp 5 châu. Có khi nào vì không được phép "chỉnh sửa" mà nhan sắc Việt "thua thiệt" so với nhan sắc quốc tế?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ