Tranh cãi quanh việc sử dụng sách giáo khoa điện tử ở Ai Cập

GD&TĐ - Do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu chính thức về hiệu quả của sách điện tử so với sách giáo khoa truyền thống. Tuy nhiên, mới đây, tại một quốc gia mà giáo dục chưa thật sự phát triển mạnh như Ai Cập đã bắt đầu xuất hiện những kiến nghị thay thế hoàn toàn sách giáo khoa bằng sách điện tử trong chương trình giảng dạy chính thức. Và cũng không ngoài dự đoán của giới chuyên môn, kiến nghị này đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Tranh cãi quanh việc sử dụng sách giáo khoa điện tử ở Ai Cập

Thay sách in bằng sách điện tử

Mặc dù thường xuyên có những cuộc cải cách gây tranh cãi và làn sóng phản đối một số chính sách giáo dục vẫn thường diễn ra ở Ai Cập, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì Ai Cập vẫn là một quốc gia sở hữu nền giáo dục ở nhóm đầu.

Mặc dù vậy, nếu so với các quốc gia phương Tây thì nền giáo dục Ai Cập vẫn còn nhiều điểm yếu, liên quan đến sự phát triển bền vững và tính ổn định. Chính vì thế, khi có những kiến nghị chính phủ dừng in ấn sách giáo khoa và chuyển sang sử dụng sách điện tử thì một làn sóng phản đối đã diễn ra, không chỉ trong giới lãnh đạo, mà ngay cả trong chính phụ huynh và học sinh.

Hala Abu Saad, thành viên Quốc hội, đại diện cho Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa, người đưa ra kiến nghị thay thế sách giáo khoa in bằng sách điện tử, cũng có những lý lẽ riêng. Theo đó, nếu thực hiện việc ngừng in ấn sách giáo khoa và thay bằng việc sử dụng những quyển sách điện tử có thể điều chỉnh thông tin dễ dàng, thay vì phải in tái bản, giúp nhà nước tiết kiệm hơn 1,8 tỉ bảng Ai Cập mỗi năm, dành tiền phục vụ những chương trình đầu tư khác cho giáo dục.

Theo Abu Saad, dù trong kiến nghị nêu số tiền gần 2 tỉ bảng Anh tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm nếu thay thế sách giáo khoa nhưng trên thực tế số tiền này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Đó là do thực tế hiện nay sách giáo khoa không đáp ứng được nhu cầu nên học sinh thường phải sử dụng những quyển sách không chính thống khác để bổ sung kiến thức.

Các quyển sách này thường có những hướng giải thích rõ ràng hơn, cũng như có các bài tập thực tế, dễ dàng ứng dụng hơn so với những quyển sách chính thống. “Khi sử dụng sách điện tử, những kiến thức bổ sung sẽ được tích hợp trên những quyển sách công nghệ cao này và các em học sinh sẽ không cần sử dụng 2,3 quyển sách cho một bộ môn như hiện nay”, Abu Saad cho biết.

 

 Làn sóng phản đối

Dù phía chính phủ cho biết vẫn đang xem xét kiến nghị về việc ngừng in ấn sách giáo khoa và thay thế bằng sách điện tử nhưng rất nhiều ý kiến phản đối đã được nêu lên xoay quanh kiến nghị này. Ngoài ra, với việc Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập Tarek Shawki cho biết đang xây dựng nền tảng kỹ thuật số cho sách giáo khoa, một phiên bản mới được cải tiến rất nhiều về nội dung để sử dụng trên máy tính bảng, một cuộc tranh cãi dữ dội đã nổ ra giữa chính quyền và phía còn lại, không chỉ là học sinh cùng các bậc phụ huynh, mà còn là những bộ phận liên quan đến sách giáo khoa, cụ thể là các nhà in thuộc Bộ Giáo dục.

“Kiến nghị này không phải là mới và nó đã được đưa ra thảo luận qua nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập trước đây”, Abdel Sadek Al Shorbagy, chủ tịch Hội đồng quản trị Rose al-Yusuf, nhà in ấn thuộc chính phủ chịu trách nhiệm in ấn sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục Ai Cập, cho biết.

Cũng theo Shorbagy thì ngoài Rose al-Yusuf, còn nhiều nhà xuất bản đã đầu tư dây chuyền sản xuất hàng tỉ bảng Ai Cập để in ấn sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục theo hợp đồng có thời hạn lên đến vài chục năm. Một điểm đáng lưu ý nữa là dây chuyền này được đầu tư chỉ để phục vụ cho mục đích in ấn sách giáo khoa, nên nếu dừng sản xuất thì nguồn ngân sách đầu tư các dây chuyền này sẽ bị thâm hụt đáng kể. “Điều này chưa tính đến việc sẽ có hơn 60.000 người hiện đang làm việc cho ngành công nghiệp in ấn sách giáo khoa thất nghiệp, từ đó tạo ra một gánh nặng vô cùng lớn cho xã hội Ai Cập”, Shorbagy chia sẻ.

Không đứng trên phương diện kinh tế mà xét về khía cạnh chung, Maha Bali, giáo sư tại trường đại học Mỹ ở Cairo cho biết việc thay thế sách giáo khoa in ấn bằng sách điện tử sẽ không phù hợp với Ai Cập, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại.

Theo bà, do rất nhiều các gia đình tại Ai Cập đều không có những thiết bị phù hợp như máy tính hay máy tính bảng nên sẽ rất thiệt thòi cho con em những gia đình này, nếu chỉ có thể học tập trên máy tính của nhà trường mà không được nghiên cứu thêm tại nhà.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những gia đình đông con nhưng chỉ có một hoặc hai thiết bị phù hợp để học tập. Cũng chính vì lý do này mà việc đầu tư ngân sách cho nhà trường để trang bị nhiều máy tính hay máy tính bảng trong lớp học không phải là một giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần tính đến trường hợp các bậc phụ huynh thường không muốn cho con em mình tiếp xúc và phụ thuộc quá nhiều vào máy tính hay Internet. Hay như ở khu vực nông thôn thì gần như không gia đình nào cho phép con cái của họ sử dụng Internet vì sợ rằng chúng sẽ mắc phải những cạm bẫy lừa đảo trên các trang mạng xã hội, vốn luôn hướng đến các đối tượng là những cô cậu bé mới lớn.

“Vì thế muốn thực hiện kế hoạch thay thế sách giáo khoa bằng sách điện tử cần có một lộ trình dài hơi và chính phủ cần phải giải quyết triệt để tình trạng Internet chất lượng thấp và có độ phủ sóng ít ỏi tại các vùng nông thôn, hay nghiêm trọng hơn là vấn đề nguồn điện không ổn định. Có rất nhiều cách để đổi mới giáo dục những có lẽ việc đổi sách này không phải là một cách làm mang lại hiệu quả tích cực”, Bali nhận định.

 

Đi theo xu thế

Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà giáo dục, một số thành viên Quốc hội và nhất là đông đảo học sinh cùng các bậc phụ huynh nhưng người soạn thảo kiến nghị, bà Abu Saad vẫn kiên quyết và tự tin về hiệu quả tích cực khi chính phủ thực hiện kế hoạch thay đổi sách.

Bà nhấn mạnh rằng không có cải cách hay thay đổi, dù là tích cực, được thực hiện mà không vấp phải làn sóng phản đối. Bà cũng cho biết Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tính toán đến những tác động tiêu cực mà kiến nghị sẽ gây ra cho những công ty in ấn và đã có phương án sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm, thông qua việc ngừng in sách cho các hoạt động in ấn khác như băng-rôn hay các công cụ khác sử dụng trong lớp học.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng sẽ hỗ trợ một nguồn kinh phí hoạt động sau khi cân đối lại ngân sách giáo dục trong một năm, từ đó bù đắp phần nào cho các nhà in trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu.

Đối với vấn đề về thiếu thốn các thiết bị để sử dụng trong học tập như máy tính, máy tính bảng hay mạng Internet ổn định thì Abu Saad cũng cho rằng với thực tế khi các học viên cần công nghệ và thiết bị để phục vụ cho việc học sẽ giúp chính phủ cân nhắc lại kế hoạch đầu tư, về ngân sách nhà nước lẫn kêu gọi đầu tư tư nhân nước ngoài từ những tổ chức giáo dục đang có tham vọng tạo sức ảnh hưởng của mình lên nền giáo dục của Ai Cập.

Những nguồn ngân sách được bổ sung này sẽ giúp tăng cường công nghệ trong từng lớp học, cũng như mở ra các mô hình hỗ trợ cho các nhóm sinh viên không có đủ điều kiện để trang bị một chiếc máy tính hay máy tính bảng riêng.

Việc sử dụng sách điện tử thay thế cho sách giáo khoa truyền thống không phải là một mô hình mới và thực tế đã được áp dụng trên thế giới từ rất lâu. Tuy nhiên, việc thay đổi này có thật sự đem lại hiệu quả hay sẽ tạo ra những tác động tích cực sẽ tùy thuộc vào tình hình, tiềm lực về công nghệ kỹ thuật của từng quốc gia.

Với Ai Cập, việc chuyển đổi sách giáo khoa in ấn sang sách điện tử sẽ là một bước cơ khá mạo hiểm khi mà hầu hết người dân cùng một số chuyên gia giáo dục cho rằng họ chưa có đủ năng lực về công nghệ cũng như không thật sự sẵn sàng cho sự chuyển giao có phần quá đột ngột này.

“Với tình hình hiện tại thì giáo dục Ai Cập sẽ có những vấn đề khác cần ưu tiên thực hiện hàng đầu, như tăng cường kỹ năng, năng lực của giáo viên cũng như cải cách chương trình học. Còn với việc sử dụng sách điện tử đó là một quá trình lâu dài và mang tính thể nghiệm cao”, GS Maha Bali nhận định.

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ