Trang phục truyền thống chịu “sưu cao thuế nặng”!

GD&TĐ - Trong khi ngành văn hóa tôn vinh tà áo dài truyền thống, thì một việc hi hữu đã xảy ra “ngăn cản” người Việt Nam hướng về nguồn cội.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mấy ngày qua, cùng với vụ việc bé gái 8 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh bị người tình của bố bạo hành dẫn tới tử vong, thì dư luận còn bức xúc với sự việc được cho là xảy ra tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí  Minh, khi khách mặc áo dài đến tham quan bị yêu cầu mua thêm vé chụp ảnh.

Chuyện bắt đầu khi TS Đoàn Thành Lộc đưa các bạn trẻ đến Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu các hiện vật lịch sử, văn hóa. Khi mua vé, một thành viên trong nhóm bị nhân viên yêu cầu mua thêm vé chụp hình vì cho rằng người này đang mặc áo dài - tức là có đầu tư trang phục.

Trong đơn gửi bảo tàng, TS Lộc kể rằng: Nhân viên bán vé khẳng định: “Người bình thường không ai mặc áo dài đi ngoài đường” và ép mua vé theo mức giá cho ê-kíp chụp ảnh chuyên nghiệp vì “đây là trang phục có đầu tư”.

TS Lộc cũng trình bày, bảo tàng có chính sách vé riêng dành cho khách tham quan bình thường và khách có nhu cầu chụp ảnh chuyên nghiệp. Xét thấy nhóm là những người tham quan bình thường, nên yêu cầu bán vé bình thường cho mỗi người trong nhóm.

Đồng thời đề xuất bảo tàng theo dõi hoạt động qua camera. Tuy nhiên, nhân viên cho rằng, nhóm sẽ lén lút chụp ảnh chuyên nghiệp - “các anh chị vào góc khuất nào đó chụp thì sao biết được”.

Trước đó, Đại Nam Hội Quán - nhóm người trẻ yêu mến văn hóa truyền thống cũng vướng phải chuyện mua thêm vé chụp ảnh khi đến Bảo tàng Thành phố Hồ Chí  Minh.

Xét cho cùng, thì đây là một câu chuyện buồn của văn hóa – đáng đặt lên bàn cân để đong đếm được – mất, hơn – thua. Nó giống với câu chuyện “hai giá” vào thập niên những năm 90, khi vé cho tây khác với vé cho ta.

Cổ phục, hay áo dài truyền thống là một nét văn hóa đã và đang được ngành văn hóa và các địa phương khuyến khích nhằm nêu cao ý thức tự tôn. Nét áo dài cũng đang được trình diễn tại Triển lãm Thế giới tại Dubai, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới.

Thế nhưng nghịch lý là ở đây, mặc cổ phục áo dài lại bị cho là “trang phục có đầu tư” với mục đích chụp ảnh để phải mua thêm vé và mất thêm tiền. Thế thì Việt Nam sẽ quảng bá văn hóa thế nào, tôn vinh cổ phục, áo dài truyền thống ra sao?

Trong thời đại số, kể cả việc mặc trang phục truyền thống để chụp ảnh thì bảo tàng cũng không nên có “vé riêng”. Sự lan tỏa từ các bộ ảnh cổ phục là một trong những yếu tố truyền thông để ngày càng nhiều người hướng về cội nguồn, tôn vinh văn hóa dân tộc.

Nếu còn coi áo dài là văn hóa, nếu còn cần tôn vinh trang phục truyền thống – thì có lẽ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch  nên làm việc với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí  Minh, cũng như các đơn vị văn hóa trên toàn quốc về vấn đề này.

Nếu đã có sự khác biệt giữa trang phục bình thường và trang phục truyền thống, tại sao không ưu ái miễn phí vé tham quan lẫn vé chụp ảnh cho những người có công lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc?

Họ đã bỏ tiền “đầu tư” cho văn hóa, mà còn bắt trang phục truyền thống phải chịu “sưu cao thuế nặng”. Thế thì thà bỏ truyền thống, mặc thường phục cho bớt nhiễu nhương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.