Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện được những bộ trang phục thì đó không phải là điều dễ dàng.
Nhiều tranh luận về trang phục
Trang phục trong phim cổ trang đóng vai trò rất quan trọng bởi nó chính là cách tạo hình nhân vật. Nếu trước đây, trong điều kiện thiếu thốn, các nhà làm phim đành phải mượn hoặc thuê trang phục của các đoàn cải lương, thì hiện nay các đoàn làm phim đều đã đầu tư hẳn một ê-kíp chuyên lo khâu trang phục.
Thậm chí có nhiều đoàn làm phim dành hẳn một khoản kinh phí lớn cho việc thuê thiết kế phục dựng trang phục sao cho thật gần với hoàn cảnh ra đời của bộ phim, nhưng vẫn thỏa mãn tiêu chí thẩm mĩ. Tuy nhiên không phải lúc nào sự đầu tư tốn kém này cũng mang lại những thành công như mong đợi.
Nhớ lại cách đây không lâu, để chào mừng 1.000 năm Thăng Long, bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã được đầu tư với kinh phí lớn. Tuy nhiên cũng vì vấn đề sử dụng trang phục không thuần Việt quá giống Trung Quốc nên bộ phim này bị hủy chiếu. Đó là điều mà những nhà sản xuất phải ngẫm nghĩ.
Là một đạo diễn chỉn chu, vững tay nhưng trong Thiên mệnh anh hùng, trang phục của Tuyên tử Thái hậu do diễn viên Vân Trang thủ vai vẫn bị đánh giá là quá cầu kỳ khá giống với các vị hoàng hậu Trung Quốc.
Tuy nhiên, phim cũng xuất hiện nhiều bộ phục trang thuần Việt như trang phục của Hoa Xuân (Midu đóng) hay Hoa Hạ (Kim Hiền thủ vai).
Với những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thì các họa tiết hoa văn của người Việt đều có những nét khác biệt không giống với các họa tiết trên sắc phục của người Trung Quốc.
Ngay cả đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một trong những đạo diễn chắc tay của điện ảnh Việt, cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề lựa chọn trang phục cho diễn viên thế nào cho phù hợp khi thực hiện bộ phim Mỹ nhân kế.
Tiêu chí mà vị đạo diễn này đưa ra với nhà thiết kế trang phục là tạo hình đẹp, giống phim kiếm hiệp và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Cuối cùng thì 200 bộ trang phục được hoàn thành hợp ý của đạo diễn và phù hợp với tính cách riêng của 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị, Liễu Thị. Song có điều là phục trang phim Mỹ nhân kế vẫn bị chê về mức độ hở hang, gợi cảm quá đà chưa phù hợp với thẩm mĩ của người Á Đông.
Cân nhắc khi sáng tạo thiết kế
Mới ra mắt không lâu, bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng là bộ phim giành được nhiều quan tâm của khán giả. Một trong những yếu tố tạo nên thành công của phim đó là đạo diễn Ngô Thanh Vân đã đầu tư kinh phí và tâm huyết cho việc thiết kế và lựa chọn trang phục.
Đây là phim giả tưởng cổ tích nên mang đậm màu sắc huyền thoại, vì vậy các chuyên gia thiết kế có thể thỏa sức bay bổng sáng tạo. Tuy nhiên không vì thế mà việc thiết kế các trang phục dễ dàng.
Quá trình thiết kế đã kéo dài khoảng 4 tháng từ việc nghiên cứu trang phục của các triều đại xưa qua tài liệu lịch sử cộng thêm sự cố vấn các chuyên gia.
Theo yêu cầu của đạo diễn Ngô Thanh Vân, các trang phục cần đảm bảo kiểu dáng thiết kế, chất liệu và các chi tiết phải thật hòa hợp. Việc dung hòa yếu tố truyền thống nhưng mới mẻ, phá cách, sáng tạo hiện đại nhưng vẫn hài hòa, không quá lố được xem là công đoạn khó nhất.
Trong phim, Tấm và Cám là 2 nhân vật làm khó ê-kíp thực hiện phục trang nhất. Sau hàng ngàn bản vẽ, tạo hình, ê-kíp thống nhất tạo hình của họ phải phù hợp tiêu chí bám theo trang phục của phụ nữ Việt xưa và nay, nhưng vẫn mang màu sắc điện ảnh giả tưởng, tiết chế tối đa các tiểu tiết không phù hợp, không rườm rà và lòe loẹt. Chất liệu phải sang trọng và tạo cảm giác thoải mái cho diễn viên suốt nhiều tháng đóng cùng phục trang đó.
Rõ ràng để có được những trang phục đẹp trong mỗi bộ phim không chỉ dựa vào đặc điểm lịch sử mà bộ phim muốn thể hiện mà còn rất cần sự sáng tạo trong vấn đề nghiên cứu nét văn hóa của mỗi thời đại cũng như tiêu chí về loại hình mà bộ phim được lựa chọn.