Trang mới của người dân Thượng Thành - Huế sau ‘cuộc di dân lịch sử’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuộc sống của người dân khu vực Thượng Thành - Huế đã bước sang một trang mới sau "cuộc di dân lịch sử" qua khu tái định cư.

Trường Mầm non Hoa Mai đang được xây dựng để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
Trường Mầm non Hoa Mai đang được xây dựng để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Cuộc di dân lịch sử

Năm 2019, một cuộc di dân lịch sử đã diễn ra tại khu vực Thượng Thành, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hàng nghìn hộ dân đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế di dời khỏi khu vực Thượng Thành để chuyển ra khu vực tái định cư phường Hương Sơ và phường An Hòa (phía Bắc TP Huế) nhằm mục đích trùng tu, bảo tồn di tích kinh thành Huế.

Quần thể Di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Khu vực Thượng Thành, Eo Bầu cùng các di tích thuộc khu vực kinh thành Huế là nơi cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, hàng chục năm qua, hàng nghìn hộ dân đã di chuyển đến và xây dựng những căn nhà dọc khu vực Thượng Thành, Eo Bầu để sinh sống.

Vì vậy, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời những hộ dân sinh sống ở khu vực trên để bảo tồn, trùng tu lại di tích nhằm trả lại vẻ tự nhiên vốn có của những di tích này.

Đa số những hộ dân sống tại khu vực Thượng Thành là lao động nghèo, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Trước khi di dời ra nơi ở mới, gia đình tôi sinh sống tại số 2/64 đường Xuân 68 thuộc khu vực Thượng Thành từ năm 1989. Cuộc sống cũng khó khăn. Tôi làm nghề thợ hồ cũng rất vất vả lo toan cho cuộc sống gia đình.

May sao năm 2019, chính quyền tiến hành di dời để bây giờ gia đình tôi cũng có cuộc sống tốt hơn”, ông Nguyễn Mị (64 tuổi, trú tại khu tái định cư, phường Hương Sơ) cho biết.

Cũng giống như gia đình ông Mị, bà Nguyễn Thị Lạc (72 tuổi, trú tại khu tái định cư, phường Hương Sơ) trước đây cũng sinh sống ở khu vực Thượng Thành. Vợ chồng bà Lạc dựng căn nhà tạm bợ mưu sinh suốt hơn 30 năm qua cho đến khi đến nơi ở mới.

“Tôi nhà ở số 3 đường Xuân 68, lúc trước tôi cũng đi giặt quần áo thuê cho người ta và ai thuê gì làm đó, nhà tôi cũng nằm trong danh sách hộ nghèo của phường. Nhà cũ tạm bợ, trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng bức, cuộc sống rất vất vả. Năm 2019, chính quyền tổ chức di dân, nhà tôi tiên phong bàn giao đất sớm rồi di chuyển ra khu tái định cư sinh sống cho đến nay”, bà Lạc nói.

Việc di dời dân cư khu vực 1, kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2019 - 2021) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 3.467 hộ dân; giai đoạn 2 (2022 - 2025) hoàn thành di dời, xây dựng khu tái định cư cho trên 1.950 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỉ đồng (GPMB là 2.735 tỉ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỉ đồng).

Khu tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế) với những ngôi nhà khang trang, rộng rãi trên diện tích đất được cấp từ 60 - 100m2.

Khu tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế) với những ngôi nhà khang trang, rộng rãi trên diện tích đất được cấp từ 60 - 100m2.

Cuộc sống của người dân sang "trang mới" khi chuyển về khu tái định cư sinh sống.

Cuộc sống của người dân sang "trang mới" khi chuyển về khu tái định cư sinh sống.

Niềm vui khi có nhà mới sau khi di dời ra khu tái định cư của bà Nguyễn Thị Lạc.

Niềm vui khi có nhà mới sau khi di dời ra khu tái định cư của bà Nguyễn Thị Lạc.

Vỡ oà trong niềm vui

Hơn 3 năm qua, khu tái định cư phường Hương Sơ và phường An Hòa thuộc khu vực phía Bắc TP Huế, nơi mà những hộ dân đến đây sinh sống sau khi rời khỏi khu vực di tích, tràn ngập tiếng cười nói của người lớn, trẻ em.

Niềm vui hiện lên khuôn mặt rạng rỡ của những người dân khi có được một cuộc sống mới khá giả hơn.

Bà Lê Thị Ánh Vân (43 tuổi) chia sẻ: “Lúc trước nhà tôi ở số 56 đường Xuân 68, từ năm 2019 bắt đầu chuyển về đây sinh sống. Trước kia tôi làm nghề nấu cỗ đám cưới thuê. Cuộc sống gia đình rất vất vả. Sống trên đất di tích nên cũng không có sổ đỏ.

Từ khi được chuyển ra đây, chúng tôi đã có được một căn nhà mới khang trang, rộng rãi và thoáng mát hơn, con cái có điều kiện học tập tốt hơn. Tôi đã mở được một quán tạp hóa để buôn bán, vừa ở nhà chăm sóc gia đình, vừa kinh doanh nên cuộc sống cũng cải thiện lên nhiều”.

Tại khu vực tái định cư phường Hương Sơ (TP Huế), người dân sẽ được cấp đất và dùng số tiền đền bù giải tỏa để xây dựng những ngôi nhà mới.

Bà Lê Thị Vui (50 tuổi) làm nghề bán vé số, mừng vui chia sẻ: “Từ lúc ra đây sinh sống, cuộc sống chúng cũng đỡ vất vả. Chồng tôi mới mất, giờ chỉ còn 3 mẹ con nương tựa nhau.

May sao chúng tôi cũng đã được ổn định chỗ ở, nếu không không biết 3 mẹ con chúng tôi giờ như thế nào nữa. Thực sự cảm ơn chính quyền đã cấp đất để gia đình tôi xây nhà và có được chỗ ở rộng rãi, thoải mái”.

Trẻ em có không gian vui chơi, nô đùa.

Trẻ em có không gian vui chơi, nô đùa.

Công viên Thượng Thành là nơi để người dân thư giãn, sinh hoạt.

Công viên Thượng Thành là nơi để người dân thư giãn, sinh hoạt.

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Lê Kim Nam, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, TP Huế cho biết, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ cho người dân khi ra khu vực tái định cư thuộc địa phận của địa phương quản lý.

Đơn cử như thành lập tổ hỗ trợ làm hồ sơ đăng ký sử dụng điện, nước; lực lượng quản lý đô thị phường cũng đã tới tận nơi để hướng dẫn cho người dân lắp điện.

Đối với việc học tập của học sinh, tùy theo nguyện vọng của mỗi gia đình muốn học ở trường học cũ trước lúc di dân hay muốn học ở trường mới trên địa bàn phường thì phường vẫn tiếp nhận, hỗ trợ cho người dân.

“Người dân có nhu cầu học nghề, chúng tôi sẽ tiếp nhận và hướng dẫn, rồi gửi đến các trung tâm đào tạo nghề. Những người chưa có việc làm, mong muốn tìm việc, phường cũng sẽ liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐTB&XH tỉnh, hay các nhà máy, công ty của khu công nghiệp An Hòa (TP Huế) để tạo việc làm tốt nhất.

Chúng tôi có chính sách cho những hộ nghèo, cận nghèo đó là thành lập một tổ hỗ trợ vay vốn cho các hộ để làm ăn, kinh doanh phấn đấu thoát nghèo với số vốn 50 triệu đồng/hộ”, ông Nam thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.