Trần Tuyết Hàn “xuyên không” về Hành trình Đông A

GD&TĐ - Cô gái họ Trần, 24 tuổi đam mê sử học, thích vẽ và thích viết đã có hành trình “xuyên không” về thời đại nhà Trần với hào khí Đông A rực rỡ 8 thế kỉ trước.

Tác giả Trần Tuyết Hàn sinh năm 1996.
Tác giả Trần Tuyết Hàn sinh năm 1996.

Tất cả ý niệm được Trần Tuyết Hàn gửi gắm trong tác phẩm Artbook mang tên “Hành trình Đông A”, vừa ra mắt với mong muốn mang đến cho độc giả góc nhìn mới mẻ về lịch sử dân tộc.

“Xuyên không” quay về quá khứ

“Hành trình Đông A” bắt đầu từ khoảnh khắc giao thừa, với một bảo vật từ đời Trần được lưu truyền trong Trần tộc. Cô bé Trần Đông A được ông nội gọi đến và cho biết mình là hậu duệ đời thứ 40 của Trần tộc. Ông trao lại cho cô bé một sợi dây chuyền mặt chạm rồng.

Trong lễ hội khai ấn đền Trần vào dịp đầu năm, năng lực huyền bí của mặt dây chuyền được kích hoạt. Hình rồng xoay chuyển, phá vỡ không gian và thời gian hiện đại và đưa cô gái Trần Đông A trở về quá khứ cách đây gần 800 năm.

Đây chính là nút mở, cũng là một cao trào trong tình tiết truyện tạo nên sự lôi cuốn thần kỳ mà Trần Tuyết Hàn đã phải rất dụng công. Một hành trình thú vị, Trần Đông A được các chú cá dẫn đường. Hình tượng cá được Trần Tuyết Hàn chọn lựa vì cô cho rằng, xuất thân của nhà Trần bắt đầu từ nghề đánh cá.

Trần Đông A chứng kiến một cô gái trẻ tháo mũ Bình Thiên đang đội trên đầu, trao cho một chàng trai trạc tuổi. Cô gái đó chính là Lý Chiêu Hoàng, đang nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh - đánh dấu sự ra đời của triều đại nhà Trần.

“Xuyên không” về 800 năm trước, hội nghị Diên Hồng nóng rực giữa bầu khí chống giặc. Cô gái gặp danh tướng Trần Hưng Đạo, xem các trận đánh nổi tiếng Đông Bộ Đầu, Bình Lệ Nguyên, Bạch Đằng. Lịch sử thời Trần cứ thế hiện ra, không nặng nề về ngày tháng và số liệu, nhưng luôn đan cài giữa yếu tố chân thực và huyền ảo.

Artbook “Hành trình Đông A” mà Trần Tuyết Hàn thể hiện mang rõ nét hoài niệm lịch sử của một người trẻ tuổi. Khát khao hoài niệm ấy được dây chuyền chạm rồng cho quay trở về quá khứ, là cơ hội “chứng thực” những thời khắc có thật, đầy huy hoàng và rực rỡ của thời đại nhà Trần.

Những ghi chú ngắn gọn, những bức vẽ cuồn cuộn màu thời gian với đủ áo mũ cân đai thời đại, đủ sắc khí hừng hực của những bô lão Diên Hồng.

Những nét văn hoá phong tục đặc trưng hiện hình trong bối cảnh lịch sử, cùng những người anh hùng đầy khí chất đã tạo ra những mảng miếng cho một tác phẩm Artbook.

Artbook thường được dùng kỹ thuật vẽ màu nước, nhưng “Hành trình Đông A” mà Trần Tuyết Hàn thể hiện sử dụng kỹ thuật nét vẽ tranh khắc gỗ, với hai màu trắng đen chủ đạo. Điều này chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc tính đối ứng lịch sử và thị giác nghệ thuật đối với dòng tranh lịch sử minh họa.

Hình ảnh Trần Hưng Đạo và Huyền Trân công chúa trong “Hành trình Đông A”.
 
Hình ảnh Trần Hưng Đạo và Huyền Trân công chúa trong “Hành trình Đông A”.

Đánh thức tình yêu lịch sử

“Tôi đã ấp ủ dự án viết và vẽ “Hành trình Đông A” vì tình yêu với lịch sử, với cội nguồn. Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỉ trước. Phát triển từ đồ án tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật của tôi, quyển sách này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam”. Tác giả Trần Tuyết Hàn

Chiều sâu của tác phẩm không dừng lại ở bề nổi của các sự kiện quen thuộc. Tác giả đã thực hiện cả phần lời và tranh vẽ có ý dẫn dắt người đọc về một không gian sống của người dân Đại Việt thời Trần.

Sau những cuộc chiến bi thương, nổi bật là âm hưởng thái bình và những thành tựu lao động từ bàn tay khối óc của con dân nước Việt. Thu họach chuối, tách vỏ cây dó, sản xuất giấy, cày ruộng, tát nước, bắt cá… tất cả dù chỉ là nét vẽ, nhưng thông điệp lại rất rõ ràng.

Trần Tuyết Hàn nói: “Ngày thơ ấu, mới biết cầm bút tôi thích vẽ, sau này học văn tôi lại thích viết. Khi gia đình tôi có cơ duyên sở hữu một căn nhà cổ, tôi lại say mê những họa tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc.

Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Lịch sử và văn hóa bắt đầu lôi cuốn tôi theo cách giản dị như thế”.

Tác giả Trần Tuyết Hàn tự nhận có lẽ nét vẽ tranh khắc gỗ đã được cô nhập tâm từ những ngày học ở Trường Đại học Mỹ thuật.

Hằng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, các địa danh vẻ vang suốt nghìn năm lịch sử, ngước mắt ngắm nhìn khoảng trời bình yên trên vùng đất tiền nhân đã xây dựng và gìn giữ, Trần Tuyết Hàn càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.

Tác giả khéo léo vẽ hình ảnh đàn cá bơi lội, quẫy nước khi viết đến đoạn các trận đấu lớn. Cách thể hiện đó phần nào giúp che đi khung cảnh tàn khốc của cuộc chiến tranh giữa quân Nguyên Mông và quân dân Đại Việt.

Tuy nhiên, sau khi Artbook được in ra, Tuyết Hàn lại nhớ lại những ngày cặm cụi hoàn thành đồ án tốt nghiệp, với một trong những nội dung khiến cô lo lắng nhất là tạo dựng trang phục cho các nhân vật tướng sĩ nhà Trần.

“Vì không có nhiều tài liệu để tham khảo cách tạo dựng phục trang phong cách Việt, tôi vẽ rồi đến khi ra bảo vệ đồ án vẫn bị đánh giá là trang phục giống Trung Quốc.

Cho nên khi thực hiện Artbook, một lần nữa tôi phải tìm cách để trang phục các nhân vật có nét Việt hơn”, Tuyết Hàn cho biết “Hành trình Đông A” là một cuộc chu du lịch sử mang phong cách “xuyên không” - thủ pháp cắt lớp thời gian cho nhân vật thời hiện đại quay về sống lại cùng các chuyển động trong lịch sử quá khứ.

Cuộc chu du này, nhân vật Đông A – tác giả Trần Tuyết Hàn muốn đánh thức tình yêu lịch sử ở giới trẻ - cũng là thông điệp chính mà tác phẩm Artbook thể hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ