Mộ chiến binh Hy Lạp cổ đại chứa đầy châu báu

Các nhà khảo cổ học phát hiện ngôi mộ của một chiến binh giàu có thời Đồ đồng ở Hy Lạp chứa đầy đồ vật đúc bằng vàng và đá quý nhiều màu sắc.

Mộ chiến binh Hy Lạp cổ đại chứa đầy châu báu

Theo Live Science, ngôi mộ cổ có niên đại từ năm 3.500 đến 1.500 trước Công nguyên, được nhóm nghiên cứu quốc tế, đứng đầu là các nhà khảo cổ học ở Đại học Cincinnati, Mỹ, khai quật. Trong số những đồ vật tìm thấy bên trong mộ có một thanh kiếm đồng với cán làm bằng ngà voi bọc vàng. 

Những chiếc cốc và đồ trang sức đúc bằng vàng cùng hàng trăm hạt đá quý như thạch anh tím và ngọc bích nằm rải rác xung quanh hài cốt của chiến binh Mycenae (một nền văn minh Hy Lạp cổ đại kéo dài từ năm 1600 đến 1100 trước Công nguyên). Theo các nhà khảo cổ, chủ ngôi mộ từng sống trong khu vực nay là thành phố Pylos ở bờ biển phía tây nam Hy Lạp. 

Khi nhóm nghiên cứu bắt đầu đào khu vực này từ tháng 5 năm ngoái, họ hy vọng sẽ phát hiện phần còn lại của một ngôi nhà thời Đồ đồng bình thường. "Chúng tôi đào xới ở địa điểm này bởi có ba viên đá lộ rõ trên bề mặt. 

Lúc đầu, chúng tôi mong đợi tìm thấy phần còn lại của ngôi nhà và nghĩ rằng đây là một góc nhà. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng nhận ra đó là phần bên trên những bức tường của một hầm mộ đá", Jack Davis, giáo sư khảo cổ học Hy Lạp tại Đại học Cincinnati cho biết. 

Hầm mộ của người Mycenae là những công trình chôn cất hình chữ nhật nằm sâu dưới mặt đất. Hầm mộ chiến binh này sâu khoảng 1,5 m, rộng 1,2 m và dài 2,4 m. Để thu thập tất cả đồ vật quý giá mai táng cùng người chết trong mộ, các nhà khảo cổ học đã tiến hành đào xới trong suốt hai tuần tới độ sâu một mét. Ảnh: Đại học Cincinnati.

Ngoài vũ khí bằng vàng và những hạt ngọc quý, hài cốt chiến binh được đặt giữa một loạt vật quý khác bao gồm những bức điêu khắc trên ngà voi minh họa quái vật sư tử đầu chim và cuộc chiến với sư tử. Ngôi mộ cũng chứa hàng chục phiến đá quý có nguồn gốc từ đảo Crete khắc hình các nữ thần và con vật. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực xác định thân phận của chiến binh cổ đại này. Hài cốt chiến binh có niên đại lâu hơn thời gian trị vì của vua Nestor, người từng sống trong cung điện Nestor gần nơi khai quật, khoảng 200 - 300 năm. Ảnh: Đại học Cincinnati.

"Đây không phải là ngôi mộ của vị vua huyền thoại Nestor, người lãnh đạo một đội quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy, cũng không phải mộ của cha ông, Neleus. Điều đó có nghĩa chiến binh này chắc chắn là một nhân vật quan trọng khi một phần Hy Lạp có quan hệ mật thiết với Crete, nền văn minh tiến bộ đầu tiên ở châu Âu", Shari Stocker, nhà nghiên cứu tại Khoa Phân loại thuộc Đại học Cincinnati nhận định. 

Nhiều phiến đá quý tìm thấy trong mộ cũng như một số đồ tạo tác khác cho thấy dù mang thân phận thế nào, chiến binh cổ đại có mối liên hệ với đảo Crete, quê hương của nền văn minh Minoan. 

Ngôi mộ chứa đầy châu báu có thể giúp các nhà nghiên cứu trả lời những câu hỏi quan trọng khác về lịch sử của một bộ phận Hy Lạp trong thời Đồ đồng. Những người trị vì ở cung điện Nestor từng làm chủ một khu vực rộng lớn ở phía tây Hy Lạp với 50.000 cư dân. 

Tuy nhiên, mộ chiến binh cổ đại có niên đại trước thời kỳ trị vì này, chỉ ra khu vực xung quanh bắt đầu phát triển trước khi vua Nestor xuất hiện. Cộng đồng ở khu vực này trở nên giàu có thông qua cướp bóc hay buôn bán là một trong những bí ẩn mà Davis và Stocker đang tìm lời giải. 

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.