Trăn trở vượt lối mòn: Vượt qua chính mình

GD&TĐ - Khi được giao vai trò mới, thử thách, nhiệm vụ mới trong dạy học, nhiều giáo viên không khỏi bỡ ngỡ, áp lực. Nhưng khi thấy thành quả từ việc vượt qua chính mình trong quá trình giảng dạy, họ càng có thêm động lực, quyết tâm bồi dưỡng năng lực chuyên môn. Coi đó là nhu cầu tự thân trong mỗi bài giảng, trước mỗi đối tượng học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nghiên cứu, nhận xét các bộ sách giáo khoa lớp 1 tại Trường Tiểu học Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: TG
Nghiên cứu, nhận xét các bộ sách giáo khoa lớp 1 tại Trường Tiểu học Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: TG

Trưởng thành từ vai trò mới

Trong thời gian học sinh nghỉ học đồng loạt phòng dịch Covid-19, Trường Tiểu học Hợp Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) lập Hội đồng giáo viên nghiên cứu, thảo luận SGK lớp 1 mới. Hội đồng bao gồm tổ trưởng chuyên môn, giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học và giáo viên sẽ phụ trách lớp 1 trong năm học tới.

Theo cô Trần Thị Đa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành, lần đầu tiên được giao lựa chọn SGK, giáo viên gặp khó khăn, áp lực nhất định. “Ví dụ, qua họp sơ bộ lần 1, giáo viên thấy bộ sách Cánh Diều thú vị, nhiều hình ảnh, bắt mắt, ví dụ sinh động, dễ hiểu. Nhưng riêng môn Toán và Tiếng Việt chúng tôi lại thấy bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” phù hợp với đặc điểm, tư duy học sinh của mình hơn”.

Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Đa, đổi lại từ quá trình lựa chọn sách, giáo viên chủ động hơn về kiến thức, phương pháp dạy học của mình. Bởi để chuẩn bị cho việc chọn sách, hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên được tập huấn nhiều lần, bồi dưỡng trực tuyến - trực tiếp của Bộ, Sở GD&ĐT và địa phương. Đồng thời, việc được góp ý kiến vào việc chọn SGK khiến giáo viên cảm thấy được tôn trọng, trách nhiệm lớn nhưng cùng với đó là vai trò được nâng cao hơn, thấy tự tin hơn trong công cuộc đổi mới giáo dục chung của ngành.

Là giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững nhưng thầy Nguyễn Kim Hiếu –Trường THCS Đội Cung (huyện Đô Lương, Nghệ An) không ngừng làm mới mình. Lý do đơn giản “nhiều học sinh thông minh hơn thầy, nếu không thay đổi, mình sẽ bị tụt hậu, không đáp ứng yêu cầu học sinh”, thầy Hiếu nói.

Được đào tạo chuyên ngành Toán Tin, thầy là một trong những người đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học. Với môn Toán, việc sử dụng kiến thức của Tin, các phần mềm vẽ hình để soạn giáo án có tác dụng rất tích cực trong dạy học cho học sinh.

Ví dụ phần Đại số, nhiều khi giảng một phương trình rất khó, nhưng dùng kỹ thuật không gian để thấy được sự tương giao của 2 đồ thị, học sinh sẽ biết ngay phương trình có nghiệm hay không có nghiệm. Vừa tiết kiệm được thời gian, công sức để vẽ một hình ảnh lên bảng, lại chính xác, thậm chí đỡ phần độc hại cho thầy và trò. 

Với kinh nghiệm soạn giáo án điện tử từ trước, thời điểm này, việc dạy học, ôn tập trực tuyến cho học sinh của thầy Hiếu càng thuận lợi hơn. Hiệu quả thấy rõ trước mắt là học sinh yêu thích, tiếp thu tốt với đa dạng hình thức dạy học của giáo viên.

Thực tế dạy học luôn cần sự sáng tạo từ việc dạy cái gì, vận dụng hình ảnh nào cho sinh động, dễ hiểu và tùy vào từng đối tượng học sinh, từng lớp học. Về lâu dài, khi áp dụng sách giáo khoa mới, chương trình mới cả thầy và trò sẽ không bỡ ngỡ.

Nâng cao bản lĩnh, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm

Năm học 2019 – 2020, lần đầu tiên thầy Phan Hoàng Thạch (GV Trường THPT Bắc Yên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) dự thi giáo viên giỏi tỉnh môn Toán nhưng lại xuất sắc đạt thủ khoa toàn tỉnh. Kết quả này khiến thầy giáo quê lúa bất ngờ dù rất tự tin vào năng lực chuyên môn bản thân. 

“Ở phần thi thực hành, tôi bốc thăm dạy học ở một lớp bình thường, qua trò chuyện thầy trò rất vui vẻ, các em còn động viên thầy cố lên! Nhưng khi vào dạy chính thức, không được biết trước bài học, các em trở nên thụ động, thiếu tương tác khi thầy triển khai cho lớp thảo luận nhóm.

Điều này khiến tôi lo lắng, nhất là khi học sinh bỗng dưng ngại, không chịu lên thuyết trình phần làm việc của nhóm mình. Lúc đó, tôi xác định đây chính là một tình huống sư phạm và dùng “chiêu” vừa khích lệ, vừa đánh vào tâm lý thi đua, thể hiện giữa các nhóm. Sau đó, cả lớp trở nên sôi nổi, hào hứng cho đến hết tiết học. Tôi nghĩ đó có thể là điều mà ban giám khảo đã đánh giá cao ở giáo viên trong kỳ thi”, thầy Thạch kể lại.

Trong giảng dạy, thầy Phan Hoàng Thạch đồng thời phụ trách nhiều lớp học có năng lực khác nhau: Học sinh cá biệt, học sinh ở mức vừa phải và cũng có lớp học sinh giỏi, top đầu của trường. Để thầy trò luôn gần gũi, thầy luôn tìm hiểu từng hoàn cảnh, lắng nghe, chia sẻ với các em như anh em trong một gia đình. Học sinh nào yếu thì chuyên tâm phụ đạo thêm.

Sau này, khi chuyên môn đã “cứng”, nhà trường ưu tiên thầy Thạch chủ nhiệm ở lớp học sinh khá để bồi dưỡng, tạo nguồn học sinh giỏi. Nhưng thầy vẫn đề nghị được dạy thêm ở lớp yếu để có thể giúp học sinh và cũng chính là để tự rèn luyện mình, làm quen với nhiều “tình huống” sư phạm khác nhau và xử lý phù hợp. 

Ngoài dạy học, thầy Thạch còn nỗ lực trong nghiên cứu và viết sáng kiến kinh nghiệm từ thực tiễn dạy học.

Trong đó 2 đề tài “Rèn luyện tư duy Toán học cho học sinh THPT thông qua tìm hiểu những khó khăn và phân tích một số sai lầm thường gặp khi giải bài toán xác suất” (năm học 2015 - 2016) và đề tài: “Rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh THPT thông qua áp dụng phương pháp véc tơ và phương pháp tọa độ vào giải bài toán tính khoảng cách trong không gian” (năm học 2018 - 2019) được công nhận cấp tỉnh. Những sáng kiến này đều nhằm mục tiêu đầu tiên là áp dụng được cho tất cả học trò.

Chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng nhiều đối tượng học sinh. Bởi đây là đội ngũ quyết định  việc nâng cao chất lượng dạy học và triển khai sách giáo khoa mới thành công sau này. Khi được tạo điều kiện, giáo viên sẽ có động lực, tự trọng nghề nghiệp vượt qua chính bản thân mình, vượt qua khó khăn, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục. Thầy  Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ