(GD&TĐ) - Đến năm 2020 xóa mù chữ cho 1,2 triệu người - Đó là mục tiêu mà Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” đặt ra, từ đó nâng tỷ lệ người biết chữ trong cả nước lên 98%. Đây là mục tiêu không dễ dàng đạt được, nếu không có những giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ
Có dịp đi công tác ở huyện vùng cao Nguyên Bình (Cao Bằng), chúng tôi được dẫn vào thăm gia đình đôi vợ chồng người Mông còn ở tuổi trẻ nít: vợ mới 15, còn chồng vừa bước sang tuổi 16. Bằng giọng phổ thông ngọng nghịu, cô vợ cho chúng tôi biết: Em đang học dở lớp 6 thì gia đình bắt nghỉ học để lấy chồng. Dù rất thèm đi học với chúng bạn, nhưng em đành phải nghe lời bố mẹ. Bố mẹ chồng em cũng rất muốn có thêm con dâu để còn quán xuyến việc đồng áng, cơm nước cho nhà chồng. Hiện chỉ còn chồng em đang đi học.
Khi hỏi, ở nhà thế này, em có sợ quên mất cái chữ, cô bé chỉ cười không trả lời. Có lẽ, em cũng chưa ý thức được về hậu quả của việc nghỉ học, cũng chưa nghĩ đến chuyện một lúc nào đó mình quên cái chữ, quên cách làm tính thì sẽ ra sao...
Thế nhưng, đây là nỗi lo lắng, trăn trở của các nhà quản lý, các thầy cô ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa – nơi mà rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã từng đi học, nhưng do nghỉ lâu, không dùng tới cái chữ, không làm tính nên dần dần “chữ thầy trả thầy”.
Một lớp xóa mù cho đồng bào dân tộc ở Lai Châu |
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ của công cuộc “Xóa mù chữ đến năm 2020” ở nước ta là tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Nhiệm vụ này cần được triển khai thành những công việc cụ thể như biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn,...).
Bên cạnh đó, việc gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương cũng là giải pháp rất quan trọng. Đồng thời, cần tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chống mù chữ.
Các địa phương cũng cần có giải pháp củng cố bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại bằng cách tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,... tại các trung tâm học tập cộng đồng; biên soạn tài liệu chuyên đề theo Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực, trên cơ sở đó, duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, đồng thời áp dụng những kiến thức vào thực tế cuộc sống, sản xuất.
Các thư viện xã được xem là “công cụ” chống mù chữ, hạn chế tái mù hiệu quả cho người dân ở vùng sâu, vùng xa nếu các địa phương biết cách tổ chức mô hình thư viện di động thu hút người dân.
Cần tổ chức các lớp học xóa mù phù hợp với từng đối tượng |
Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù
Theo Ban chỉ đạo Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, việc đổi mới công tác quản lý, tổ chức các lớp học xóa mù được xem là giải pháp rất quan trọng để thu hút nhân dân tham gia các lớp học này. Muốn vậy, cần củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - chống mù chữ của địa phương, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần có kế hoạch phân công trách nhiệm cho những địa phương có điều kiện thuận lợi giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương còn nhiều người mù chữ.
Mặt khác, cần tăng cường công tác điều tra để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, bản vận động từng người mù chữ ra lớp học.
Đặc biệt, cần tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính. Việc vận động người mù chữ ra lớp học ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa muốn đạt hiệu quả cao cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ, cũng như tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng rất cần thiết. Cần lưu ý đổi mới Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông sau năm 2015, và hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với các vùng miền, các nhóm đối tượng.
Để công tác xóa mù đạt hiệu quả cao, cũng rất cần xây dựng chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020; quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn chống mù chữ.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ
Đây được xem là một giải pháp then chốt, bởi đội ngũ người thầy có tâm, có chất lượng cao, gần gũi và hiểu rõ từng đối tượng cần xóa mù... sẽ thu hút người dân tham gia các lớp xóa mù đông hơn. Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, cần tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ.
Với mỗi thầy cô dạy các đối tượng người học khác nhau, cần có chương trình, nội dung bồi dưỡng riêng biệt. Chẳng hạn, với những thầy cô làm công tác xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Với đội ngũ giáo viên dạy xóa mù chữ cho người khuyết tật, cần bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho họ.
Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ...
Đến năm 2020, xóa mù chữ cho 1,2 triệu người Mục tiêu đến năm 2020: - Độ tuổi 15 - 60: Xóa mù chữ cho 1.200.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 94%; xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. - Trong độ tuổi 15 - 35: Xóa mù chữ cho 350.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 99%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 96%; xóa mù chữ cho 200.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 92%. - Có 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. - Có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020. Nguồn: Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” |
NGÂN AN