Trăn trở của giảng viên nghệ thuật

GD&TĐ - Chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết về đội ngũ, chuyên gia, giảng viên, nội dung bồi dưỡng, cơ sở vật chất… là yếu tố quyết định thành công Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, cũng như triển khai dạy học các môn nghệ thuật; đồng thời là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên nghệ thuật hiện nay còn nhiều bất cập.

Giờ học nhạc của học sinh Trường tiểu học Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm
Giờ học nhạc của học sinh Trường tiểu học Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm

Bất cập về đội ngũ

PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương cho biết: Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 60 cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu với số người học đang có sự chuyển dịch. Số lượng giảng viên của các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật còn thiếu; cơ cấu độ tuổi chưa hợp lý. Số lượng giảng viên trẻ có học hàm, học vị chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng giảng viên có học hàm, học vị GS, PGS, tiến sĩ thấp so với các cơ sở đào tạo khối ngành khác.

Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có 389 cán bộ giảng viên, trong đó có 1 GS, 9 PGS, 22 tiến sĩ, 265 thạc sĩ, 10 giảng viên cao cấp và tương đương, 34 giảng viên chính và tương đương. Đối với một cơ sở giáo dục nghệ thuật mang tính đặc thù, con số này là một sự đảm bảo tin cậy cho chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, so với các trường ĐH khối ngành khác thì tỷ lệ, cơ cấu trình độ trên vẫn còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, nhiệm vụ đào tạo. 
PGS Đào Đăng Phượng chia sẻ

Cũng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, việc bố trí, sử dụng giảng viên ở nhiều cơ sở đào tạo chưa thật sự phù hợp. Còn xảy ra tình trạng thừa giảng viên, thiếu tiết dạy do số lượng sinh viên giảm. Một số giảng viên chưa được bố trí tiết giảng đúng năng lực. Áp lực của giờ dạy còn khá nặng đối với giảng viên, thời gian dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên còn hạn chế.

Đội ngũ giảng viên của các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên nghệ thuật chưa đủ mạnh, dẫn đến chất lượng đào tạo đội ngũ chưa đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của xã hội. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo chưa xây dựng được thương hiệu và uy tín.

“Hiện nay, số lượng giảng viên được đào tạo theo đúng ngành sư phạm nghệ thuật ở trình độ cao hạn chế. Phần lớn được đào tạo chuyên sâu theo các ngành nghệ thuật và học thêm chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ lý luận về phương pháp dạy học nghệ thuật. Trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ giảng viên nghệ thuật so với giảng viên các ngành nghề khác còn thấp, dẫn đến khả năng tự học, tự nghiên cứu các tài liệu nước ngoài còn hạn chế.

Hoạt động nghiên cứu và năng lực nghiên cứu khoa học so với yêu cầu, nhiệm vụ còn chưa đạt; sản phẩm nghiên cứu chưa gắn với việc thực tiễn. Việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên còn mang tính hình thức, chưa thực sự tập trung phát triển năng lực của họ.

Việc kiểm tra, đánh giá giảng viên chưa thực hiện hiệu quả, chưa đánh giá theo năng lực, vẫn còn mang tính hình thức. Đội ngũ giảng viên còn thiếu các chuyên gia đầu ngành. Việc thu hút các giảng viên có học hàm, học vị cao, có các danh hiệu về công tác, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn” – PGS Đào Đăng Phượng cho hay.

PGS.TS Đào Đăng Phượng
 PGS.TS Đào Đăng Phượng

Giải pháp phát triển

Chia sẻ giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên nghệ thuật của các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên nghệ thuật, PGS Đào Đăng Phượng nhấn mạnh việc các trường cần giải quyết đồng bộ vấn đề về số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ giảng viên. Cần bảo đảm đủ số lượng giảng viên, phù hợp với quy mô, kết hợp với nâng cao chất lượng của đội ngũ. Chất lượng đội ngũ không thể có nếu thiếu về số lượng và mất cân đối về cơ cấu đội ngũ giảng viên.

Cùng với đó, phải thực hiện tốt việc xây dựng chuẩn chức danh nghề nghiệp, phát triển đội ngũ giảng viên có đầy đủ các phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có kiến thức và năng lực sư phạm, năng lực hoạt động nghệ thuật... Đẩy mạnh việc tự rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên theo chuẩn nghề nghiệp. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên cốt cán về giáo dục nghệ thuật, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các trường phổ thông.

Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cũng cần được đặc biệt quan tâm, để qua đó nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, năng lực giảng dạy. Đồng thời, tranh thủ tối đa và phát huy khả năng của đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cần được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả thì chất lượng mới được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông.

“Để triển khai được Chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Đào tạo lại, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật trong nhà trường phổ thông là việc làm cần thiết và thể hiện vai trò quan trọng của các trường sư phạm nghệ thuật, các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật.

Việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về đội ngũ, chuyên gia, giảng viên, chương trình bồi dưỡng, cơ sở vật chất… là yếu tố quyết định đến sự thành công của các bước triển khai Chương trình GDPT mới, cũng như triển khai dạy và học các môn học nghệ thuật, đồng thời là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” PGS Đào Đăng Phượng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ