Tràn ngập niềm vui

GD&TĐ - Mến gửi lớp A thân yêu của tôi! Thời gian trôi đi nhanh thật nhanh phải không bạn?

Lớp A luôn sôi nổi, năng động. Ảnh: ĐT
Lớp A luôn sôi nổi, năng động. Ảnh: ĐT

Mến gửi lớp A thân yêu của tôi!

Thời gian trôi đi nhanh thật nhanh phải không bạn? Dù đã là năm học thứ hai được đồng hành cùng với bạn, nhưng đôi khi tôi vẫn cứ ngỡ ngày đầu tiên mới chỉ là hôm qua thôi. Trong suốt hơn một năm, bạn đã để lại thật nhiều kỉ niệm đẹp không thể bị xóa nhòa trong lòng tôi.

Hai năm học đầu tiên dưới mái Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tôi được đồng hành với bạn lớp 6E rồi 7E. Lên lớp 8, tôi may mắn được đồng hành cùng bạn khi vượt qua kì kiểm tra chất lượng cuối năm lớp 6 và 7 với số điểm tốt.

Tôi vẫn còn nhớ, vào ngày đầu tiên của năm học lớp 8, tâm trạng của tôi như quay ngược thời gian trở về hai năm trước: Ngoài một số ít các bạn lớp E năm học trước cũng được chuyển lên lớp A như tôi, thì tôi được học cùng rất nhiều bạn mới và được các thấy cô mới giảng dạy– một cảm giác xa lạ gần giống như ngày tôi mới bước vào lớp 6 vậy.

“Không biết mình có thể hòa nhập và học tập tốt ở lớp 8A không nhỉ?”, tôi đã thầm nghĩ trong lòng như thế vào ngày đầu tiên đến trường tập trung. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy thật buồn cười với chính bản thân mình khi lo lắng vu vơ như thế.

Do bạn là lớp định hướng chuyên Toán, nên đương nhiên thầy Nguyễn Đắc Thắng – người chuyên dẫn đội tuyển Toán lớp 9 của trường đi thi thành phố sẽ chủ nhiệm và dạy môn Toán. Trong suốt hơn một năm qua, thầy đã đem tới cho tôi thật nhiều bài toán khó nhưng rất thú vị.

Lời giải chúng thường chẳng bao giờ dài vượt quá một trang giấy thi, ấy vậy mà vẫn đủ sức khiến cho tôi “quay cuồng”. Bởi lẽ, những bài toán ấy được thầy chuẩn bị kĩ lưỡng, tỉ mỉ sao cho các dữ kiện trong đề bài, kể cả rất nhỏ sẽ được sử dụng tất tần tật để tìm ra chìa khóa giải bài. Chỉ cần không rà soát kĩ các dữ kiện là ngay lập tức khiến tôi bị “nốc ao”!

Không chỉ thế, thầy Thắng còn có những “tuyệt chiêu” giúp lớp học trở nên sôi nổi, vui vẻ hơn. Chẳng hạn như, thầy đã áp chế lại câu trả lời thường tình: “Con có làm gì đâu ạ” của các bạn cố tình làm việc riêng trong lớp một cách thật tài tình. Thầy đáp lại: “À, “con có làm gì đâu ạ” có nghĩa là con đang không làm bài của thầy đúng không?”, khiến bạn đó lúng túng không biết trả lời thế nào.

Nếu trả lời: “Con vẫn làm bài thầy giao mà ạ” thì sẽ mâu thuẫn với câu trả lời trên nên chỉ còn nước… “tự thú”. Dù đã được học cùng rất nhiều thầy cô, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai xử lí tình huống này một cách vừa thú vị mà lại có tính răn đe nặng như thầy.

Bên cạnh thầy Thắng, các thầy cô bộ môn khác cũng đều vừa giỏi về chuyên môn, lại vừa rất biết cách giúp học sinh cảm thấy hứng thú với môn học của mình. Chẳng hạn như, trong một tiết Giáo dục địa phương, thầy Hải giảng cho cả lớp hiểu về cách thức quân dân Hà Nội ngăn thực dân Pháp tràn vào chiếm đóng trong suốt 60 ngày đêm.

Dù đây là môn học không có sách giáo khoa hay bất kì tài liệu hỗ trợ nào khác, nhưng thầy vẫn giúp cả lớp như được quay về năm 1946 và chứng kiến những người chiến sĩ luồn qua các ngôi nhà thông nhau bằng nhiều lỗ đục để bảo vệ khu phố; hay hình ảnh anh cảm tử quân ôm bom ba càng quyết tử lao vào xe tăng địch, chặn đường tiến công của chúng thông qua những hình vẽ, sơ đồ trên bảng hay các hoạt cảnh…

Hay trong các giờ học Công nghệ, cả lớp rất sôi động và hào hứng. Chả là, trong chương trình môn Công nghệ của hai năm học lớp 6 và lớp 7, học sinh mới chỉ dừng lại ở ngưỡng tìm hiểu về các khái niệm chung của nhà ở, trang phục, các thiết bị điện, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… nên chưa có điều kiện thực hành.

Nhưng trong năm học lớp 8 và 9, tôi được tìm hiểu kĩ về các bản vẽ kĩ thuật, sơ đồ điện… do đó hầu như tiết học nào, thầy cô cũng mang những dụng cụ cần thiết như pin, điện trở, đèn LED… để cả lớp có cơ hội được tự tay mình áp dụng những kiến thức vừa học vào trong thực tiễn. Nhưng trước khi chúng tôi bước vào thực hành, thầy cô hay chiếu sơ đồ về cách lắp lên bảng rồi làm mẫu cùng những giảng giải khá dễ hiểu.

tran-ngap-niem-vui-4.jpg
Có những khi thầy trò lớp A rất 'sang chảnh'. Ảnh: MH

Cảm giác khi sản phẩm của nhóm thử nghiệm thành công đầu tiên và được thầy cô khen thật tuyệt làm sao. Thế nên, bạn nào cũng cố gắng nhiều nhất có thể cho bài thực hành của nhóm, với mong ước thật giản dị: “Mong nhóm của mình ngày hôm nay xong sớm nhất!”.

Năm học lớp 9 còn đánh dấu sự “hội ngộ” của cô Hà. Cô giảng dạy bộ môn Mĩ thuật cho cả khối lớp 6 – thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, nên cô trò chỉ có thể gặp nhau qua màn hình nhỏ của chiếc máy vi tính. Để rồi khi đại dịch qua đi, học sinh có thể đến trường bình thường, thì cô lại không giảng dạy khối lớp 7 và 8, nên thành thử ra tôi vẫn chưa có cơ hội được gặp mặt cô trực tiếp.

Chính vì vậy, tôi đã rất bất ngờ và ngỡ ngàng khi gặp lại cô vào năm học cuối cấp này. Học cùng cô, đừng mong ai đó được phép “lười” mà vẫn đòi hoàn thành bài. Nếu nộp bài vẽ quá cẩu thả – “kém hơn cả các em mẫu giáo” như cô thường nói, cô sẵn sàng từ chối chấm bài và yêu cầu làm lại. Cùng với đó, những kiến thức cô giảng dạy cũng phần nào giúp ích cho tôi khi tới Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam hay những cuộc triển lãm tranh có lưng vốn để thưởng lãm…

Không chỉ thế, thật tuyệt làm sao khi kể từ lúc được học cùng bạn, tôi có cơ hội được kết nối với nhiều bạn tốt. Từ trước tới nay, bạn luôn được coi là “lá cờ đầu” của cả khối, do đó, các bạn trong lớp cũng đều thuộc hàng “khủng” cả, nếu không phải môn Toán thì có thể là các môn khoa học khác như Vật lí, Hóa học, Tin học…

Tuy giỏi về mặt kiến thức như vậy, nhưng các bạn lại rất cởi mở, thân thiện và tốt bụng. Nếu được nhờ trợ giúp về bài tập, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình đưa ra gợi ý. Khi thầy cô vào tiết muộn, ai giỏi môn học đó sẽ thay thầy cô kiểm tra bài tập các bạn trong lớp, chữa các câu hỏi khó mà ít bạn làm được…

Trong các hoạt động của trường mà lớp tham gia, giờ đây các bác phụ huynh không còn phải lo liệu tất cả mọi việc nữa. Ban cán sự lớp rất năng động, chính vì vậy, các bạn ấy thường chủ động lên ý tưởng từ trước để cả lớp cùng thảo luận, chỉnh sửa, từ đó thống nhất kế hoạch, rồi sau cùng mới thông báo lại với các bác phụ huynh.

Còn gì tuyệt vời hơn việc được học trong một ngôi trường có những người thầy giỏi, tâm huyết và bạn bè rất cởi mở, thân thiện, năng động phải không bạn?

Với những ấn tượng bạn đã để lại, tôi vẫn luôn ước ao rằng mình sẽ được ở bên cạnh bạn mãi mãi. Nhưng thật buồn làm sao, khi hết năm học lớp 9 này, tôi sẽ phải chia tay bạn để bước lên cấp học mới – Trung học Phổ thông.

Dù thời gian ở bên nhau ngắn – chỉ gần 2 năm thôi, nhưng bạn đừng lo nhé, bởi tôi sẽ luôn luôn trân trọng những kí ức giữa tôi và bạn. Chúng sẽ luôn như là một minh chứng cho những tháng ngày Trung học Cơ sở thật tươi đẹp và vui vẻ dưới mái Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam của tôi!

Tạm biệt bạn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.