Kí ức về lớp học đầu tiên không thể nào quên

Tác phẩm "Liên" của cô giáo Mai Trâm đoạt giải Nhất cuộc thi viết về "Người học trò trong kí ức" - một cuộc thi nhân văn mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Trâm - người đoạt giải Nhất cuộc thi viết "Người học trò trong kí ức" do báo Sinh viên Việt nam tổ chức.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Trâm - người đoạt giải Nhất cuộc thi viết "Người học trò trong kí ức" do báo Sinh viên Việt nam tổ chức.

Cô giáo Mai Trâm viết về lớp học đầu tiên của cô khi còn là một sinh viên mới 19 tuổi. Đến nay, cô Trâm 34 tuổi, đã có 12 năm trong nghề nhưng vẫn không thể nào quên câu chuyện năm ấy.

 Xin đăng tải tác phẩm của cô giáo Mai Trâm:

Liên.

Khi còn là sinh viên năm nhất của một trường Sư phạm, tôi hăm hở hoà mình vào phong trào tình nguyện, mang "cái chữ" đến cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Tại miền đất lạ Suối Rao (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), lần đầu tiên tôi trở thành cô giáo.

Sau những ngày leo đồi, lội suối vận động học sinh ra lớp, tôi có mặt tại trường tiểu học Trần Phú - ngôi trường chỉ có vài phòng học cũ kỹ. Nhìn từ cửa sổ lớp học, tôi như choáng ngợp trước màu xanh hiền hoà của những đồi bắp, mía, chuối... trải dài tít tắp. Vùng quê nên thơ và thanh bình đến lạ! Bỗng có tiếng động bên ngoài cửa sổ. Một cô bé đang nhón chân nhìn vào lớp học. Tôi đến gần em, làm quen:

- "Em có đi học không? Em học lớp mấy rồi?".

Em nhìn tôi một lúc như dò xét rồi e dè đáp:

- "Dạ, Hè vô, em học lớp Hai mà mẹ kêu nghỉ!".

- "Em tên gì?"

- "Dạ, tên Liên".

- "Liên có muốn đi học tiếp không?".

Em lặng im không đáp.

Tôi trông em có vẻ "già dặn" hơn so với học sinh lớp Hai. Em mặc bộ đồ hoa cũ sờn vai, dính nhiều vệt bùn đất đã khô. Em có gương mặt bầu bĩnh, làn da ngăm ngăm, mái tóc rối lòa xòa trước trán. Thỉnh thoảng em lại cười khi nhìn các bạn nô đùa trong lớp. Tôi cầm tay Liên, thân thiện:

- "Em đi học với các bạn nhé? Nhà em ở đâu để chị đến xin ba mẹ?" (lúc này tôi vẫn xưng là chị).

- "Dạ, không!".

Tôi chưa nói hết câu, Liên đã lắc đầu, rụt tay lại, chạy vụt ra khỏi cổng, băng qua con đường nhỏ và mất hút sau đồi bắp. Tôi hết sức ngạc nhiên, cứ ngỡ em sẽ gật đầu đồng ý hoặc từ chối nhẹ nhàng hơn nhưng đằng này... Tôi cảm thấy buồn vì chưa thể thuyết phục được em.

Tôi bắt đầu giờ dạy nhưng trong đầu cứ suy nghĩ về Liên. Gần cuối buổi học, tôi chợt nhận ra Liên đứng tần ngần dưới cây bàng trước sân trường. Tôi bước về phía em, em chạy đến nắm tay tôi, rụt rè:

- "Cô ơi! Cô cho em học với!".

Tôi ngỡ ngàng nhìn em một phút! Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác được em tin tưởng, hai tiếng "cô ơi" của Liên làm tôi hạnh phúc quá! Trước mắt tôi, em không còn "nhếch nhác" như lúc nãy. Em mặc chiếc áo trắng đã ngả màu, chiếc quần xanh có vá dưới gối nhưng trông rất tươm tất.

- "Cô cho em vô học nghen cô? - Liên nhìn tôi, chờ đợi".

- "Ừ, cô sẽ dẫn em vào lớp!".

Tôi nắm tay em, hai bóng người một cao, một thấp, đi song song giữa cái nắng ban trưa. Cả hai đều im lặng, chỉ nghe tiếng lá khô lạo xạo dưới chân mình. Tôi không biết em nghĩ gì, còn tôi thì lòng tràn đầy cảm xúc khó tả. Mọi lời nói lúc đó đều vô nghĩa, tất cả nhường chỗ cho một tình cảm không lời...

Lớp học đã tan nhưng tôi vẫn nán lại dạy cho em thêm chút nữa. Lúc ra về, em vòng tay lễ phép:

- "Em cảm ơn cô!".

Tôi nhìn theo dáng em nhỏ xíu, chạy lúp xúp lọt thỏm giữa đồi bắp dưới cái nắng Hè gay gắt.

Liên rất chăm và học giỏi nhưng hay nghỉ vì phải trông các em và quán xuyến việc nhà những hôm bố mẹ đi làm rẫy xa. Cuối mỗi buổi học, Liên đều xin tôi cho bài tập nhiều nhiều để về nhà làm. Lần nọ, Liên nghỉ hai buổi liên tục, bữa sau đến lớp thì trời chuyển mưa vần vũ. Liên cứ nhìn ra cửa lẩm nhẩm gì đó. Tôi hỏi:

- "Em đang học bài thuộc lòng à?".

- "Em đang cầu trời đừng có mưa!", Liên cười hồn nhiên.

Tôi ngớ người và chợt hiểu: Mỗi lần mưa, lớp học lại dột khắp nơi, tập vở ướt, bảng cũng ướt, phải dừng buổi học. Liên sợ mưa không học được. Nhưng lời cầu mong của em ông trời không nghe thấy! Sấm chớp rồi mưa xối xả, nước từ mái ngói chảy thành giọt khắp lớp. Học sinh vội gấp sách vở, ngồi túm tụm lại với nhau. Liên đề nghị:

- "Mình che áo mưa học tiếp đi cô!".

Vừa nói em vừa lôi từ trong cái bịch "xốp" đựng tập vở ra một tấm bao nilon (được rọc ra từ chiếc bao nilon cỡ lớn - đó là chiếc áo mưa thường ngày của người dân nơi đây). Liên nắm một góc giơ lên khỏi đầu, ba em khác cầm ba góc còn lại, căng ra thành mái che những giọt nước đang ré xuống. Tôi ngỡ ngàng trước tài "ứng phó với thiên tai" của Liên. Các em còn lại, thấy vậy, cũng "che mưa" như thế. Lòng ham học ấy khiến tôi quyết định dạy tiếp bài dang dở. Buổi học hôm đó trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời đi dạy của tôi.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, buổi học cuối cùng cũng khép lại. Tôi phải chia tay các em. Liên òa khóc, nhiều em gục xuống bàn nức nở. Tôi vội quay mặt đi không dám nhìn vào mắt các em, phải khó khăn lắm tôi mới dỗ được các em và hứa rằng: "Cô về rồi sẽ trở lại thăm các em mà!". Các em mới tạm nguôi ngoai.

Trưa hôm sau, các em có mặt ở Uỷ ban Nhân dân xã để "tiễn thầy cô". Tôi dõi mắt ra cổng tìm Liên, dù biết em không thể đến được. Tôi mang hành lý ra xe, các em chạy theo bịn rịn. Tôi cố nén cảm xúc xoa đầu từng em. Bỗng có tiếng gọi từ xa: "Cô ơi..!". Tôi quay lại, Liên vứt vội chiếc xe đạp nằm chỏng chơ, chạy đến ôm chầm lấy tôi, giúi vào tay tôi một chiếc bọc, nói trong hơi thở ngắt quãng:

- "Cô cầm ổ bánh mì này mà ăn, em mua cho cô đó, sáng giờ em bận không đến được, may mà còn kịp gặp mặt cô!".

Từ lãnh đạo địa phương cho đến những người dân lân cận đến tiễn chúng tôi, không ai cầm được nước mắt. Tôi nghẹn ngào:

- "Tiền đâu mà em mua bánh cho cô?".

- "Em đi mót đậu, bán được bảy ngàn, cho mẹ hai ngàn, mua kẹo cho các em hai ngàn, còn lại em mua bánh cho cô". Mọi người nhìn nhau, không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng...

Đã 15 năm trôi qua, tính từ mùa Hè năm đó, tôi trở lại Suối Rao chỉ vẻn vẹn hai lần. Nhưng vì nhiều lý do, tôi đến vội và về cũng vội nên không có dịp tìm gặp lại Liên và các em học sinh ngày ấy. Thời gian đã khiến mọi thứ đổi thay nhiều, không biết Liên có còn sinh sống tại Suối Rao hay đã chuyển đi nơi khác? Mỗi lần nhìn tấm ảnh cũ, lòng tôi lại trào lên nỗi nhớ. Tôi vẫn còn nợ Liên và các em một lời hứa!... Ngày tôi bước lên xe, Liên còn níu tay tôi: "Cô ơi, cô đi rồi bao giờ cô trở lại?". Lúc đó, tôi không thể trả lời em! Các cô chú lãnh đạo địa phương đã phải gỡ tay Liên ra khỏi tay tôi, vỗ về: "Để cô đi đi con, mùa Hè sau cô lại về thăm con mà". "Cô sẽ trở lại chứ?" - Liên hỏi lại. Tôi nghẹn lòng, gật đầu như một lời hứa!

Xe chuyển bánh chầm chậm, trời bắt đầu mưa. Ổ bánh mì trong tay tôi mềm oặt tự lúc nào...

Mười ba năm đứng trên bục giảng, đối tượng của tôi là các em học sinh THCS. Cứ mỗi lớp học trò đi qua, đều đọng lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn. Nhưng với Liên - ấn tượng sâu đậm về người học trò đầu tiên trong trí nhớ của tôi thật đặc biệt, vẫn không thể phai nhòa. 

Tôi viết lại câu chuyện này như một lời xin lỗi Liên và các em học sinh năm xưa, về một lời hứa mà tôi chưa thực hiện được. Nếu may mắn, Liên và các em đọc được và nhận ra mình trong tấm ảnh này, đó là niềm hạnh phúc nhất của tôi. Biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra!

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ