Cẩm thụ văn học

Trần Mai Ninh: Vần thơ thắm mãi tình sông núi

GD&TĐ - Bức tranh sông núi trong bài thơ Tình sông núi vừa mang nét tả thực mỗi vùng đất ông qua nhưng vừa mang nét khái quát về đất nước.

Biển Gành Đèn - Phú Yên. Ảnh: INT
Biển Gành Đèn - Phú Yên. Ảnh: INT

Chỉ qua những nét phác họa mà người đọc đã có thể hình dung một bức tranh sông núi khá toàn diện, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình, có núi, có sông, có cây cỏ và con người.

1.

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh (1917-1947), ông sinh ra tại Thanh Hóa trong một gia đình viên chức nhỏ. Sau khi học Tú tài ở Hà Nội, Trần Mai Ninh đã tích cực hoạt động trong phong trào Dân chủ do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo thời kì 1936-1939 với công tác báo chí, xuất bản cùng những bài báo sắc sảo đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Đầu năm 1941, ông về Thanh Hóa hoạt động và bị chính quyền thực dân kết án 10 năm tù, đến tháng 3 năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp, ông đã vượt ngục tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám tại Nam Trung Bộ, sau đó tích cực hoạt động ở vùng tự do Liên khu V và bị thực dân Pháp phục kích, Trần Mai Ninh bị địch tra tấn đến chết vào năm 1947 khi vừa tròn 30 tuổi.

Nhắc tới Trần Mai Ninh là nghĩ tới một người nghệ sĩ, chiến sĩ đa tài, chỉ với hơn mười năm cầm bút sáng tác trong điều kiện cách mạng khó khăn, nguy hiểm nhưng ông đã để lại một di sản đáng nể: Nhớ máu (thơ), Tình sông núi (thơ), Thằng Tuất (truyện vừa, 1939), Trừ họa (truyện ngắn, 1941), Ngơ ngác (truyện dài, 1941), Sống đã rồi viết văn (tiểu luận, 1944), Thơ văn Trần Mai Ninh (tuyển tập, 1980) cùng hàng trăm bài báo và tranh minh họa, cổ động.

Ngay từ năm 1944, Trần Mai Ninh đã có tác phẩm mang tính “nhận đường” Sống đã rồi viết văn để xác định trách nhiệm người cầm bút trong phong trào cách mạng sôi sục lúc bấy giờ: “Một nhà văn muốn sáng tác cho thực có giá trị trong suốt cả một đời, điều quan hệ nhất, là suốt cả một đời, nhà văn ấy phải học, học ở nơi trang sách của đồng loại, và nhất là học ngay bằng máu thịt của mình tung ra giữa trời hoạt động, trong một sự sống ngang tàng, chăm chỉ, không dừng một phút”.

Nhắc tới Trần Mai Ninh là nhắc tới nhà thơ có đóng góp đáng kể cho thơ ca giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với những tác phẩm tiêu biểu như Nhớ máu, Tình sông núi. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đưa vài cảm nhận về bài thơ Tình sông núi, thi phẩm được đưa vào SGK Ngữ văn 9, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

van-tho-tham-mai-tinh-song-nui-2-9816-4139.jpg
Nhà thơ Trần Mai Ninh - ảnh chụp tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) ngày 31/7/1939.

2.

Về thời điểm ra đời bài thơ Tình sông núi, đến nay vẫn chưa biết sáng tác cụ thể vào thời gian nào nhưng theo nhiều nghiên cứu nhận định bài thơ ra đời sau 1945 và trước khi bị sát hại trong tù năm 1947.

Thời gian này Trần Mai Ninh đi lại nhiều lần qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ông được tổ chức phân công vào Khánh Hòa theo tàu đường biển và bị bắt ở ngoài khơi vùng Hòn Hèo (thuộc Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Như vậy có thể khẳng định bài thơ ra đời ở vùng Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, trước khi ông vào Khánh Hòa. Nhan đề bài thơ đã đem đến cho người đọc những liên tưởng về núi sông quê hương đất nước cùng những vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình để mỗi người thêm gắn bó với quê hương, đất nước.

Bức tranh sông núi trong bài thơ vừa mang nét tả thực mỗi vùng đất ông qua nhưng vừa mang nét khái quát về đất nước. Chỉ qua những nét phác họa mà người đọc đã có thể hình dung một bức tranh sông núi khá toàn diện, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, trữ tình, có núi, có sông, có cây cỏ và con người.

Mỗi con sông, ngọn núi, mỗi tên đất, tên làng đi vào thơ Trần Mai Ninh như một nét chạm công phu, tinh xảo và đầy ấn tượng, khi là ấn tượng bờ xe nước, khi trăng nghiêng, lúc trăng mờ, khi nắng bột, khi núi cao vút, khi cát phẳng lì…

Mỗi hình ảnh đều mang sức gợi rất lớn, trở thành những ấn tượng khó phai về mỗi miền đất khi đặt chân tới, chỉ hơn hai mươi dòng thơ ngắn, nhà thơ đã phác họa cảnh quan sông núi trải dài từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, trong đó dành nhiều hơn để nói về Bình Định:

Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc...

Mây lồng và nước réo

Nắng bột chen dừa Tam Quan

Gió buồn uốn éo

Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ

Mờ soi Bình Ðịnh trăng mờ

Phú Phong rộng

Phù Cát lỳ

An Khê cao vun vút

Mỗi địa danh nhắc đến như gắn với bao kỷ niệm, bao nỗi nhớ của người chiến sỹ từng gắn bó với vùng đất ấy. Kỷ niệm này gợi kỷ niệm kia, mạch nhớ thương không ngừng tuôn chảy, nào Trà Khúc, Tam Quan, Phú Phong, Phù Cát, Sông Cầu, Vũng Lấm, Tuy Hòa, Nha Trang, Diên Khánh… Cả dải đất dọc dài miền Nam Trung Bộ giàu trầm tích văn hóa, lấp lánh những vẻ đẹp khó phai mờ với núi sông, rừng biển tô đẹp thêm cho đất nước:

Giá lạnh - Rừng buồn

Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây

Gặp sông Cầu khó rời tay!

Sông Cầu của đất nước này là duyên

Vũng Lấm dăm lá thuyền

Nhiều dừa che ít mái tranh

Vừa đẹp - vừa lành

Hỏi ai tới đó sao đành lòng đi?

Tuy Hoà ngang dọc ngõ

Dậy sáng - dịu màu tươi

Nha Trang đẹp

Diên Khánh xanh um

Đoạn thơ mở đầu với hình thức thơ tự do, nhịp điệu vui tươi, khỏe khoắn cùng cách nhìn cảnh vật mới lạ đem lại một điệu tâm hồn riêng của thơ ca giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân từng nhận định: “Phải trở lại phong trào thơ những năm đầu cách mạng mới thấy hết giá trị của những vần thơ này.

Hai năm đầu của chế độ mới, văn học chưa kịp chuyển với tình hình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Phong trào sáng tác thơ rộng rãi nhưng hời hợt, không đều. Nhiều nhà thơ còn im lặng. Có nhà thơ đã vươn tới nhận thức của cách mạng, nhưng còn mang nặng quan điểm siêu hình, tôn giáo, những rơi rớt tiêu cực. Thơ Trần Mai Ninh bắt nguồn từ thực tế đấu tranh cách mạng, hòa vào dòng thác cách mạng, say sưa, khỏe khoắn, mới lạ”.

van-tho-tham-mai-tinh-song-nui-1-9994-2845.jpg
Đèo An Khê (Bình Định). Ảnh: INT

3.

Sau khi cảm nhận vẻ đẹp núi sông, Trần Mai Ninh trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của mình về cuộc sống yên bình, về vẻ giàu đẹp của đất nước. Nhà thơ lim dim cặp mắt để say sưa với núi sông, đồng ruộng trên dọc dài Đất nước, đoạn thơ đem đến ấn tượng về những cánh đồng lúa xanh trải dài, những ngọn núi cao liên tiếp, những nương rẫy bắp khoai nối tiếp nhau, những dòng sông xanh thẳm, vạn chài, gầu nước, thoi đưa… Tất cả hiện hữu và hài hòa của một cuộc sống đời thường, tình yêu đất nước bắt đầu từ tình yêu những gì bình dị, gần gũi hằng ngày trong mỗi chúng ta.

... Tôi lim dim cặp mắt

Không thấy nơi nào không đẹp

Không giàu

Lúa xanh như biển rộng

Núi vươn cao khắp các sườn đèo

Rẫy đè lên rẫy

Bắp và khoai tiếp bắp và khoai...

Mấy sông là mấy vạn chài

Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang...

Gầu nước gieo vàng

Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng

4.

Tình yêu Tổ quốc là tình yêu lớn nhất, đó là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt của thi phẩm Tình sông núi. Trần Mai Ninh đã từ những suy nghĩ, cảm nhận về tinh thần dân tộc để từ đó xác lập chỗ đứng của mình. Một dân tộc cần cù lao động, từ gian khổ thiếu thốn nhưng luôn biết chung tay xây dựng, đoàn kết đấu tranh. Cá nhân và cộng đồng cùng chung niềm vui, cùng chung nỗi căm hờn, khi có giặc tất cả cùng đứng lên đánh đuổi kẻ thù, nói bằng súng, bằng gươm để giành độc lập, tự do.

Đoạn thơ cuối bài, nhà thơ giành ba câu hỏi tu từ cùng phép điệp để nhấn mạnh mối tình đẹp nhất trong mỗi con người đó là tình yêu Tổ quốc. Tình yêu ấy xác lập cho nhà thơ - chiến sỹ Trần Mai Ninh tâm thế, khí thế chiến đấu hừng hực, một dòng máu sôi sục đấu tranh với kẻ thù, để ông sẵn sàng vào những vùng nguy hiểm trong cuộc chiến.

Tác giả Trần Đăng cho rằng: “Ông đã thổi vào thơ ca những năm sau Cách mạng tháng Tám một luồng gió mới: Không chịu ràng buộc với cách diễn đạt màu mè trau chuốt mà tung hứng theo cảm xúc tràn chảy của nhà thơ. Ngay cả tình cảm của thi nhân dành cho đất nước mình lúc đang có giặc cũng được diễn đạt bằng một hàm lượng chữ nghĩa khác trước”. Quả đúng như vậy, Tình sông núi đã thể hiện một luồng gió mới, một cách thể hiện mới:

Dân tộc mồ hôi thấm đất

Bắp căng như đồng

Tay ghì cán cuốc

Tay ghì tay xe

Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Ăn sâu lòng đất thấm lòng người

- Ðượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi

- Khi vui non nước cùng cười

Khi căm non nước với người đứng lên!

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền

Có mối tình nào hơn thế nữa?

Trộn hoà lao động với giang sơn

Có mối tình nào hơn Tổ quốc?

Trong bài thơ “Nhớ máu” viết cuối năm 1946 khi ông vào chiến đấu trong chiến trường Nha Trang - Khánh Hòa cũng có những câu thơ đầy sôi sục: Còn mấy bước nữa tới Nha Trang/ A, gần lắm!/ Ta gần máu,/ Ta gần người,/ Ta gần quyết liệt.../ Mắt ta căng lên/ Cả mặt/ Cả người,/ Cả hồn ta sát tới...

5.

Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn đan xen, nhịp điệu linh hoạt theo mạch cảm xúc của nhà thơ khi sâu lắng, trữ tình khi căm thù sôi sục. Từ ngữ, hình ảnh có nhiều sáng tạo mới lạ, sử dụng nhiều tính từ, động từ khi miêu tả cụ thể. Thành công khi sử dụng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, liệt kê, phép điệp cùng nhiều câu hỏi tu từ góp phần nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc là lớn nhất, thiêng liêng nhất.

Có thể nói bài thơ Tình sông núi của Trần Mai Ninh cùng với Đèo Cả của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm lấp lánh những vẻ đẹp riêng của tình yêu quê hương, đất nước của thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Gần tám mươi năm đã trôi qua nhưng bài thơ Tình sông núi vẫn đọng lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Để khép lại bài viết, tôi xin mượn nhận định của nhà nghiên cứu Mã Giang Lân: “Suốt cuộc đời sống, chiến đấu, viết và vẽ, người chiến sĩ - nghệ sĩ Trần Mai Ninh không lúc nào ngừng nghỉ. Khi cầm bút chiến đấu công khai trên mặt trận báo chí, khi cầm súng ở chiến khu Ngọc Trạo, khi bị tù đày ở các nhà lao, Trần Mai Ninh là một tấm gương sáng, một nghị lực viết phi thường, là một huyền thoại.

Xung quanh ông còn nhiều chuyện chưa kể, còn nhiều tác phẩm vẫn lẩn khuất đâu đó. Chỉ mười năm cầm bút và cầm súng ông để lại một di sản tinh thần quý giá cho chúng ta và nhiều thế hệ mai sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...