Nhưng đô cử người Đà Nẵng không thể vui bởi đây là tấm huy chương của 9 năm trước. Cuộc đời và sự nghiệp của anh đã rẽ theo hướng khác. Vinh quang giờ chỉ còn là nỗi đắng cay của số phận!
Nỗi buồn sâu thẳm
Ngày 26/11/2020, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo đô cử Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam sẽ được trao HCĐ cử tạ nội dung 56kg tại Olympic 2012. Tại kỳ Thế vận hội diễn ra ở London (Anh), đô cử Việt Nam chỉ về thứ tư nhưng VĐV về thứ ba người Azerbaijan - Valentin Hristov sau đó đã bị phát hiện dương tính với doping và bị tước huy chương. IOC theo điều lệ đôn Toàn lên nhận huy chương đồng.
Lãnh đạo ngành Thể thao vui mừng trước quyết định của IOC. Thành tích của thể thao Việt Nam ở sân chơi Olympic có thêm tấm huy chương danh giá. Nhưng với Quốc Toàn, anh đón nhận trong trạng thái thất vọng pha lẫn đắng cay.
“Tôi nghe nói mình được đôn lên nhận tấm HCĐ mấy năm nay rồi. Nếu có nó từ 8 năm trước thì thật sự rất vui, tuyệt vời luôn. Còn bây giờ, chỉ là kỷ niệm, ghi ơn các thầy đã chỉ bảo cho tôi chứ không còn niềm vui nữa”, đô cử sinh năm 1989 chia sẻ.
Tại Lễ xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 vào ngày 18/7, Quốc Toàn chính thức nhận HCĐ Thế vận hội 2012. “Cũ người mới ta”! Dòng chia sẻ ngắn ngủi của Quốc Toàn cùng lời chúc đoàn thể thao Việt Nam thành công ở Olympic 2020 trên trang cá nhân của anh thực sự khiến những người trong cuộc đau lòng.
Nếu tấm Huy chương này đến vào 9 năm trước, nó sẽ thay đổi số phận và sự nghiệp của Toàn. Nhưng trớ trêu, vinh quang giờ chỉ là sự hoài niệm, nuối tiếc cho một tài năng của thể thao Việt Nam.
Giai đoạn 2011, 2012 là thời điểm Quốc Toàn thăng hoa nhất. Khi ấy, chức vô địch quốc gia, HCV SEA Games 2011 rồi một suất đi Olympic 2012 đều được anh giành được khá dễ dàng. Quốc Toàn trở thành niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam trong việc tranh chấp huy chương tại Olympic London 2012.
Thế nhưng, đô cử Việt Nam thất bại theo kịch bản khó ngờ mà theo màu sắc tâm linh, sự đen bạc, cay nghiệt của số phận giáng xuống anh đúng vào thời điểm quyết định, cuộc đời nở hoa hay bế tắc? Toàn đã rơi vào bế tắc!
Trước ngày lên đường sang Anh, giới chuyên môn đánh giá khả năng cao Quốc Toàn sẽ có huy chương bởi thành tích của anh ở hạng 56kg luôn nằm trong top 3 và hơn người xếp thứ tư Valentin Hristov khoảng cách “không thể với tới” là 20kg.
Tuy nhiên, đô cử Việt Nam đã thất bại trước Valentin Hristov. Đoàn thể thao Việt Nam “trắng tay”. Thay vì có thể đón nhận vinh quang cùng những khoản thưởng hậu hĩnh, Quốc Toàn trở về với nỗi thất vọng lớn.
Vào thời điểm đó, không ai dám nghĩ sự xuất thần của Valentin Hristov là do sử dụng chất cấm. Theo các chuyên gia Việt Nam, Quốc Toàn “đánh rơi” huy chương tại Olympic 2012 là thất bại chung của cử tạ Việt Nam. Lãnh đội cử tạ Việt Nam giải thích rằng do có sai sót trong quá trình khởi động nên Quốc Toàn đã không đạt được thành tích như ý.
Khó tin ở chỗ Quốc Toàn đã phải khởi động quá sớm. Điều này dẫn đến nguy cơ cơ bắp bị “nguội” khi lên sàn đấu, cơ thể không đạt sự hưng phấn cao nhất. Phải chăng điều đó khiến Quốc Toàn liên tiếp thất bại trong 2 động tác cử giật đầu tiên, không nâng được mức 125kg.
Trong quá trình thi đấu cử đẩy của Quốc Toàn cũng bộc lộ vấn đề từ chiến thuật, đến chỉ đạo của BHL.
Người ta không hiểu tại sao khi đô cử Valentin Hristov (hơn Quốc Toàn 2kg ở nội dung cử giật) không thành công ở mức 158kg, BHL cử tạ Việt Nam lại không nâng mức tạ đăng ký của Toàn lên 163kg hoặc 165kg cho lần 2, qua đó bắt buộc Valentin phải nâng tiếp lần 3, cũng là lần cuối. Với thời gian nghỉ ngắn ngủi, Valentin khó mà nâng thành công mức 158kg và nếu hỏng thì Quốc Toàn chỉ cần nâng thành công 159kg là đoạt HCĐ.
BHL đội tuyển cử tạ Việt Nam đã đăng ký mức tạ cho Toàn là 159kg ở lần 2. Nhờ vậy, Valentin không phải nâng tạ ngay và có thời gian hồi phục. Còn Toàn dù nâng thành công 159kg nhưng vẫn phải ngậm ngùi đứng thứ tư vì sau đó Valentin cũng nâng thành công mức 159kg.
Cay đắng hơn, ai cũng biết, HLV nội đi cùng Toàn thực ra chỉ là một phiên dịch, kinh nghiệm trận mạc gần như không có. Nếu là người có nghề hơn, hay HLV có kinh nghiệm thì HCĐ Olympic đã không trôi khỏi tầm tay Quốc Toàn.
Sau giải đấu trên đất Anh, đâu đó Toàn nghe tin mình sẽ được trao lại tấm HCĐ bởi VĐV của Azerbaijan sử dụng chất cấm. Anh khắc khoải, mòn mỏi đợi chờ để rồi anh đã quên đi mọi thứ. Tất cả chìm vào dĩ vãng.
Vậy mà sau 8 năm, IOC mới đưa đưa ra phán quyết, Quốc Toàn được trao lại tấm HCĐ Olympic London 2012. “Tôi không biết nên vui hay nên buồn. Nếu lúc đó giành được huy chương, tôi sẽ được đầu tư tốt hơn và cá nhân tôi cũng có thêm động lực, sự nghiệp có thể đã rẽ sang một hướng mới tươi sáng hơn”, tâm sự chất chứa nỗi buồn sâu thẳm của Toàn.
Thử thách kéo dài
Quốc Toàn là con thứ 3, trong gia đình có 5 anh em. Tuổi thơ của Toàn là những ngày tháng vất vả, nhọc nhằn. Ngày nào Toàn dậy rất sớm để phụ mẹ chở hàng ra chợ rồi đạp xe đi làm thuê cho một xưởng đá thạch cao ở làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Toàn luôn ý thức phải làm việc, kiếm tiền để phụ giúp mẹ và mua thuốc cho bố đang phải vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo. Những đồng tiền còm cõi nặng mùi mồ hôi mặn chát và bụi đá ấy đã hun đúc cho Toàn luôn cháy bóng khát khao vươn lên, thay đổi cuộc sống.
Khi biết tin Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng tuyển VĐV năng khiếu cử tạ, chàng phu đá nhỏ bé thuyết phục gia đình cho đăng ký. Toàn đến với cử tạ trong tâm thế trĩu nặng trách nhiệm từ gia đình nghèo khó của mình.
Vậy nên, tập luyện vất vả là thế, nhưng Toàn vẫn dành những đồng phụ cấp ít ỏi đem về chia sẻ khó khăn với gia đình, đồng thời anh còn đi làm thêm những lúc rảnh rỗi. Nhọc nhằn là thế, song Toàn vẫn không quên ước mơ thoát nghèo qua cánh cửa VĐV chuyên nghiệp.
Năm 2005, lần đầu tiên Toàn được tham dự Giải trẻ toàn quốc ở Hải Dương, bất ngờ giành HCV. Cũng trong năm đó, người cha thân yêu qua đời do không trụ nổi bệnh ung thư. Tình thương với mẹ, nỗi đau mất cha và lời hứa sẽ thay cha làm trụ cột, chăm sóc gia đình khiến Toàn đứng vững và chiến thắng số phận.
Năm 2009, Toàn vượt qua đàn anh Hoàng Anh Tuấn để lần đầu thống trị nội dung 56 kg, với tổng thành tích 258 kg. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010, Toàn giành ngôi vô địch với tổng thành tích 261 kg.
Tương lai xán lạn mở ra cho Quốc Toàn. Nhưng đúng lúc anh có thể hoàn thành khát vọng đổi đời thì cũng là lúc số phận “đùa cợt” đây cay nghiệt với Toàn.
Trách ai bây giờ? Trút cơn giận dữ lên đầu Valentin Hristov, người đã gian dối trong thể thao? Hay những tính toán sai lầm của BHL về chiến thuật? Hoặc sự chậm chạp của IOC trong việc đem lại công bằng cho Quốc Toàn? Giờ đây anh có tấm huy chương danh giá cũng như không. Có lẽ Toàn chỉ biết than thân, trách phận.
Anh quá đen đủi khi tất cả những thứ xấu xa, tồi tệ nhất đều đổ vào mình đúng thời điểm phong độ cao nhất, ở sân chơi đỉnh cao thế giới mà bất cứ tấm huy chương màu gì cũng sẽ khiến Toàn đổi đời.
Những người trong cuộc, hiểu việc không tránh khỏi rơi vào trạng thái xót xa cho Quốc Toàn. Lúc khởi nghiệp, đô cử người Đà Nẵng đã chạm ngay cái bóng quá lớn của đàn anh Hoàng Anh Tuấn. Sự có mặt của Tuấn với đỉnh cao là tấm HCB Olympic 2008 đã khiến cho chiến lược đầu tư cho Toàn sau đó không thật rõ ràng.
Không phải lúc nào Toàn cũng được đầu tư ở mức tốt nhất có thể, cho dù anh nằm trong chế độ đặc biệt và theo nhiều nhà chuyên môn, vào thời điểm đó nếu cử tạ Việt Nam có kế hoạch dài hơi, khoa học dành cho Toàn, anh có thể tranh chấp thứ hạng cao hơn.
Cuộc đời Toàn bỗng chốc rẽ sang hướng khác. Anh muốn quên đi thất bại đó, để làm lại từ đầu. Nhưng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Quốc Toàn đã không thể giành thêm HCV SEA Games, cho dù anh đều khoác áo đội tuyển cử tạ Việt Nam tham dự sân chơi khu vực vào các kỳ đại hội 2013, 2015.
Thành tích đáng kể nhất của anh là HCV giải vô địch Đông Nam Á 2015 và HCB tại Giải thế giới diễn ra tại Mỹ năm 2017. Tuy nhiên, những nỗ lực của Toàn giai đoạn 2013-2017 đã bị che mờ bởi cái Thạch Kim Tuấn, trẻ hơn, có tố chất và tài năng hơn ở hạng cân 56kg. Thời của Quốc Toàn trên sàn đấu đã hết.
Bước qua tuổi 30, qua giai đoạn đẹp nhất của đời VĐV, Toàn giờ vẫn duy trì tập luyện. Anh hiện thuộc biên chế Trung tâm Huấn luyện TDTT Đà Nẵng, vừa tập luyện vừa huấn luyện.
Toàn chỉ tập trung ở các đợt cao điểm, còn lại anh cùng vợ sinh sống tại Hà Nội, mở một phòng gym tại Đông Anh. Và sự đen bạc chưa buông tha anh. Sau giai đoạn đầu khó khăn, đến khi phòng tập tạm ổn thì cơn bão Covid-19 ập đến. Trung tâm liên tục phải đóng cửa nên thu nhập không còn. Quốc Toàn một lần nữa đối mặt với sóng gió, khó khăn.
“Cuộc sống tiếp tục muốn thử thách tôi thêm. Dẫu sao chuyện cũng đã rồi, phải chấp nhận Tôi sẽ về đóng khung tấm huy chương đặc biệt này, treo ở phòng tập” – Quốc Toàn cho biết.