Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.
Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Các nhà nghiên cứu Decker Eveleth từ tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, và Jeffery Lewis từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury sử dụng hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs chụp vào ngày 26/7, đã xác định một dự án xây dựng gần một cơ sở lưu trữ đầu đạn hạt nhân, được biết đến với 2 tên gọi là Vologda-20 và Chebsara.

Những cơ sở này nằm cách Moscow khoảng 475 km về phía Bắc. Chuyên gia Eveleth cho biết, hình ảnh cho thấy có chín bệ phóng ngang đang được xây dựng, được đặt thành ba nhóm bên trong các gờ chắn cao để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công.

Những bờ chắn này kết nối với các tòa nhà bảo trì tên lửa và khu phức hợp chứa phần chiến đấu hạt nhân. Eveleth nhận định rằng địa điểm này có thể là nơi triển khai hệ thống tên lửa mang động cơ và phần chiến đấu hạt nhân Burevestnik.

Tên lửa Burevestnik được Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi là "bất khả chiến bại" và được NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall. Tổng thống Putin tuyên bố rằng vũ khí này có tầm bắn không giới hạn và có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây.

Ngay khi được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây hoài nghi về sự tồn tại của chương trình Burevestnik. Điều này khá đơn giản vì loại vũ khí như vậy chưa từng có tiền lệ và Nga đã làm công tác bảo mật rất tốt đối với loại vũ khí cấp chiến lược này.

Cho đến khi hàng loạt thử nghiệm thành công của tên lửa Burevestnik ở vùng biển Barrent được Nga thực hiện, giới quân sự Mỹ và phương Tây đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của Burevestnik và tìm cách đối phó với vũ khí này.

Cố vấn về Kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ, Marshall Billingslea tuyên bố, tên lửa hành trình Burevestnik không nên tồn tại vì nó giống như "nhà máy điện Chernobyl biết bay".

Đánh giá về tên lửa Burevestnik, nguyên lãnh đạo Cơ quan Tình báo Anh, tướng Jim Hockenhall cho rằng, tên lửa hành trình của Nga có khả năng hoạt động không giới hạn trên không và có thể chủ động chọn thời điểm để tấn công bất ngờ vào mục tiêu.

Để có tầm bắn gần như không giới hạn, Burevestnik được trang bị động cơ hạt nhân đặc biệt. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Pháp Corantin Brustlen, công nghệ động cơ hạt nhân đã giúp tên lửa hành trình của Nga không còn bị giới hạn về tầm bắn, quỹ đạo bay như các loại tên lửa hành trình truyền thống.

Đối phương rất khó để theo dấu loại tên lửa này, cũng như lên phương án ngăn chặn. Các hệ thống phòng thủ tên lửa gần như vô dụng trước loại vũ khí có phạm vi hoạt động toàn cầu như Burevestnik. Xét trên bình diện quốc tế, việc sở hữu loại vũ khí đặc biệt như Burevestnik tạo lợi thế chiến lược rất lớn cho Nga trong ít nhất vài thập niên tới.

Một vấn đề khác cần nhắc tới chính là việc các kỹ sư Nga đã đưa ra giải pháp giúp bảo vệ các thiết bị điện tử, điều khiển học trên tên lửa Burevestnik khỏi bức xạ phát ra từ lò phản ứng hạt nhân mang theo. Đây vốn là thách thức công nghệ đối với mọi phương tiện muốn sử dụng phản ứng hạt nhân làm năng lượng để hoạt động.

Bộ Quốc phòng Nga từng công bố nhiều hình ảnh về quá trình thử nghiệm tên lửa Burevestnik. Nó có hình dáng bên ngoài gần tương tự như tên lửa hành trình chiến lược phóng từ trên không X-101, nhưng có kích thước lớn hơn đáng kể để mang trong thân động cơ hạt nhân.

Các thông tin chi tiết về đặc điểm kỹ - chiến thuật của tên lửa Burevestnik không được công bố, nhưng với năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga, tên lửa này hoàn toàn có khả năng mang cả đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân để phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu.

Tên lửa hành trình hạt nhân Burevestnik cũng như siêu ngư lôi Poseidon đang mang lại lợi thế chiến lược rất lớn cho Nga cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ