Lại nóng vụ F-16 rơi

GD&TĐ - Hãng Reuters cho biết, vụ tiêm kích F-16 Ukraine rơi khi giao chiến với Nga đang làm dấy lên tranh cãi về quy trình đào tạo phi công.

Trang bị tối tân trên F-16 của Ukraine.
Trang bị tối tân trên F-16 của Ukraine.

Thông tấn Anh dẫn lời các quan chức nước này giấu tên nói rằng chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy chiếc F-16 bị phòng không đồng đội bắn nhầm hay lực lượng Nga bắn hạ, cũng như không có dấu hiệu máy bay gặp trục trặc kỹ thuật.

Trong khi đó một quan chức Mỹ khẳng định một tên lửa của Nga đã phát nổ gần chiếc F-16 trước khi nó biến mất khỏi màn hình radar.

Vị quan chức này nêu giả thuyết vụ nổ làm hỏng máy bay hoặc buộc phi công cơ động vòng tránh và bay quá sát mặt đất là một phần nguyên nhân của vụ việc.

Vận hành chiến đấu cơ trong chiến đấu thực tế là một trong những nhiệm vụ phức tạp và nguy hiểm nhất. Nhiều phi công giỏi nhất của Mỹ cũng từng trải qua các vụ rơi F-16, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân CQ Brown và cựu tham mưu trưởng không quân David Goldfein.

Tại Mỹ, khóa huấn luyện tiêm kích F-16 cơ bản thường kéo dài 9 tháng. Sau đó các phi công hoàn tất khóa học sẽ chuyển đến đơn vị tác chiến và tiếp tục huấn luyện trong nhiều tháng, trải qua hàng loạt đợt diễn tập trước khi được xác nhận đủ khả năng chiến đấu trong điều kiện thực tế.

Chương trình đào tạo phi công Ukraine lại có nhiều khác biệt. Khóa huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine được rút ngắn chỉ còn 6 tháng, họ cũng lập tức phải tham chiến sau khi được cho là tốt nghiệp.

Giới quân sự phương Tây đang tranh cãi liệu Ukraine có thực sự khôn ngoan khi triển khai chiến đấu tiêm kích F-16 chỉ vài tuần sau khi tiếp nhận, cũng như cử phi công với số giờ bay hạn chế thực chiến.

Washington và đồng minh phương Tây chưa có kế hoạch điều chỉnh chương trình huấn luyện phi công F-16 Ukraine. Nhưng một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây cảnh báo vụ rơi hôm 26/8 của Ukraine "cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi các vị cố gắng đẩy nhanh tiến trình".

Những khóa đào tạo phi công Ukraine từng bị trì hoãn trong nhiều tháng khi Mỹ cân nhắc có đồng ý để đồng minh chuyển F-16 cho Kiev hay không. Khi nhận tiêm kích này, Ukraine đối mặt với loạt trận tập kích tên lửa và UAV với cường độ ngày càng tăng, phá hủy nhiều nhà máy điện và hạ tầng năng lượng.

Phi công lái chiếc F-16 bị rơi là Trung tá Oleksiy Mes là một trong số ít phi công Ukraine tham gia khóa huấn luyện vận hành F-16 tại Đan Mạch vào tháng 8/2023. Sau đó, một nhóm phi công Ukraine khác cũng tham gia khóa đào tạo tại căn cứ Vệ binh Quốc gia Mỹ ở bang Arizona.

Các phi công hoàn thành khóa đào tạo tại châu Âu đã trở về Ukraine cùng tiêm kích F-16 ngay sau đó. Trước vụ F-16 rơi, đại diện chính phủ Đan Mạch bày tỏ lo ngại về khả năng bay độc lập của một số phi công F-16 Ukraine.

Những người này dù có nhiều năm vận hành tiêm kích do Liên Xô chế tạo, song nhiều người chật vật khi học cách lái F-16, đặc biệt do tài liệu hướng dẫn viết bằng tiếng Anh và không phải ai cũng đọc và hiểu được đầy đủ.

Một số phi công Ukraine không thể tốt nghiệp khóa đào tạo tại Đan Mạch do vấp phải rào cản ngôn ngữ đã cho thấy tiếng Anh đang là thách thức lớn với họ.

Phi công Mes không thuộc những người gây lo ngại, mà là một trong số ít người hoàn tất khóa học ở Đan Mạch với chương trình gồm các tình huống mà họ có thể đối mặt trên chiến trường.

Cũng theo báo Mỹ, trong các khóa đào tạo, phi công Ukraine được tập trung vào khoa mục đối phó với phòng không, thay vì học tất cả kỹ năng thực hiện nhiệm vụ mà F-16 có thể làm được.

Một cựu phi công tiêm kích Mỹ nhận định: "Đối phó tên lửa hành trình là nhiệm vụ rất khó, từ bám bắt mục tiêu trên radar, đến tiếp cận và sử dụng vũ khí phù hợp trên máy bay".

Vị cựu phi công này cho biết thêm, Ukraine muốn đẩy nhanh quá trình huấn luyện và triển khai phi công chiến đấu, nhưng nhấn mạnh điều này là vì tình thế bắt buộc và không đồng nghĩa rằng Oleksiy Mes chưa sẵn sàng chiến đấu.

Michael Kofman, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình Carnegie tại Mỹ, cũng cho rằng: "Dù với lý do gì nhưng chắc rằng phi công Ukraine gặp khó khăn khi tiếp nhận và học cách vận hành F-16".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.