Theo War History, chỉ vài giờ sau khi trận đấu kết thúc, El Salvador cắt đứt quan hệ ngoại giao với Honduras. Đến ngày 14/7/1969, quân đội El Salvador phát động chiến tranh, tấn công quốc gia láng giềng.
Vì đâu nên nỗi?
Gốc rễ sâu xa của những mâu thuẫn này bắt nguồn từ vấn đề kinh tế. El Salvador là một trong những quốc gia có dân cư đông đúc nhất Nam Mỹ trong giai đoạn những năm 1960. Ở chiều ngược lại, Honduras là quốc gia có dân cư thưa thớt.
Năm 1969, khoảng 300 nghìn người El Salvador vượt biên qua vịnh Fonseca, vùng biển tranh chấp giữa hai nước, để nhập cư bất hợp pháp vào Honduras. Chính quyền El Salvador đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố, đất đai được sở hữu bởi người dân El Salvador sẽ thuộc về nước này, bao gồm cả các mảnh nằm trong lãnh thổ Honduras.
Căng thẳng về vấn đề nhập cư giữa hai nước leo thang khi Tổng thống Honduras Oswaldo Lopez Arellano ra lệnh trục xuất nhiều người El Salvador dựa trên luật cải cách đất khai hoang.
Trong bối cảnh đó, trận thi đấu bóng đá giữa đội tuyển của 2 nước tại vòng loại World Cup 1970 trở thành “chiến trường” của 2 bên. Theo quy định của FIFA, hai đội sẽ thi đấu theo thể thức lượt đi và về trên sân nhà của nhau.
Sự hỗn loạn đã xuất hiện trong trận lượt đi, khi Honduras giành chiến thắng 1-0 trước El Salvador vào ngày 8/6/1969. Trước trận lượt về, các cầu thủ Honduras trải qua một đêm mất ngủ vì bị khủng bố bằng trứng thối, chuột chết và giẻ rách.
Cổ động viên Honduras cũng bị kích động trong trận đấu do quốc kỳ và quốc ca của họ bị nhạo báng. Tình hình xấu đi nhanh chóng trong trận lượt về ngày 15/6 với chiến thắng 3-0 cho chủ nhà El Salvador.
Với việc mỗi đội giành một chiến thắng trên sân nhà của mình, El Salvador và Honduras phải đá tiếp trận “chung kết” trên sân trung lập ở Mexico vào ngày 26/6/1969 để xác định đội bóng đoạt vé đến vòng chung kết World Cup vào mùa Hè năm sau.
Châm ngòi chiến tranh
Ngay khi trận chung kết ngày 26/6/1969 kết thúc với chiến thắng chung cuộc 3-2 giành cho El Salvador trong hiệp phụ, 2 quốc gia này bắt đầu xảy ra khẩu chiến trên báo chí. El Salvador cắt đứt quan hệ ngoại giao với Honduras. Đến ngày 14/7/1969, quân đội El Salvador chính thức phát động cuộc chiến xâm lược Honduras.
El Salvador đã sử dụng oanh tạc cơ cải trang thành máy bay chở khách để tiến hành tập kích đường không. Trong chiến dịch quân sự này, El Salvador sử dụng máy bay Corsairs, oanh tạc cơ C-47 và chiến đấu cơ F-51.
Nối tiếp không quân, bộ binh El Salvador được trang bị súng máy tự động, yểm trợ bởi xe bọc thép và pháo 105mm, xe tăng hạng nhẹ M3 Stuart áp đảo quân đội Honduras trang bị nghèo nàn cũng tiến vào lãnh thổ quốc gia láng giềng.
Để đối phó lại, Honduras đáp trả bằng máy bay T-28, F-41, Corsair để tấn công sân bay của El Salvador, ngăn đối phương bổ sung thêm lực lượng. Ngoài ra, để cắt nguồn cấp dầu của El Salvador, Honduras nhắm tới khu công nghiệp Acajutla. Dù bị tấn công bất ngờ, đối mặt với kẻ thù mạnh hơn, vũ khí tối tân hơn, nhưng quân đội Honduras cuối cùng cũng kiểm soát lại được không phận và tiêu diệt hầu hết lực lượng không quân El Salvador.
Đợt tấn công chớp nhoáng của El Salvador nhanh chóng phá sản, trong khi các binh sĩ của họ dần cạn kiệt đạn dược.
Theo các nhà sử học, binh sĩ El Salvador không được huấn luyện kỹ lưỡng. Họ dùng súng tự động nhưng chỉ biết xả đạn bừa bãi, khiến nguồn dự trữ cạn kiệt nhanh chóng, làm gián đoạn đà tấn công.
100 giờ sau khi chiến tranh nổ ra, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Ban đầu, El Salvador vẫn cứng rắn, đòi Honduras bồi thường vì đã trục xuất công dân nước này và phải đảm bảo an toàn cho những công dân, binh lính họ vẫn còn ở Honduras.
Đến ngày 1/8/1969, cả hai nước đều đồng ý ngừng bắn và chấm dứt cuộc chiến ngắn kéo dài 4 ngày.
Sau cuộc chiến, dòng người El Salvador từ Honduras đổ về quê hương khiến nước này ngày càng nghèo đói hơn, rơi vào tình trạng nội chiến suốt 12 năm. Trong đó, cuộc nội chiến nổ ra năm 1980 khiến 75.000 người El Salvador thiệt mạng. El Salvador là nước gây chiến trước, chiếm ưu thế trước Honduras nhưng chính nước này mới phải nhận những hậu quả nặng nề hơn đối phương sau chiến tranh.
Đây cũng là lần duy nhất lịch sử ghi nhận có trận bóng World Cup châm ngòi cho cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia láng giềng. Mãi tới ngày 30/10/1980, hai nước mới ký hiệp định hòa bình và đồng ý phân định tranh chấp lãnh thổ trên vịnh Fonseca và biên giới trên đất liền thông qua Tòa án Công lý Quốc tế.
Theo phán quyết năm 1992 phần lớn lãnh thổ tranh chấp đã được trao cho Honduras. Phán quyết này được hai quốc gia lấy làm cơ sở để ký hiệp định phân định biên giới vào năm 1998.
Theo War History, trận giao tranh trong 100 giờ được gọi là “chiến tranh bóng đá năm 1969”, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất nhà cửa; thị trường thương mại Trung Mỹ đình trệ suốt 22 năm, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tất cả nước Mỹ Latinh.