Thời gian qua, trên mạng xã hội và bằng những hành động thực tế, một số KTS và những người yêu di sản đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ khẩn cấp di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa kiến trúc này.
Công trình xuống cấp
Trước thông tin Giáo phận Bùi Chu sẽ hạ giải nhà thờ vào ngày 13/5 tới,hơn 20 KTS đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT&DL, UBND tỉnh Nam Định, đề nghị can thiệp giữ lại nhà thờ.
Nhóm KTS khẳng định nhà thờ Bùi Chu xây dựng năm 1885, là “di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa” tầm vóc quốc gia. Công trình không chỉ mang kiến trúc châu Âu mà còn kết hợp các yếu tố, chi tiết, vật liệu của Việt Nam, tác phẩm nghệ thuật độc đáo bởi sự giao lưu văn hóa Đông - Tây.
Nhóm kỹ sư xây dựng, KTS và chuyên gia bảo tồn đã dành hai ngày 29 - 30/4 về Bùi Chu tiến hành khảo sát sơ bộ. Với kết luận, nhà thờ có nền móng vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún; hệ khung cột gỗ lim kết cấu chính còn rất tốt; mái ngói vỡ khiến cho hệ vì kèo gỗ nhiều chỗ thấm nước, cần thay thế những phần đã mục hỏng;
Phần trần vôi rơm hai cánh cũng đã hỏng, cần làm mới hoàn toàn; tường bao mục lớp ngoài, nhưng có thể chống thấm bằng các phương pháp thi công phổ biến. Nhìn chung, việc trùng tu rất dễ dàng, về mặt kỹ thuật không có gì trở ngại và cũng không quá tốn kém tài chính.
Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu khẳng định, việc xây dựng lại nhà thờ Bùi Chu đã được Hội đồng giám mục cân nhắc kỹ từ 5 năm qua. Với thực trạng công trình đã quá xuống cấp, khó có thể trùng tu được nên các cha xứ và giáo dân cũng như chính quyền địa phương đều đồng thuận việc xây mới nhà thờ là cần thiết tránh tai nạn nguy hiểm cho giáo dân khi hành lễ.
Ngày 3/5, nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam (Save Heritage VietNam) gửi thư thỉnh nguyện đến Giáo hoàng Francis, xin giải cứu nhà thờ Bùi Chu. Với việc kêu gọi được các chuyên gia, các nhà chuyên môn sẵn sàng chung tay cùng Giáo phận Bùi Chu, các KTS độc lập đã đề xuất phương án duy tu, bảo tồn với chi phí ít tốn kém nhất.
Ngày 7/5, Đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL đã về khảo sát thực tế tại nhà thờ Bùi Chu và làm việc với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Cục phó Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết: Nhà thờ đã xuống cấp. Nhiều chỗ bị nứt, hỏng như cửa vào, các mái vòm hai bên tường. Thậm chí, tòa tháp trái bị nghiêng. Nội thất bên trong bị xuống cấp, mục, mọt, nhiều vật liệu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, trong khi nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng vẫn diễn ra ở đây.
Vì vậy, cần bảo đảm an toàn cho công trình cũng như người sử dụng. Việc xem xét xây dựng lại công trình này phải dựa trên thực trạng xuống cấp của di tích.
Nội thất bên trong nhà thờ. |
Đã khởi công phần mộc từ lâu?
Trước các luồng dư luận, Giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Đình Hiệu cho biết: “Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được lên kế hoạch từ năm 2014 và nhận được sự đồng thuận của hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương.
Trong 5 năm, ngoài việc kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho dự án được sớm khởi công, thi công an toàn, nhiều giáo dân và nhà hảo tâm đã đóng góp công, của để chuẩn bị đầy đủ vật liệu đại tu ngôi thánh đường này. Quyết định sửa chữa trùng tu, đại tu như thế nào cuối cùng vẫn thuộc về tu sĩ và giáo dân”.
Theo quan điểm của Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu và Hội đồng giám mục thì vấn đề được đưa lên hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn cho hàng nghìn giáo dân khi dâng lễ, tiếp đó là mục đích thờ phụng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản…
Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu, linh mục Nguyễn Đức Giang cũng cho rằng, nếu không đại tu sẽ gây mất an toàn cho các sinh hoạt tôn giáo. Đã từng có sự cố cả mảng trần sụp xuống giữa buổi hành lễ nhưng may không rơi vào đầu giáo dân. Nhà thờ đã quá tải, nhiều buổi hành lễ, giáo dân phải ngồi ngoài sân. Việc trùng tu bây giờ rất khó và chi phí trùng tu nhiều gấp 3 - 4 lần xây mới.
Trên thực tế chủ trương xây dựng lại nhà thờ Bùi Chu đã có từ những năm trước. Từ năm 2016, các cha xứ ở tòa giám mục Bùi Chu đã làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhưng chưa tiến hành xây dựng ngay do khâu chuẩn bị chưa kịp. Việc xin gia hạn cấp phép xây dựng của nhà thờ năm 2018 cũng đã được Sở Xây dựng tỉnh Nam Định chấp thuận.
Nhà thờ Bùi Chu đã khởi công làm mộc từ mấy tháng trước. Các nhóm thợ mộc đang thi công, những mảng chạm gỗ, nhiều cột gỗ lớn để làm trụ cho ngôi nhà thờ mới đã được xếp ngay ngắn trong lán trại cạnh nhà thờ.
Trả lời báo chí, ông Ðặng Ngọc Cường - Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: “Hội đồng linh mục giáo phận Bùi Chu đã họp bàn vấn đề này trong nhiều năm và đi đến quyết định hạ giải nhà thờ. Về mặt thủ tục hành chính đều đã hoàn tất”.
Chiều 7/5, nhóm KTS tiên phong bảo vệ quan điểm trùng tu nhà thờ Bùi Chu vẫn tiếp tục gửi thư điện tử tới ông Michael Croft - Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam đề nghị góp tiếng nói bảo vệ công trình.
Tiếp thêm tiếng nói dù hơi chậm trễ, Hội KTS Việt Nam cũng đã gửi công văn gửi tới UBND tỉnh Nam Định, giám mục nhà thờ Bùi Chu Thomas Vũ Đình Hiệu, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VH,TT&DL. Nội dung công văn khẳng định nhà thờ Bùi Chu là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc rất cần được tôn trọng, bảo tồn và phát huy.